• Zalo

Địa phương đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ: Phải chấn chỉnh bằng kỷ luật

Chính trịThứ Hai, 26/04/2021 17:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng phải chấn chỉnh nghiêm túc bằng kỷ luật trước tình trạng địa phương đùn đẩy trách nhiệm từ cấp dưới lên cấp trên.

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo điều hành cụ thể, đưa ra nhiều thông điệp quan trọng, mạnh mẽ, thể hiện tầm nhìn và phương thức hành động của Chính phủ. Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đây là một trong những đột phá thể hiện quyết tâm và cách làm mới của Chính phủ.

Địa phương đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ: Phải chấn chỉnh bằng kỷ luật - 1

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

- Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Thủ tướng nhắc đến việc Chính phủ sẽ không làm thay công việc của bộ ngành, địa phương, nhưng thực tế nhiều chuyên gia nhận xét, hiện nay đang có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Xã xin ý kiến huyện, huyện xin ý kiến tỉnh, tỉnh xin ý kiến bộ, bộ xin ý kiến Chính phủ. Vì sao thực trạng này diễn ra trong thời gian dài, thưa ông?

Thực trạng này xảy ra bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề năng lực trách nhiệm. Chúng ta bố trí cán bộ yếu kém nên họ không làm được việc, hoặc thậm chí có những vấn đề mâu thuẫn nội bộ không làm được nên đẩy lên trên.

Như vậy, họ coi Chính phủ như một túi càn khôn để đẩy việc lên, để đưa vào đấy buộc Thủ tướng phải làm. Điều đó đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xử lý các vấn đề mang tính vĩ mô của Chính phủ, của Thủ tướng.

- Để địa phương, bộ ngành chủ động trong công việc thì phải chăng việc phân cấp, phân quyền cần quy định rõ ràng hơn, thưa ông?

Địa phương đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ: Phải chấn chỉnh bằng kỷ luật - 2

luu binh nhuong 2.jpeg

Luật chính quyền địa phương đã quy định vấn đề này nhưng để thực hiện được cần thi hành một cách nghiêm túc về mặt kỷ luật công vụ.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Luật chính quyền địa phương đã quy định vấn đề này nhưng để thực hiện được cần thi hành một cách nghiêm túc về mặt kỷ luật công vụ. Chúng ta có luật nhưng khi thực hiện lại không duy trì một cách nghiêm túc.

Có những trường hợp chúng tôi chuyển kiến nghị cử tri của tỉnh cho các bộ ngành, các bộ ngành trả lời: “Vấn đề này đã được ghi trong văn bản, trong điều luật đã được Thủ tướng chỉ đạo giao cho địa phương thực hiện, sao địa phương lại đẩy lên cho chúng tôi”. 

Chúng ta không còn đi giải thích, chỉ đạo hay là phản hồi mà chúng ta phải chấn chỉnh bằng kỷ luật. Nếu không sử dụng kỷ luật thì có nghĩa là làm thế, làm nữa cũng chẳng bị sao cả. Quan điểm của tôi là duy trì tốt kỷ luật công vụ.

- Nhiều ý kiến cho rằng ở nước ta trước nay nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm, nhưng thực ra là trách nhiệm của cả tập thể nên dẫn đến tình trạng cá nhân không phát huy được vai trò của mình, thưa ông?

Nói như thế là không đúng. Vai trò của cá nhân bây giờ rất được đề cao. Trong tất cả các văn kiện, các văn bản pháp luật đều xác định trách nhiệm của cá nhân, cá nhân cán bộ công chức, cá nhân những người lãnh đạo, cá nhân của những người đứng đầu đều có hết.

Nhưng vấn đề quan trọng là cơ chế nào kiểm soát và có thực sự kiểm soát không, có bình đẳng trong vấn đề kiểm soát không, hay chỉ kiểm soát người này mà không kiểm soát người kia, hoặc việc này kiểm soát mà việc khác không kiểm soát. Có vấn đề lợi ích nhóm len lỏi vào trong đó như thế nào.

Quan trọng nhất là cơ chế để kiểm soát hiệu quả và chúng ta phải làm sao sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, theo đúng nguyên tắc tinh thần đạo đức thì sẽ loại trừ dần được những yếu tố xấu độc ra để xây dựng hệ thống hoạt động lành mạnh và hiệu quả.

- Thông điệp Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc tới, đó là phải “cải cách thể chế”. Cụ thể là thay đổi quy định của pháp luật hiện hành không theo kịp yêu cầu của đời sống?

Ở mỗi lĩnh vực yêu cầu rà soát toàn bộ thể chế từ địa phương trở lên, để xem cái gì còn thiếu, cái gì đang có mà thực hiện tốt, cái gì đang gặp bất cập vướng mắc thì phải có sự tổng kết từ bên trên.

Không phải đạo luật ra đời phải chờ đến 5 năm mới đi tổng kết, vì 5 năm là một quá trình quá dài. Ngay bản thân đạo luật ra đời chúng ta đã bắt đầu triển khai, vướng mắc những vấn đề gì, phải sửa đổi những vấn đề gì chúng ta phải xử lý ngay.

Tôi đã phát biểu trước Quốc hội rằng, chúng ta không nên chờ đợi một đạo luật quá lâu mà ngay bản thân đạo luật ra đời triển khai đã phải thấm nhuần tinh thần này.

Đặc biệt, tôi cho rằng phải chú ý đến khâu tổ chức thực hiện, xem tổ chức thực hiện như thế đã chuẩn chưa, hay chúng ta tổ chức mang tính hình thức, hay là chỉ muốn tập trung vào một vài việc, những việc khác không thực hiện.

Khi thực hiện một đạo luật, chúng ta phải thực hiện đầy đủ công việc thì mới đánh giá được một cách toàn diện.

- Trong “cải cách thể chế” thì cần lưu ý điều gì, thưa ông?

Trong quá trình thực hiện cần lưu ý vấn đề nguồn lực, từ con người đến tài chính và các điều kiện khác. Nếu không đủ điều kiện phải dừng ngay đạo luật đó.

Có thực hiện hay không thực hiện thì phải có văn bản hướng dẫn, văn bản chỉ đạo, còn không thì luật ra đời rồi mà nếu chúng ta không thi hành thì thành trái luật.

Khâu tổ chức thực hiện chúng ta phải hết sức quan tâm, để đánh giá bằng tổ chức thực hiện chứ không phải đánh giá bằng từ ngữ.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, thể chế còn bao gồm quy phạm về đạo đức, phong tục tập quán, đặc biệt trong năng lực vận hành trong chính quyền. Phải chăng đó là điểm yếu mà Chính phủ khóa này cần tạo ra sự đột phá?

Chúng ta không chỉ máy móc nói đơn thuần vấn đề pháp luật, pháp chế, thể chế mà vấn đề giáo dục về tinh thần pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức pháp lý cũng như đạo đức xã hội.

Cuộc sống được điều chỉnh bằng nhiều quy phạm, trong đó ngoài quy phạm pháp luật còn có quy phạm đạo đức. Có những lĩnh vực không quy phạm pháp luật nào điều chỉnh được.

Như chuyện yêu đương, ai đưa pháp luật vào điều chỉnh chuyện yêu đương? Nhưng yêu đương có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, dẫn đến án mạng. Vấn đề đạo đức xã hội là vấn đề nền tảng gốc rễ cần phải được đề cao cho mọi người.

Còn quy định về tính liêm chính, tính mẫn cán tận tụy của cán bộ xét cho cùng đều là vấn đề mang tính đạo đức.

Phải chú trọng đến tinh thần, thái độ, tác phong, đặc biệt là tình cảm của con người. Nếu con người có tình cảm tâm huyết thì làm việc rất tốt, thậm chí người ta biết hy sinh, cống hiến.

Còn có những người làm việc theo cái máy, quy định thế nào thì thực hiện như thế, bảo thì làm, không bảo thì thôi, đến kỳ thì lên chức, đến kỳ thì lên lương, để tình trạng như thế mọi việc không chạy theo đúng nghĩa được, sẽ dẫn đến bộ máy hoạt động thiếu công suất, thiếu hiệu quả.

- Trong phiên họp đầu tiên, Thủ tướng nêu một thông điệp rất rõ ràng là “Chính phủ phải biết lắng nghe”. Điều này có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Vấn đề thứ nhất, liên quan đến thái độ, tinh thần làm việc, không chỉ lắng nghe người khác mà còn phải lắng nghe cả trái tim của mình.

Chính phủ phải kiểm tra năng lực, tâm huyết, lòng quyết tâm đã được chưa. Xét về mặt triết học, yếu tố chủ quan là yếu tố mang tính chất quyết định.

Thứ hai là lắng nghe khách quan, nghe đồng chí mình, đồng nghiệp mình, cấp trên cấp dưới, những người phối hợp cùng mình.

Thứ ba là lắng nghe nhịp thở của xã hội, của người dân, của cử tri. Nếu người dân phản ánh bức xúc thì phải kiểm tra có sai hay không. Nếu người dân hoàn toàn ủng hộ, chúng ta yên tâm triển khai công việc mạnh mẽ, quyết liệt và nhanh chóng.

Lắng nghe có rất nhiều hướng, rất nhiều đối tượng để lắng nghe, rất nhiều phương pháp để lắng nghe, mà qua lắng nghe phải biết xây dựng quyết tâm, kế hoạch hành động.

Từ lắng nghe phải điều chỉnh được hành vi kế hoạch chương trình để đạt được mục đích cao nhất, hiệu quả cao nhất, yếu tố lắng nghe là vô cùng quan trọng.

Chỉ một từ "lắng nghe", Thủ tướng muốn nêu ra nguyên tắc, phương châm hành động. Lắng nghe không chỉ bằng tai mà lắng nghe bằng cả trái tim, khối óc, tâm hồn và trí tuệ của mình.

Và lắng nghe phải cầu thị chứ không phải kiểu như “đàn gảy tai trâu”. Lắng nghe phải hành động.

Thủ tướng nhắc nhở chúng ta phải phân tích nhiều hơn nữa, để đưa vào triết lý hành động.

- Từ việc Chính phủ “biết lắng nghe”, việc hoạch định chính sách vĩ mô sẽ có nhiều hiệu quả, thưa ông?

 
Phải lắng nghe bằng cả trái tim và khối óc

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Đương nhiên khi Chính phủ lắng nghe thì sẽ có nhiều điều kiện tốt. Phải lắng nghe bằng cả trái tim và khối óc. Phải dùng tình cảm và lý trí thì mới chọn lọc được những ý để lắng nghe. Còn khi lắng nghe mà chưa hiểu thì cần phải biết tham vấn những người khác để tiếp tục lắng nghe, hiểu rõ vấn đề đó.

Chúng ta biết rằng có những người đàng hoàng tử tế, nhưng cũng có những người xúi bẩy điều xấu. Vì vậy, phải tìm cách phân hoá, biết bản chất của vấn đề nên phải có đủ năng lực để lắng nghe.

Lắng nghe có tác dụng vô cùng lớn đối với hành động của cá nhân và tập thể. Lắng nghe đối với cá nhân mang tính quyết định.

Mặc dù có những việc do tập thể quyết định nhưng mỗi cá nhân không biết lắng nghe thì tập thể đó không thể quyết định đúng được, bởi có những người lắng nghe theo lăng kính thế này nhưng có những người phân tích theo lăng kính khác.

Để có được tập thể mạnh thì phải có những cá nhân biết lắng nghe một cách rành mạch, biết tiếp thu, lĩnh hội những vấn đề căn bản, cốt lõi đó, phải suy nghĩ đúng, sống có nguyên tắc và nhân văn thì chúng ta mới đạt được hiệu quả hoạt động.

- Từ những thông điệp trong cuộc họp Chính phủ đầu tiên, có thể thấy một tư duy quản trị mới của người đứng đầu Chính phủ, thưa ông?

Tôi cho rằng có thể nói là “tân quan, tân chính sách”. Bất kỳ người nào khi mới vào vị trí của mình cũng đều mong muốn có sự cải tiến.

Điều đó không có nghĩa là thay đổi một cách toàn diện những vấn đề mà các thế hệ trước và Chính phủ tiền nhiệm đã đề ra, nhưng ở đây khẳng định có sự đổi mới, sáng tạo.

Quan trọng nhất là tôi nhìn thấy quyết tâm mới của Thủ tướng, một sự quyết tâm để đảm bảo ở nhiệm kỳ của mình, Chính phủ phát huy được năng lực lãnh đạo và phát huy hiệu quả thực sự. Đây là những tín hiệu đáng mừng.

Với tư cách của một đại biểu Quốc hội, một người đại diện cho cử tri, tôi thấy rằng đây là tín hiệu rất tốt để giúp Thủ tướng, giúp Chính phủ chèo lái con thuyền “vượt qua sóng gió”.

Dù con thuyền của chúng ta tiếp tục sẽ phải vượt qua trùng dương nữa, nhưng muốn đóng con tàu lớn để vượt qua thì dứt khoát phải có những người thuyền trưởng giỏi và dũng cảm.

Tôi cho rằng, những thông điệp mới này của Thủ tướng là rất chân thành và dũng cảm, đồng thời khẳng định nguyên tắc cầu thị, làm việc lắng nghe.

Con người có trái tim và khối óc làm việc thì Chính phủ mới có thể thành một Chính phủ thực hiện được triết lý kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động.

Xin cảm ơn ông!

Minh Đức - Xuân Trường(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn