Video: Điểm chuẩn giảm sâu, khối trường Y vẫn yên tâm chất lượng đầu vào
Điểm chuẩn các trường Y Dược giảm sâu
Việc điểm chuẩn các ngành khối Y Dược giảm sâu vượt mức dự kiến trước đó của các trường đại học đã khiến nhiều thí sinh xét tuyển vào ngành này bất ngờ. Dư luận lo lắng ngành Y Dược có nguy cơ thất sủng.
Điểm chuẩn của Học viện Quân y năm 2018 giảm nhiều nhất trong số các trường đại học đào tạo ngành Y.
Theo đó, điểm chuẩn của khối A00 giảm đến 8,95 điểm so năm ngoái, xuống còn 20,05 điểm đối với thí sinh nam miền Bắc; giảm đến 6,65 so với năm ngoái đối với thí sinh nam miền Nam.
Điểm chuẩn tổ hợp B00, đối với thí sinh nam miền Bắc là 22,35; thí sinh nam miền Nam là 21,06; thí sinh nữ miền Bắc là 24,2 và thí sinh nữ miền Nam là 24,15.
Trước đó, năm 2017, điểm chuẩn với thí sinh xét theo tổ hợp B00, đối với thí sinh nam miền Bắc lên tới 27,75 và thí sinh nam miền Nam là 27; thậm chí thí sinh nữ miền Bắc là 30 và thí sinh nữ miền Nam là 29.
Điểm trúng tuyển vào trường Đại học Y Hà Nội năm 2018 giảm từ 3,5 - 5,6 điểm so với năm 2017.
Năm 2017, điểm chuẩn Đại học Y Hà Nội dao động ở mức 23,75 - 29,25 điểm. Trong khi đó, năm nay, chỉ cần 18,1 điểm đã có thể đỗ vào khoa Y tế công cộng. Ngành học luôn có điểm chuẩn cao tốp đầu là Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội năm 2018 có mức điểm chuẩn cao nhất là 24,75 điểm.
Đại học Y Dược TP.HCM có điểm chuẩn giảm khoảng 4 điểm so với năm 2017.
Theo công bố điểm trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển kết quả thi THPT Quốc gia 2018 của trường Đại học Y Dược TP.HCM, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Y khoa với 24,95 điểm. So với điểm chuẩn năm 2017, điểm chuẩn ngành này giảm tới 4,3 điểm. Điểm chuẩn thấp nhất là ngành Y tế công cộng với 18 điểm, giảm 4,25 điểm so với năm ngoái.
Trong khi đó, điểm trúng tuyển khoa Y của Đại học Quốc gia TP.HCM so với năm 2017 giảm rất mạnh. Năm 2018, điểm trúng tuyển ngành Y khoa cao nhất 22,1 điểm, giảm mạnh so với mức 28,25 điểm năm 2017. Ngành Dược học năm nay lấy điểm chuẩn là 22 điểm trong khi năm ngoái lấy 26,5 điểm.
Năm nay, điểm của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng trong xu hướng giảm so với năm 2017. Ngành Răng - Hàm - Mặt có điểm chuẩn cao nhất là 23,3 điểm cho thí sinh không có hộ khẩu TP.HCM và 22,5 điểm cho thí sinh có hộ khẩu TP.HCM. Ngành Y khoa có mức điểm chuẩn là 22 điểm đối với thí sinh có hộ khẩu TP.HCM và thí sinh địa phương khác là 22,7 điểm trong khi năm 2017 lấy 27 điểm.
Lý giải về việc điểm khối ngành y dược năm nay giảm sâu, trả lời phóng viên VTC, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, điểm chuẩn thấp là do đề thi năm nay khó hơn và ở mức điểm này, việc xét tuyển của nhà trường sẽ thuận lợi hơn.
"Với mức điểm chuẩn tầm 24-25 điểm, nhà trường rất thuận lợi cho việc tuyển sinh bởi các thí sinh được dải ra trên diện rộng hơn, dễ dàng chọn lựa hơn. Điểm thi không phản ánh hoàn toàn năng lực của chính các em mà là phản ánh mức độ khó của đề thi".
Ông Hinh cũng khẳng định, học sinh không có năng lực sẽ không thể trụ lại ở trường Y.
"Từ nhiều năm nay, việc đánh giá năng lực sinh viên của trường rất khách quan, nên những em nào không có năng lực sẽ không chịu nổi sức tải và bị loại ra khỏi trường. Không có chuyện vào trường là yên tâm ra trường" - ông Hinh nói.
Video: Điểm chuẩn các trường top đầu giảm kỷ lục
Điểm chuẩn trường sư phạm tăng mạnh
Mùa tuyển sinh 2017, nhiều trường cao đẳng địa phương lấy điểm chuẩn ở mức 9-10 điểm/3 môn khiến nhiều người lo lắng về chất lượng của đội ngũ giáo viên tương lai.
Điển hình, Cao đẳng Sư phạm Gia Lai thông báo điểm trúng tuyển xét theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 9 điểm (3 môn thi) với các ngành sư phạm cơ bản là: Toán, Vật lý, Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh. Ngành Giáo dục Tiểu học có điểm chuẩn 18, Giáo dục Mầm non 16,5. Các ngành thi năng khiếu như Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật có điểm chuẩn 25.
Năm nay, để nâng cao chất lượng đầu vào các trường sư phạm, Bộ GD-ĐT đã quy định điểm sàn riêng đối với trường đại học, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên. Ngoài ra, năm nay Bộ GDĐT cũng thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh gắn với nhu cầu sử dụng của từng địa phương, giải quyết bài toán thiếu thừa giáo viên. Đây là cách để hút người giỏi “đầu quân” cho ngành sư phạm.
Năm nay, mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào đại học sư phạm đối với thí sinh thi THPT Quốc gia: 17,0 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi.
Mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào cao đẳng sư phạm, đối với thí sinh thi trung học phổ thông quốc gia: 15,0 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi.
Mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào trung cấp sư phạm, đối với thí sinh thi trung học phổ thông quốc gia: 13,0 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi.
Đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành hệ đại học chính quy năm 2018.
Theo đó, có nhiều ngành của Đại học Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn bằng ngưỡng điểm sàn Bộ GD-ĐT đưa ra như Triết học, Văn học, Tâm lý học, Sinh học, Công tác xã hội.
Ngành lấy điểm cao nhất là Sư phạm Toán học (dạy Toán bằng Tiếng Anh) khối D với mức điểm chuẩn 24,8 điểm.
Mức điểm chuẩn năm 2018 của trường Đại học Sư phạm TP.HCM cũng dao động từ 17 - 22,55 điểm.
Như vậy, với hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TPHCM, một số ngành có điểm chuẩn giảm từ 1-4 điểm so với năm 2017, nhưng vẫn nằm ở top trường có điểm chuẩn cao. Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm nay có 4 ngành học có điểm trúng tuyển cao nhất là 27.
Bình luận