• Zalo

Dịch tả lợn châu Phi lan ra 10 tỉnh thành, Hà Nội thêm 3 ổ dịch

Sức khỏeThứ Năm, 07/03/2019 22:36:00 +07:00Google News

Từ một ổ dịch ban đầu ở phường Ngọc Thụy đến nay dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 3 quận, huyện khác ở Hà Nội

Chiều 7/3, Hà Nội cũng đưa ra thông tin có ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Gia Lâm. Theo thông báo, tại chuồng nuôi của gia đình ông Đỗ Văn Bạc (trú tại thôn Bình Trù, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm) phát hiện có lợn nhiễm virus tả lợn.

Trước đó, lần lượt phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), huyện Đông Anh và quận Hoàng Mai đều ghi nhận có dịch tả lợn châu Phi.

Như vậy, Hà Nội có 4 quận, huyện xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng thú y Hà Nội, nguyên nhân lây lan dịch bệnh ở quận Long Biên và Hoàng Mai là người dân sử dụng thức ăn dư thừa lấy từ các nhà hàng, hộ dân để nuôi lợn.

Ông Sơn cho biết, ngay khi phát hiện dịch ở các khu vực trên, sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tập trung khử trùng, tiêu độc và khẩn trương tiêu hủy số lợn theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục duy trì các chốt kiểm tra, kiểm dịch để giám sát vận chuyển vật nuôi ra vào, tránh dịch bệnh lây lan nhanh chóng.

danheo

Thái Nguyên là tỉnh thứ 10 có lợn phải tiêu hủy vì nhiễm virus dịch tả lợn. (Ảnh:Giadinhmoi)

Cũng trong hôm nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên nhận thông báo về một số con lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Thạo (trú tại huyện Phú Bình) có dấu hiệu ốm, chết bất thường. 

Ngay sau có thông tin, chi cục đã lấy mẫu xét nghiệm từ số vật nuôi chết trên. Kết quả lợn nhà ông Thao dương tính với virus tả lợn châu Phi ASF. Đây cũng là địa phương đầu tiên tại Thái Nguyên ghi nhận bị virus tả lợn tấn công.

10 tỉnh có dịch tả lợn châu Phi

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng kể từ ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại Hưng Yên, đến nay đã có 10 tỉnh bị nhiễm dịch gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình và Thái Nguyên. Tốc độ lây lan dịch giữa các tỉnh ngày càng nhanh.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân, nên các địa phương cần quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên đàn lợn.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, dịch bệnh tả lợn châu Phi dù lây lan nhanh và chưa có thuốc điều trị cho vật nuôi nhưng lại không gây bệnh trên người. Do vậy, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang hay tẩy chay các sản phẩm thịt lợn an toàn khác, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải cùng vào cuộc quyết liệt chống dịch tả lợn châu Phi.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương vừa tuyên truyền, vừa yêu cầu người chăn nuôi thực hiện tốt 5 không: Không giấu dịch; không mua bán; không giết mổ, mua bán lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm cám cho lợn để tránh dịch bệnh không lây lan.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do virus ASF gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, với tỷ lệ chết lên đến 100%. Đây là bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn. Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 2017 đến ngày 3/3/2019, đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có dịch tả lợn châu Phi.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Thú y, đến hết ngày 7/3, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 333 hộ ở 51 xã, 22 huyện của 10 tỉnh thành. Tổng số lợn tiêu hủy tới thời điểm này là khoảng 6.500 con.

Video: Xác vật nuôi ngổn ngang, dịch tả lợn khó dập

 

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn