Những thông tin dưới đây là những thông tin bất động sản đáng chú ý nhất trong ngày 7/4.
"Sốt" chung cư sắp xuống cấp
Bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để sở hữu một căn chung cư xuống cấp có vẻ phi lý nhưng là thực tế đang diễn ra tại Hà Nội.
“Chỗ ở chỉ là phụ, cái chính nằm tại vị trí “kim cương”, hạ tầng đồng bộ” là quan điểm của hầu hết các khách hàng tìm mua nhà tập thể cũ. Theo phân tích của giới đầu tư bất động sản (BĐS) sành sỏi, ở góc độ thị trường, những khối nhà được xây dựng từ khoảng năm 1950 - 1960 luôn giữ vững “phong độ” về giá, bất chấp không ít lời cảnh báo phát đi từ truyền thông hay chính các gia chủ.
Chính bởi tâm lý này, hàng loạt căn hộ chung cư ở các phố Lý Nam Đế, Hàng Vôi, Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng, Hàng Bún, Phạm Hồng Thái, Ngô Tất Tố, Nguyễn Trường Tộ… có tuổi đời từ trên 20 đến gần 50 năm cũng đều được rao bán với giá xấp xỉ 40 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi tới 50 triệu đồng/m2. Trong khi các đô thị mới ở phía ngoài như Mỹ Đình, Linh Đàm, Định Công, Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Đông… giá chỉ từ 25 - 30 triệu đồng/m2. Ngay cả Trung Hòa Nhân Chính, khu được xem là hàng “hot”, giá hiện đã giảm còn 30 triệu đồng/m2.
Hà Nội rà soát toàn bộ chung cư
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có thông báo yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiến hành kiểm tra, rà soát và tổng hợp tình hình quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư trên toàn địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã có thống kê toàn bộ các công trình nhà ở, công trình hỗn hợp trên địa bàn; số lượng giấy chứng nhận được cấp; số lượng dự án đã bàn giao và chưa bàn giao.
Ngoài ra, các địa phương cũng phải thống kê hàng loạt các chỉ số cụ thể, như: Tổng diện tích căn hộ để ở, diện tích văn phòng và tổng số lượng căn hộ (theo thiết kế và trên thực tế); Số lượng người đến ở, số lượng căn hộ được cấp sổ đỏ…
Về tình hình quản lý, vận hành nhà chung cư , các quận huyện phải cung cấp thông tin liên quan đến năm xây dựng và năm đưa vào vận hành dự án, số lần tổ chức Hội nghị nhà chung cư, số lần bảo trì nhà chung cư, đến kinh phí bảo trì của từng đợt bảo trì.
Chờ mở đường, mua nhà đầu cơ
Với dân đầu cơ bất động sản, mua nhà chờ mở đường luôn là một bí quyết đầu tư để có được một căn nhà giá hợp lý, chờ cơ hội tăng giá trong tương lai. Vấn đề là cần có thông tin chính xác và lựa chọn được dự án của chủ đầu tư uy tín.
Câu chuyện thực tế được dân đầu tư nhắc đến đó là các dự án bám đường Lê Trọng Tấn - Thanh Xuân - Hà Nội. Cách đây 3-4 năm, dự án CT36 ở tận cuối đường, sát với bờ sông chưa cải tạo ra hàng dường như không may mắn. Vị trí thực tế khá xấu với đường Lê Trọng Tấn nhỏ hẹp tắc quanh năm, bờ sông Lừ chưa có đường... lại đúng lúc thị trường lao dốc nên giá khá rẻ nhưng vẫn không chạy. Thậm chí chủ đầu tư còn chấp nhận bán chưa hoàn thiện với giá từ dưới 20 triệu/m2.
Mọi thứ thay đổi nhanh chóng khi đường Lê Trọng Tấn được cải tạo thành đường kiểu mẫu, đường hai bên sông được mở nối thông Linh Đàm - Trường Chinh thì dự án trở nên đắc địa ngã ba đường lớn. Và tất nhiên hàng đã hết, còn muốn mua lại thì giá cũng đắt hơn rất nhiều. Không ít người đã tiếc rẻ khi không nắm bắt hay tỏ ra nghi ngờ về việc hoàn thiện hạ tầng khu vực này.
Video: Cách thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn ở chung cư
Bình luận