Sau 4 lần dịch bùng phát, đời sống công nhân, người lao động khó khăn chồng chất. Nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, phải lo từng bữa ăn do mất đi nguồn thu nhập hàng ngày.
Chồng chất khó khăn
Tiếp chúng tôi trong căn nhà trọ nhỏ chưa đầy 20m2 nóng hầm hập tại khu xóm trọ công nhân tại phường Hòa Thuận Tây (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), vợ chồng anh Trần Thiện Thành Đạo (37 tuổi, quê Quảng Nam) không giấu được sự lo lắng cho những ngày tới vì cuộc sống đang rất khó khăn.
Đã 2 năm nay, anh Đạo mất việc làm vì dịch COVID-19 kéo dài, làm shipper bữa được bữa không vì phải thay vợ chăm con nhỏ. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Minh Tâm là công nhân lắp ráp tại Công ty TNHH Matrix (Khu công nghiệp Hòa Cầm, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Chồng mất việc, mức lương công nhân chỉ hơn 3 triệu đồng của chị Tâm khiến cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau khi phải lo cho 2 con nhỏ. Chưa hết, thời gian gần đây công ty ít nhận đơn hàng, chị Tâm phải giãn công, tiền lương càng giảm.
Không đủ điều kiện nuôi con, vợ chồng anh Đạo đành phải gửi đứa bé (mới 7 tháng tuổi) về quê ở huyện Quế Sơn cho nội ngoại chăm sóc. Còn đứa lớn gần 3 tuổi, vợ chồng anh Đạo thay phiên nhau giữ tại nhà trọ. Chị Tâm đi làm tại công ty thì anh Tâm ở nhà trông con, vợ về anh mới tranh thủ chạy ship hàng kiếm thêm thu nhập.
“Tôi chỉ mong dịch được khống chế để kiếm việc làm chứ thất nghiệp kéo dài thế này, cuộc sống khó khăn quá”, anh Đạo chia sẻ.
Đã 6 tháng nay, chị Nguyễn Thị Nhung (quê Nghệ An, thuê trọ trên đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) thất nghiệp vì công ty tạm dừng hoạt động, phải ở nhà chăm con cho chồng đi làm. Tất cả thu nhập đều trông vào chồng với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng nên chị Nhung phải tiết kiệm đến mức tối đa.
Theo chị Nhung, công ty chị dừng hoạt động từ đợt bùng phát dịch thứ 3, vừa hoạt động trở lại được 1 tuần thì đợt dịch thứ 4 bùng phát nên lại đóng cửa. Chị là lao động ký hợp đồng ngắn hạn nên chỉ nhận được khoản hỗ trợ ít ỏi.
“Tiền thuê nhà trước đây là 3 triệu đồng/tháng nhưng thấy mình khó khăn, chủ nhà giảm cho 1 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi thất nghiệp, cuộc sống dựa vào thu nhập của chồng nên trừ tiền thuê trọ, cả 4 người trong gia đình chỉ còn vỏn vẹn 4 triệu đồng, cuộc sống rất khó khăn. Mong sao hết dịch, công ty hoạt động trở lại để tôi được đi làm vì sắp tới 2 phải lo tiền cho 2 con đi học”, chị Nhung lo lắng.
Tương tự, vợ chồng chị Lê Thị Hoa (trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) công nhân một nhà máy tại khu công nghiệp An Đồn cũng rất khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài.
Dịch bệnh, đơn hàng của công ty ít hơn nên chị Hoa phải làm cách nhật, lương bình quân 5,5 triệu đồng/tháng trước đây giờ giảm gần 1/2. Chồng chị là tài xế chạy hợp đồng cho 1 công ty du lịch cũng thất nghiệp đã hơn 6 tháng nay, xoay đủ nghề kiếm sống.
“Bình thường vợ chồng cùng làm thì thu nhập cũng đủ để lo cho 2 con ăn học nhưng từ khi dịch bùng phát đến nay, chồng thất nghiệp, thu nhập của tôi sụt giảm nên khó khăn chồng chất”, chị Hoa than thở.
Sẻ chia để vượt khó
Ngày 13/5, PV có mặt tại xóm trọ công nhân của bà Ngô Thị Phương (47 tuổi, trú tổ 10, phường Hòa Thọ Tây), nơi vừa tiếp nhận những trường hợp đặc biệt là các công nhân chuyển đến từ khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm. Đây là số công nhân nhường chỗ cho chính quyền trưng dụng khu nhà ở công nhân làm khu cách ly y tế tập trung.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ số 13, xóm trọ chủ yếu là các cặp vợ chồng công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, đời sống khó khăn.
Biết hoàn cảnh của gia đình công nhân, tổ công nhân tự quản thường xuyên ghé thăm, hỗ trợ nhu yếu phẩm như mì tôm, rau, gạo.
Ông Phan Hữu Thuận, Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây (quận Cẩm Lệ) cho biết, trước những khó khăn của công nhân, phường đã hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng tiền thuê trọ, trích từ nguồn của UBND quận. Hiện phường đã chi hỗ trợ 2 đợt. Việc hỗ trợ cho các công nhân này sẽ được tiếp tục cho đến khi dịch bệnh kiểm soát, khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm kết thúc việc phục vụ cách ly y tế”, ông Thuận nói.
Theo bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, dịch bệnh khiến hầu hết người lao động chịu ảnh hưởng, trong đó có nhiều trường hợp rất khó khăn vì cả vợ chồng đều mất việc, phải trang trải chi phí thuê trọ, sinh hoạt, ăn học cho con cái. Vì vậy, các tổ công nhân tự quản sẽ giúp liên đoàn nắm được danh sách những người lao động khó khăn để công đoàn có sự giúp đỡ, đồng viên kịp thời.
Tại cuộc họp ngày 13/5, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan, trên cơ sở quy định chính sách của Trung ương, của địa phương, chủ động rà soát, báo cáo, đề xuất việc hỗ trợ những người khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kịp thời.
Bình luận