(VTC News) - Thông tin từ Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho thấy chưa phát hiện địa phương nào khác ngoài Đồng Nai có hiện tượng sử dụng chất tạo nạc nuôi heo.
>> Tìm ra đầu mối phân phối chất tạo nạc nguy hiểm
Không ít gia đình đã tá hoả khi thông tin một số trại chăn nuôi lợn thịt ở Đồng Nai dùng thức ăn chứa Beta Agonist tạo nạc đã bị cấm lưu hành. Thế nhưng những thông tin đầu tiên từ Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho thấy chưa phát hiện địa phương nào khác ngoài Đồng Nai có hiện tượng sử dụng chất tạo nạc nuôi lợn.Một số mẫu thịt thương phẩm ở Hà Nội, Bắc Giang... được kiểm nghiệm cũng chưa phát hiện mẫu nhiễm chất tạo nạc.
Không nên tẩy chay oan
Gia đình chị Ánh ở Cầu Giấy Hà Nội có 4 người lớn, và đều thích ăn thịt. Mấy hôm nay đọc báo thấy có nói đến loại thịt lợn siêu nạc do lợn được nuôi bằng hoá chất gì đó, cả nhà chị Anh đều hoảng, vì quả là thịt lợn mua về dạo này rất ít mỡ, miếng nào cũng đầy nạc, kể cả thịt ba rọi cũng nhiều nạc, cho vào rang đến gần cháy cạnh vẫn chưa thấy chảy ra chút mỡ nào.
Theo chị Ánh, lâu nay gia đình chị vẫn thường phải chần xương, thịt trước khi chế biến, nhưng rõ ràng là thịt lợn, kể cả thịt ba rọi cũng thấy rất ít mỡ, nên cả nhà đều băn khoăn. “Gần đây thấy báo nói cơ quan chức năng đã phát hiện 2 đại lý bán thức ăn gia súc ở Đồng Nai bán loại thức ăn giúp thịt lợn nhiều nạc và có màu đỏ hơn, nhưng “tác dụng” kèm theo là gây rối loạn hormol, tăng nhịp tim, chân tay run... ở người thịt khiến chúng tôi lo quá.
Đúng là ngày càng nhiều vấn đề về vệ sinh thực phẩm”- chị Ánh nói với PV.
Chính vì lý do này, hôm Chủ nhật cuối tuần rồi được nghỉ, chị Ánh phải lấy xe máy đi chợ xa mua thịt, dù ngay cạnh nhà chị có chợ với hàng chục quầy thịt lớn. Đi chợ xa, nên chị mua đủ loại xương, thịt về chế biến ăn trong cả tuần ở quầy hàng thịt sạch, mặc dù chị cũng không chắc có đúng là “sạch” hay không!
Nhưng nhìn thấy màu thịt chỉ hồng chứ không đỏ tươi, miếng ba rọi có mỡ, thịt sống được bảo quản trong tủ kính lạnh là chị thấy yên tâm hơn nhiều.
Theo các chuyên gia, thực tế trên thị trường có loại thịt siêu nạc được nuôi từ loại lợn giống siêu nạc, với tỷ lệ nạc lên tới trên 60%. Tuy nhiên, cuối tháng 2 đầu tháng 3 vừa qua, vừa qua cơ quan quản lý thị trường Đồng Nai có phát hiện một số trại chăn nuôi, cửa hàng thức ăn gia súc có bán loại thức ăn có vỏ nhãn ghi rõ là thức ăn tạo nạc.
Xét nghiệm nước tiểu của lợn nuôi tại 5 trang trại ở Đồng Nai cũng phát hiện có sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi.
Ngay sau khi hiện tượng kể trên được phát hiện, Văn phòng chính phủ đã có công điện truyền đạt ý kiến thủ tướng, giao các Bộ ngành liên quan phối hợp làm rõ, báo cáo thủ tướng trước 30/3. Cơ quan chức năng Đồng Nai và Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Y tế đã ráo riết vào cuộc, kiểm tra 5 mẫu thịt tại Hà Nội, một số mẫu tại Bắc Giang, lô thức ăn 2,25 tấn tại Đồng Nai... đều chưa phát hiện chất tạo nạc.
Chủ trang trại và hộ chăn nuôi ở Đồng Nai cũng đang tổ chức chương trình “Nói không với chất cấm”, nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Với những kết quả này, người tiêu dùng không nên tẩy chay oan sản phẩm thịt lợn an toàn, đang chiếm đại đa số trên thị trường.
Phân biệt thịt siêu nạc
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nếu nhìn bằng mắt thường khó phân biệt thịt siêu nạc được nuôi bằng thức ăn tạo nạc và thịt nạc thông thường. Tuy nhiên, nên tránh những loại thịt lợn phần nạc có màu đỏ giống thịt bò, tỷ lệ nạc của thịt lớn, phần nạc sát với da, phần mông và đùi bung nở khác thường.
Theo ông Dương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có văn bản mời Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế tham gia thành phần đoàn lấy mẫu thịt trên thị trường.
Dự kiến các đoàn sẽ lấy mẫu thịt thương phẩm tại 7 vùng sinh thái trong cả nước, mỗi vùng ít nhất 2 địa phương và mỗi địa phương 10 mẫu thịt thương phẩm. Ngoài ra, ông Dương cũng đánh giá cao chương trình chăn nuôi Nói không với chất cấm ở Đồng Nai và nếu chương trình có hiệu quả, sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương.
Hằng Nga
Bình luận