Dịch bệnh được kiểm soát
Hôm nay (31/8), Bác sỹ Trần Thanh Linh và đoàn bác sỹ TP.HCM rời Đà Nẵng sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát khi trong 36h qua Việt Nam và Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc mới nào.
Tại buổi gặp mặt tiễn đoàn sáng nay, thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN thành phố và người dân Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đoàn y bác sỹ chi viện từ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ông Nguyễn Văn Quảng cho biết: “Chúng tôi rất trân trọng, ghi nhận, cảm ơn những đóng góp của các y bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là những y bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy, BV Bạch Mai Hà Nội, những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nặng".
Phó Bí thư Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này các y bác sỹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đà Nẵng đã đẩy lùi được dịch bệnh trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn.
"Thay mặt lãnh đạo và toàn thể người dân thành phố, tôi xin trân trọng ghi nhận, cảm ơn những đóng góp quan trọng của đội ngũ y bác sỹ nói chung và các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng”, ông Quảng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Quảng cũng mong đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục quan tâm, trao đổi, giúp đỡ về chuyên môn đối với ngành Y tế Đà Nẵng.
“Qua các đồng chí, tôi xin gửi đến lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP.HCM, Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và toàn thể đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện lời cảm ơn trân trọng nhất. Chúc các đồng chí sức khỏe, tiếp tục có những đóng góp quan trọng hơn nữa cho ngành Y tế nước nhà trong công tác phòng chống dịch cũng chăm sóc, điều trị sức cho nhân dân”, ông Quảng nhấn mạnh.
Bệnh nhân 416 âm tính với virus SARS-CoV-2
Bác sỹ Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, người được giao nhiệm vụ thiết lập, chịu trách nhiệm chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân COVID-19 nặng tại Đà Nẵng cho biết, ông thấy rất hạnh phúc và vinh dự khi đến Đà Nẵng làm nhiệm vụ.
Bác sỹ Linh cũng cho biết, bệnh nhân COVID-19 số 416 (bệnh nhân đầu tiên được xác định mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 2 tại Đà Nẵng) là trường hợp rất nặng nhưng đến nay đã được chữa khỏi.
“Bệnh nhân đã có 3 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 dù đây được đánh giá là ca bệnh phức tạp, thậm chí nặng hơn bệnh nhân 91. Đến nay bệnh nhân đã hết COVID-19 theo tiêu chuẩn của bộ y tế. Tuy nhiên bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị bệnh lý và các biến chứng sau quá trình điều trị lâu tại bệnh viện”, bác sĩ Linh nói.
Bác sỹ Linh cũng chia sẻ, nếu Đà Nẵng không có sự chuẩn bị chu đáo trong các phương án chống dịch từ việc đầu tư Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi hay là các phương án cho Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn đến sự chuẩn bị tốt về trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc thiết yếu… thì dù có lực lượng hùng hậu cả nước vào đây cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị chu đáo, phối hợp giữa các bộ phận với nhau thì không thể chỉ trong vong 1 tháng có thể đẩy lùi được dịch bệnh. Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định đã đẩy lùi được dịch bệnh”, bác sỹ Linh nói.
Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong niềm vui vẫn còn có điều day dứt.
“Dù biết rằng các trường hợp bệnh nhân không qua khỏi đều trên những bệnh lý nền rất nặng như suy tim, suy thận... nhưng mỗi ngày có người mất, anh em vô cùng đau buồn. Thay mặt những người làm y tế, xin chia sẻ, gửi đến tất cả những gia đình có bệnh nhân COVID-19 đã mất lời chia buồn sâu sắc nhất”, bác sỹ Linh chia sẻ.
Bình luận