• Zalo

Dịch vụ xe đạp công cộng: 'Hay thế, sao lại không làm?'

Thời sựThứ Hai, 17/03/2014 04:06:00 +07:00Google News

(VTC News) - ĐBQH Trần Ngọc Vinh cho rằng, đề án thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng rất cần thiết, nên triển khai càng sớm càng tốt.

(VTC News) - ĐBQH Trần Ngọc Vinh cho rằng, việc thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng rất cần thiết, nên triển khai càng sớm càng tốt.

Ngày 27/01/2014,Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo số 148/TTg-KTN về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn trong đó yêu cầu 5 thành phố lớn trong cả nước thí điểm cho thuê xe đạp công cộng trong nội thành (gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ).

Phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Ngọc Vinh, Thành ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách - Đoàn ĐBQH Hải Phòng về vấn đề trên.

- Quan điểm của ông về chủ trương thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng ở khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng?

xe đạp công cộng, trung tâm TP Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải PhòngCá nhân tôi cho rằng, đây là chủ trương thực sự cần thiết đối với các thành phố lớn nhằm góp phần giải quyết giao thông công cộng và đặc biệt bài toán nan giải về ô nhiễm không khí, khói bụi, nhất là tại trung tâm các thành phố, đô thị lớn.

Hiện nay, dân số TP Hải Phòng vào khoảng 1,9 triệu, trong đó 4 quận thuộc khu vực trung tâm TP gồm: Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Hải An có diện tích khoảng 142 km2 bằng 1/10 diện tích, nhưng dân số trên 600 nghìn người, chiếm gần 1/3 dân số toàn TP. Như vậy, mật độ dân cư cũng như phương tiện đi lại tại khu vực trung tâm TP là rất lớn.

Đó là chưa kể khu vực trung tâm TP là nơi tập trung các cơ quan, đơn vị hành chính cũng như nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn, với số lượng lớn cán bộ, công chức, người lao động thuộc khu vực ngoại thành sử dụng phương tiện xe máy di chuyển từ các quận, huyện ngoại thành vào làm việc tại khu vực trung tâm.

Vì vậy, áp lực giao thông tại khu vực trung tâm TP Hải Phòng ngày càng lớn, các tuyến đường trong khu vực trung tâm hầu hết không còn khả năng mở rộng. Bên cạnh đó, việc lưu thông các phương tiện cá nhân đặc biệt là xe máy với lưu lượng lớn trong khu vực trung tâm gây ô nhiễm không khí, khói bụi, tiếng ồn.

Thực trạng trên đòi hỏi TP phải có những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế phương tiện đi lại cũng như giảm thiểu sự ô nhiễm không khí tại khu vực trung tâm.

- Ông có cho rằng đây là một ý tưởng khá "ngẫu hứng" và.... rất Việt Nam?

Hoàn toàn không. Trên thế giới đã có nhiều thành phố lớn thực hiện chính sách này và được người dân rất ủng hộ, tiêu biểu như Paris, Lyon (Pháp), New York (Mỹ), Hàng Châu, Vũ Hán (Trung Quốc) hay gần nước ta như Bangkok (Thái Lan)... 
Tuy nhiên, tôi cho rằng trước khi đưa Đề án vào thực hiện tại Việt Nam, các bộ ngành, địa phương cần phải nghiên cứu, khảo sát một cách kỹ lưỡng, tránh việc thực hiện theo phong trào, tràn lan, không hiệu quả gây lãng phí nguồn ngân sách.
Xe máy là phương tiện chủ yếu của người dân TP
Xe máy là phương tiện chủ yếu của người dân thành phố

- Theo ông, với thành phố Hải Phòng, việc thực hiện đề án thí điểm này có khả thi?

Hiện nay, đa số người dân Hải Phòng vẫn đi lại bằng xe máy và xe đạp, người dùng xe đạp có một số thành phần nhất định như: học sinh, người già, sinh viên nhưng không nhiều…
Mặc dù Hải Phòng đã và đang triển khai đề án phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt, tuy nhiên các tuyến xe buýt hiện nay có lượng khách không lớn, chất lượng phục vụ cũng như chất lượng cơ sở hạ tầng, phương tiện còn kém, không thu hút được người dân sử dụng, giá vé vận chuyển các tuyến còn cao.

Do vậy, để thực hiện có hiệu quả đề án phát triển việc đi lại trong trung tâm bằng xe đạp thì TP cần khảo sát và tìm những đơn vị kinh doanh dịch vụ cho thuê xe đạp, rồi từ đó lựa chọn một số địa điểm, tuyến phố trong TP để thí điểm. Công văn của Chính phủ khi yêu cầu 5 TP triển khai việc này cũng nhấn mạnh, đây chỉ là thí điểm chứ chưa áp dụng đại trà vì thời điểm này chưa phù hợp.

- Nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện đề án này giống như chúng ta đang quay về "thời kỳ bao cấp". Quan điểm của ông về vấn đề này?

Bước đầu thực hiện đề án chắc chắn người dân khó đồng tình vì bất tiện. Những người dân sinh sống trong khu vực bị hạn chế sẽ bất tiện. Và ngay cả người đi đến cũng bất tiện vì phải gửi xe nên người ta mới dùng từ "thí điểm" là vậy. 
Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng nên thí điểm vì nếu không có chính sách kiểm soát việc sử dụng phương tiện cá nhân hợp lý, hạ tầng giao thông không bao giờ đuổi kịp được nhu cầu.
Bây giờ hạ tầng cứ chạy theo nhu cầu. Trong khi đó, nhu cầu cứ tăng đều hằng năm, nếu không có biện pháp quản lý việc sử dụng phương tiện cá nhân, chắc chắn đường luôn ách tắc. Cho nên, khi quản lý phương tiện cá nhân phải có giải pháp thay thế.

Theo tôi, hiện nay thành phố Hải Phòng chỉ có thể thí điểm cho thuê xe đạp công cộng tại một số tuyến phố thuộc khu vực trung tâm TP như: các tuyến đường thuộc dải trung tâm Thành phố và các tuyến đường vành đai xung quanh dải trung tâm Thành phố (chủ yếu thuộc 3 quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân).

Bên cạnh đó, song song với triển khai xe đạp công cộng, Thành phố phải nâng cấp hệ thống xe buýt, xây dựng các tuyến buýt phù hợp và đặt các điểm xe đạp công cộng tại các đầu mối xe buýt, bến xe để giải quyết những km còn lại.
Nếu cùng lúc hai phương tiện công cộng này được triển khai tốt, tôi tin chắc người dân Hải Phòng sẽ hưởng ứng việc thực hiện đề án di chuyển bằng xe đạp trong khu vực trung tâm TP.
- Về phía người dân thì vậy, nhưng đối với doanh nghiệp triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng thì sao?

Trong quá trình thực hiện thí điểm việc cho thuê xe đạp công công, TP cần phải có cơ chế để tạo nhu cầu cho doanh nghiệp tham gia thực hiện đề án này. Nếu chúng ta không có cơ chế để hạn chế phương tiện cá nhân khác đi vào khu vực thí điểm thì nhu cầu sẽ không tăng.

Doanh nghiệp cho thuê xe đạp sẽ hoạt động không hiệu quả và họ sẽ không đầu tư, do đó phải có cơ chế hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ. Còn nếu TP có cơ chế hạn chế các phương tiện cơ giới cá nhân khác ở khu vực dải trung tâm TP, ví dụ như: chỉ cho đi bộ, xe buýt đi lại, xe điện và xe đạp hoạt động… sẽ tạo ra nhu cầu. 

Dải trung tâm TP vẫn thường xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm
Dải trung tâm TP vẫn thường xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm 

Trong khu vực đó, nếu hạn chế phương tiện cá nhân khác và có phương tiện thay thế thì người dân sẽ sử dụng xe đạp với mức chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, việc này sẽ làm phát sinh vấn đề việc kết nối giao thông từ khu vực này đến khu vực khác. Ví dụ, một người dân đi xe máy đến sẽ phải gửi xe ở vành đai, do đó sẽ phát sinh ra điểm trông giữ xe. 
Còn nữa, các tuyến buýt ở đây liệu có phải nắn chỉnh, tăng cường phục vụ trong khu vực này hay không vì đang khuyến khích hoạt động phương tiện xe đạp. Vấn đề là liệu Hải Phòng có đủ quỹ đất để xây dựng được các bãi trông xe không. Việc này, trong đề án cần phải được nghiên cứu rất kỹ lưỡng.

Xe máy cũng thường xuyên xung đột với các phương tiện giao thông khác vào giờ cao điểm khu vực trung tâm TP
Xe máy cũng thường xuyên xung đột với các phương tiện giao thông khác vào giờ cao điểm khu vực trung tâm TP 
- Theo ông, người dân sẽ được hưởng lợi gì khi triển khai đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng?

Trước hết, giao thông TP sẽ bớt đi những chiếc xe máy ồn ào, nguy hiểm và bụi bặm. Người dân có thể sử dụng xe đạp để di chuyển các quãng đường ngắn trong TP với mức chi phí rất rẻ và chủ động theo nhu cầu của cá nhân.

 

Cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng, giao thông TP sẽ bớt đi những chiếc xe máy ồn ào, nguy hiểm và bụi bặm, người dân có thể sử dụng xe đạp để di chuyển các quãng đường ngắn trong TP với mức chi phí rất rẻ và chủ động theo nhu cầu của cá nhân.

Ông Trần Ngọc Vinh
 
Đây là phương pháp khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng, dễ dàng tiếp cận các điểm cần đến hoặc cần đi từ các trạm xe buýt hoặc bến xe, bến tàu một cách dễ dàng.

Đối tượng được hưởng lợi từ đề án này gồm: khách nước ngoài thì rõ ràng việc hạn chế sẽ không ảnh hưởng vì người ta không sử dụng xe cá nhân; khách du lịch từ các tỉnh thành khác, chắc chắn họ cũng không dùng xe cá nhân, để sử dụng dịch vụ nà vì họ có thể đi taxi vào khu vành đai rồi thuê xe đạp hoặc đi bộ vào khu trung tâm TP. Khu phố này, bán kính cũng chỉ trong khoảng 2km, vì thế họ có thể đi bộ vào để tham quan, mua sắm. 

Đối tượng thứ 3 là người dân quanh khu vực trung tâm Hải Phòng. Những người này đến đây không phải với mục đích công việc, người ta chỉ đi chơi, mua sắm nên việc đó là không vấn đề. Đối tượng thứ 4 là sinh viên các trường cao đẳng, đại học có thể đi lại trong khu vực trung tâm TP một cách thoải mái và chi phí thấp.

- Ông có kiến nghị gì xung quanh đề án này?

Các địa phương phải lập một dự án chung, trong đó quy định về đường đi lối lại, điểm đậu xe, giá vé… để các doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu, đầu tư.

Đề án phát triển xe đạp công cộng trước hết chỉ nên tập trung xây dựng cho khối sinh viên các trường đại học cao đẳng, công chức, viên chức và những người làm việc ở các khu công nghiệp có cự ly chỉ từ 5km trở lại và tại các địa điểm được chọn để phát triển dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng là ga tàu, bến xe, điểm trung chuyển xe buýt và một số nơi gần các vị trí thăm quan, du lịch có nhiều người qua lại đặc biệt là khu vực dải trung tâm TP.
Để thực hiện được cần có những điều kiện khả thi như: xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp, có khu vực để xe đạp thuận tiện, hình thức thuê xe và bảo quản xe phù hợp. Khu vực trông giữ các phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô khi người dân sử dụng xe đạp.
Học sinh, sinh viên, công nhân viên chức là những đối tượng thích hợp hơn cả khi sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng
Học sinh, sinh viên, công nhân viên chức là những đối tượng thích hợp hơn cả khi sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng 

Phải có một bản quy hoạch cho hệ thống xe đạp công cộng, điều tra khảo sát nhu cầu sử dụng xe đạp. Song song với đó, ban hành công bố các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật về loại hình phương tiện này, đặc biệt về hệ thống hạ tầng (đường dành riêng cho xe đạp, tín hiệu giao thông, biển báo, chỗ để xe, công nghệ quản lý...), nghiên cứu các phương thức quản lý vận hành khai thác, lộ trình và tiến độ thực hiện.

Hải Phòng và các địa phương nên tham khảo ý kiến rộng rãi của cộng đồng, huy động chất xám hiệu quả của các trường đại học và các chuyên gia trong ngành lẫn ngoài ngành. Không quên kết hợp với nhiều đề án khác như phát triển giao thông công cộng, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, chấn chỉnh quản lý xây dựng quy hoạch đô thị, giải tỏa lòng đường, lề đường... 

Chủ trương này ngoài mục đích để bảo vệ môi trường còn nhằm tạo hình ảnh thân thiện giữa cán bộ và người dân, để thực hiện mô hình TP không động cơ, các cán bộ, công chức phải là người gương mẫu trước.
Đồng thời, chính quyền địa phương cần trang bị một số lượng xe đạp nhất định để công chức đi lại trong quãng đường ngắn, qua lại giữa các cơ quan không quá xa nhau bằng xe đạp. Xe đạp công cộng sẽ phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, tiện lợi cũng như thẩm mỹ…
- Xin cảm ơn ông!

» Thủ tướng: Thí điểm xe đạp công cộng tại 5 thành phố lớn
» Cấm xe máy, thí điểm xe đạp công cộng ở 5 thành phố lớn

Minh Khang
(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn