Thứ bảy đánh dấu ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, còn được người Trung Quốc gọi là Lễ hội Mùa xuân. Đó là khoảng thời gian mà các gia đình sum vầy, mọi người phải đi rất xa để trở về nhà. Tất cả quây quần bên bữa cơm tất niên, trao cho nhau những phong bao lì xì, mặc quần áo màu đỏ may mắn và đốt pháo để xua đuổi những điều không may.
Nhưng năm nay, mùa lễ hội của người Trung Quốc đã trở thành mùa của sự lo lắng, sợ hãi.
Vào thời điểm mà đáng lẽ mọi người được tận hưởng các lễ hội năm mới, Trung Quốc lại đang trải qua một đợt bùng phát virus corona. Trong 6 tuần kể từ khi dịch bệnh được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, 26 người đã chết và 830 người nhiễm bệnh ở Trung Quốc đại lục do virus tương tự như hội chứng hô cấp cấp tính nặng (SARS).
Vũ Hán và một số thành phố xung quanh đang bị phong tỏa một phần. Các nhà chức trách ở Bắc Kinh đã hủy bỏ tất cả các lễ đón Tết Nguyên đán quy mô lớn, bao gồm các hội chợ và lễ kỷ niệm truyền thống xung quanh các đền chùa.
Thượng Hải Disneyland đã tạm thời đóng cửa. 7 bộ phim bom tấn dự kiến ra rạp vào cuối tuần này đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại – đây là vấn đề lớn bởi trong thời gian nghỉ lễ, rất nhiều người muốn ra rạp xem phim.
Các lễ kỷ niệm lớn trong năm mới cũng đã bị hủy bỏ tại các đặc khu hành chính Ma Cao và Hong Kong, nơi từng báo cáo 2 trường hợp nhiễm virus corona.
Tết Nguyên đán đối với người Trung Quốc chẳng khác nào khoảng thời gian nghỉ Giáng sinh – Năm mới ở Mỹ, ngoại trừ việc con số 1,4 tỷ dân Trung Quốc lớn gấp 4 lần so với Mỹ.
Đầu tháng này, Trung Quốc đã chuẩn bị cho 3 tỷ chuyến đi cá nhân trong thời gian diễn ra Lễ hội Mùa Xuân – tăng nhẹ so với 2,99 tỷ chuyến đi vào dịp Xuân vận 2019.
Giờ đây, hàng trăm nghìn người ở Trung Quốc đang phải đối mặt với các kế hoạch về quê ăn Tết hoặc đi du lịch bị đổ vỡ. Sáng 23/1, hành khách phải xếp hàng dài tại ga đường sắt cao tốc của Vũ Hán, cố gắng rời đi trước khi tàu dừng chạy.
Tình hình đến ngày 24/1 còn tệ hại hơn. 13 thành phố với khoảng hơn 41 triệu người ở Hồ Bắc bị cách li.
Công ty lữ hành trực tuyến lớn nhất Trung Quốc tuyên bố sẽ dỡ bỏ quy định cấm hủy đặt phòng tại Vũ Hán và bồi thường cho du khách nếu khách sạn từ chối hoàn trả phí đặt phòng.
Eva Kwang, 35 tuổi, đã tới ga West Kowloon của Hong Kong vào ngày 24/1 để hủy vé tàu của gia đình cô đến Quảng Châu, ở phía nam tỉnh Quảng Đông. Cô chia sẻ rằng mình buồn vì không thể gặp gia đình, nhưng lo lắng cho 2 đứa con của mình. “Tôi nghĩ rằng sự an toàn của chúng tôi quan trọng hơn bữa tối của tôi với tụi nhỏ. Tôi nghĩ rằng mình sẽ quay về và thăm họ có thể sau một hoặc hai tháng nữa” - Kwang nói với CNN.
Trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, đã có nhiều phản ứng trái chiều về những gì hứa hẹn sẽ là một kỳ nghỉ lễ an lành hơn.
Một người dùng đã tìm thấy mặt tích cực – thay vì đi từ nhà này sang nhà khác để thăm các thành viên khác trong gia đình như truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán, mọi người có thể gọi điện cho nhau qua điện thoại.
Nhưng một người khác – người tự nhận là ở Vũ Hán – có vẻ khó chịu hơn. Dù cho cha mẹ của người này chỉ ở ngay bên kia sông, nhưng họ vẫn không có cách nào có thể ăn tối cùng nhau. “Các bạn có hiểu nỗi đau của người dân ở Vũ Hán không?” - người này viết.
Bình luận