• Zalo

Dịch vụ đòi nợ thuê chỉ được hoạt động đến 1/1/2021

Kinh tếThứ Bảy, 11/07/2020 11:05:51 +07:00Google News

Thứ trưởng KH-ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, các DN đang kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được tiếp tục hoạt động từ nay tới ngày 1/1/2021.

Sáng nay (10/7), Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 10 đạo luật đã được Quốc hội khoá 14 thông qua tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, trong đó có 3 luật liên quan đến DN, nhà đầu tư.

Cụ thể đó là, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) có hiệu lực từ 1/1/2021.

Dịch vụ đòi nợ thuê chỉ được hoạt động đến 1/1/2021 - 1

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng

Liên quan đến Luật Đầu tư, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng cho hay, một trong những điểm mới nổi bật được luật lần này bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Trả lời báo chí về số phận của các DN đang kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ như thế nào khi luật có hiệu lực, Thứ trưởng KH&ĐT cho biết, các DN này được tiếp tục hoạt động từ nay tới ngày 1/1/2021.

Từ 1/1/2021 doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê và có trách nhiệm thanh, quyết toán liên quan tới dịch vụ này. Đối với các DN có nhiều ngành nghề, dịch vụ kinh doanh thì chấm dứt hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê, các lĩnh vực khác vẫn hoạt động theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho biết, liên quan đến quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh quốc phòng, Luật Đầu tư quy định rõ việc xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập DN, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.

Cùng với đó, luật cũng bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để tính thuế, hạn chế chuyển giá, trốn thuế; bổ sung quy định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn. Việc này nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp đầu tư chui, núp bóng.

Sử dụng con dấu "số" thay cho dấu "truyền thống"

Về Luật Doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, cải cách đầu tiên của Luật Doanh nghiệp là cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký DN, gia nhập thị trường. Trong đó, nổi bật là bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định DN có thể sử dụng con dấu "số" thay cho dấu "truyền thống".

Luật cũng đã thiết lập cơ chế đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.

Dịch vụ đòi nợ thuê chỉ được hoạt động đến 1/1/2021 - 2

Họp báo sáng nay

Ngoài ra, luật còn hướng đến nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động DN có sở hữu nhà nước. Cụ thể, khái niệm DN nhà nước được sửa đổi để xác định rõ loại DN mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và DN mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ để có cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp.

Dừng các dự án BT chưa phê duyệt từ 15/8

Về Luật PPP, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết 5 lĩnh vực thiết yếu đầu tư theo phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực, bao gồm: giao thông, lưới điện (trừ nhà máy thuỷ điện và trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.

Về quy mô đầu tư, Luật PPP quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu để đầu tư theo phương thức PPP là 200 tỷ đồng. Đối với một số dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giá trị này là 100 tỷ đồng.

Theo ông Thắng, phần vốn nhà nước sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng, hạn mức tham gia trong dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.

Về cơ chế chia sẻ, Thứ trưởng KH-ĐT cho biết được áp dụng cho tất cả các dự án PPP với tỷ lệ cố định 50% - 50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kỳ doanh thu hàng năm.

Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chình chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng và phải được kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.

Luật PPP cho phép doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu DN để huy động vốn thưc hiện dự án PPP.

Ngoài ra, Luật PPP quy định dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới. Đặc biệt, kể từ ngày 15/8, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn