• Zalo

Địa phương đùn đẩy, 6,6 nghìn tỷ hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân vẫn rất chậm

Tin nhanh 24hThứ Năm, 11/08/2022 19:58:30 +07:00Google News

Ngân sách Trung ương chuyển gần 6,6 nghìn tỷ đồng dự kiến hỗ trợ thuê nhà cho công nhân nhưng gần 1 tháng qua, các địa phương mới duyệt chi hơn 1,2 nghìn tỷ đồng.

Trong khi thời hạn nhận hồ sơ gói hỗ trợ này chỉ còn 4 ngày, đến 15/8.

Liên quan việc thực hiện Quyết định 08 của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, ai cũng đánh giá đây là quyết định nhân văn, nhân ái và cần thiết. Thế nhưng trong khi người lao động khát khao chờ đợi thì việc triển khai hỗ trợ lại còn tương đối chậm. 

“Việc triển khai chậm không chỉ so với yêu cầu của công nhân người lao động mà còn chậm so với yêu cầu đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế-xã hội, nhất là ổn định thị trường lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Địa phương đùn đẩy, 6,6 nghìn tỷ hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân vẫn rất chậm - 1

Việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động vẫn còn rất chậm. (Ảnh: Thanh Tùng).

Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho hay, tại TP.HCM, lương bình quân của công nhân dệt may là 6,8 triệu đồng/tháng và bình quân người lao động ở các khu vực công nghiệp, đô thị phải thuê nhà trên dưới 1 triệu đồng. Như vậy, tiền thuê nhà chiếm trên dưới 20% mức lương và thu nhập, trong khi chưa tính tới việc phải chi tiêu cho con cái học hành, chi phí sinh hoạt, điện nước. Thực tế này cho thấy, người lao động đang rơi vào tình cảnh "khó khăn chồng chất khó khăn”.

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương, hơn lúc nào hết, cần đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ cho người lao động. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà là bổn phận để hỗ trợ người lao động bớt khó khăn.

Tổng hợp của Bộ LĐ-TB&XH từ báo cáo của các địa phương cho thấy, tính đến 11/8, các địa phương nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho hơn 2,84 triệu người lao động, tổng kinh phí đề nghị hơn 1.883 tỷ đồng (tương đương 29% so với dự kiến). 

Lai Châu và Điện Biên không có người lao động thuộc diện hỗ trợ. Trong đó, hơn 2,6 triệu người lao động đang làm việc và hơn 204 nghìn người lao động quay trở lại thị trường việc làm.

Trong tổng số hồ sơ nhận được, các địa phương phê duyệt hỗ trợ với hơn 1,92 triệu người lao động, tổng số tiền hơn 1.233 tỷ đồng. Trong đó, mới giải ngân hơn 728 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 1 triệu người. Số tiền giải ngân chỉ tương ứng hơn 11% so với số tiền dự kiến ban đầu.

Về tiến độ giải ngân của các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tính đến 11/8, 56/63 tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho người lao động. 

Các địa phương phê duyệt kinh phí và giải ngân hỗ trợ nhiều nhất cho người lao động hiện nay là: Bình Dương phê duyệt 503,5 tỷ đồng, giải ngân 84,8 tỷ đồng đạt 6,15% so với dự kiến; Đồng Nai phê duyệt 218,7 tỷ đồng, giải ngân 174,7 tỷ đồng (24,27%); TP.HCM phê duyệt 181,2 tỷ đồng, giải ngân 126,8 tỷ đồng (7,13%); Bắc Giang phê duyệt 81,9 tỷ đồng, đã giải ngân 54,4 tỷ đồng (39,42%); Long An phê duyệt 79,9 tỷ đồng, đã giải ngân 21,9 tỷ đồng (6,03%); Hà Nội phê duyệt 48 tỷ đồng, đã giải ngân 47,5 tỷ đồng (12,32%).

Bốn địa phương đã có người đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân là: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.

Ngoài 4 địa phương chưa thực hiện giải ngân trên thì còn một số tỉnh, thành phố đã giải ngân nhưng tiến độ rất chậm như: An Giang, Hải Phòng, Kiên Giang, Bình Định. Ngoài ra, rất nhiều tỉnh có tỷ lệ giải ngân trên dưới 1% như: Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hoá…

Đặc biệt, một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng rất lớn nhưng việc giải ngân vẫn rất thấp như: Kiên Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An…

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn