(VTC News) – Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá xăng dầu đã tăng đến 2 lần khiến các đơn vị kinh doanh vận tải ở miền Trung phải chạy theo bở hơi tai.
Ngay sau khi giá xăng tăng 900 đồng/lít, giá dầu diesel tăng thêm 500 đồng/lít vào tối 20/4, các đơn vị kinh doanh vận tải ở miền Trung bắt đầu nâng giá cước để tránh thua lỗ. Tuy nhiên, cũng có nơi phải chấp nhận tính toán để giảm lỗ chứ không dám tăng giá cước vì yếu tố cạnh tranh.
Giá cước vận tải hành khách ở miền Trung phải chạy đua theo giá tăng xăng dầu bở hơi tai
Tại Quảng Ngãi, sau khi được sự đồng ý của Sở GTVT, 4 hãng xe chất lượng cao của tỉnh này là: Chín Nghĩa, Bình Tâm, Sao Vàng, Thiên Trang đã tăng giá vé cho tuyến Quảng Ngãi – TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Công ty xe khách chất lượng cao Chín Nghĩa, "trong vòng hơn 1 tháng mà giá xăng dầu đã tăng đến 2 lần buộc lòng chúng tôi phải điều chỉnh giá vé, nếu không sẽ bị lỗ nặng. Theo đó, mỗi vé cho chặng Quảng Ngãi - TP.HCM và ngược lại của hãng xe này sẽ tăng thêm 20.000 đồng".
Còn ông Huỳnh Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty xe khách Bình Tâm thì chia sẻ: “Chúng tôi làm kinh doanh vận tải mà cứ suốt ngày chạy theo giá tăng xăng dầu thế này thì rất bất ổn”.
Theo đơn vị vận tải khách ở Quảng Ngãi, mức tăng này là mức xin tăng cho lần tăng giá xăng dầu hồi đầu tháng 3, chưa tính phần tăng giá xăng dầu vào ngày 20/4 mới đây. Do đó, sắp tới, các đơn vị này sẽ họp bàn để đề nghị Sở GTVT Quảng Ngãi xem xét cho tăng giá vé thêm nữa nếu không họ sẽ phải gánh lỗ.
Trước sức ép của giá tăng xăng dầu, các đơn vị kinh doanh taxi ở miền Trung phải tăng giá cước từ 700-1000đ/km
Tại Bình Định, theo ông Đặng Cao Thanh, Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT), lần tăng giá xăng dầu trước (ngày 7/3), các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đã không tăng giá cước. Cộng cả lần này, tính ra giá xăng đã tăng khoảng 15%, dầu diesel tăng khoảng 8%, nên nhiều doanh nghiệp vận tải đã bắt đầu điều chỉnh cước.
Đối với các tuyến vận tải hành khách cố định, giá cước tăng từ 7-10%. Trong đó, tuyến Quy Nhơn - TP.HCM tăng 10%. Ngoài ra, vào dịp 30/4, các doanh nghiệp chạy tuyến Quy Nhơn - TP.HCM cũng đã đăng ký phụ thu chiều rỗng 40% giá cước so với hiện tại.
Về vận tải taxi, Sở đã nhận được thông báo của một số đơn vị “xin” tăng giá cước với mức tăng thêm từ 700-1.000 đồng/km.
Hành khách có quá nhiều sự lựa chọn khiến các hãng xe khách Phú Yên không dám tăng giá vé mà đành ôm lỗ để giữ khách
Còn tại tỉnh Phú Yên, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách đang lâm vào thế kẹt khi giá xăng, dầu tăng đến 2 lần chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Do hiện nay trên địa bàn có nhiều hãng xe nhưng khách lại ít nên các đơn vị vận tải khách không dám tăng giá vé mà phải tính toán để giảm lỗ.
Ông Hồ Trư, chủ DNTN Vận tải và Du lịch Cúc Tư than thở: Lần trước, giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp vận tải chấp nhận giảm lợi nhận để giữ khách. Lần này, giá xăng dầu lại tăng tiếp nên chúng tôi phải tính toán lại phương án chạy xe sao cho hiệu quả, giảm lỗ, chứ chưa dám nghĩ đến phương án tăng giá vé vì yếu tố cạnh tranh.
Nghĩa Bình - Thanh Khiết
Bình luận