Cách đây ít ngày, tôi khệ nệ ôm về một chồng đĩa, toàn đĩa hài. Hài Tết năm nay có vẻ như quá xôm, với một loạt lựa chọn: Cả Ngố, Khôn ở phố ngố ở quê, Cười cái sự đời, Xuân Hinh 2010... Nhưng đáng tiếc, xem cả hai buổi tối không cười nổi một tiếng! Hầu như tất cả các đĩa hài năm nay (cũng giống như vài năm gần đây) đều: Nhạt, nhảm và không ít thậm chí còn nhố nhăng...
1. Hãy bắt đầu bằng bộ phim được coi là được nhất: Cả Ngố. Không thể phủ nhận nhà sản xuất đã dày công chuẩn bị bối cảnh, trang phục rất cẩn thận, chi tiết, dàn diễn viên cũng có thể coi là hội tụ đầy đủ những gương mặt ưu tú của làng hài phía Bắc; nhưng vì là nội dung được phóng tác theo những câu chuyện dân gian Việt Nam nên không có cái mới cho khán giả tò mò.
Xuân Bắc trong vai Cả Ngố của bộ phim hài cùng tên. |
2. Nếu để bình chọn cho tác phẩm “đỉnh cao” của sự nhảm nhỉ thì chắc chắn đĩa hài Khôn ở phố ngố ở quê có sự góp mặt của Chiến Thắng và Quang Thắng được bỏ phiếu cao nhất. Phản cảm nhất là cảnh hai cô gái vào vai nhân viên mát-xa hồn nhiên lột quần áo của Chiến Thắng trước ống kính máy quay. Rồi tiếp đó hai cô nàng với những chiếc váy ngắn cũn cỡn đứng lên ghế cao, dùng giày cao gót đạp lên lưng lên ngực diễn viên này. Chưa hết, hai cô còn lấy chổi lau nhà và dùng nước rửa bát kỳ cọ vào lưng Chiến Thắng khi anh này đang mặc đúng một chiếc quần đùi lội bì bõm dưới nước. Tiếp đó là màn lấy dụng cụ xì khô xe máy (chuyên dùng sau khi rửa xe) xì vào đầu, tai diễn viên. Có lẽ nhà sản xuất không còn nghĩ ra được cách chọc cười nào khác chứ nếu nghĩ được thì dù là có thô thiển hơn chắc họ cũng sẵn sàng thực hiện.
Chiến Thắng trong Khôn ở phố, ngố ở quê. |
3. Năm nay, diễn viên Công Vượng cũng giới thiệu hai tiểu phẩm hài tết là Cô tôi dựng chuyện và Tham thì thâm với tư cách vừa là diễn viên vừa là đạo diễn. Nhưng phải nhận xét thành thật, Vượng râu chưa phải là một diễn viên hài đúng nghĩa, nên việc anh tự viết kịch bản và làm đạo diễn một tiểu phẩm hài là rất quá sức. Chính vì vậy, cũng phải nhìn nhận thẳng, tác phẩm do anh làm ra chỉ nên để anh mang về nhà xem tại gia đình hoặc mang đi tặng bạn bè thì hợp lý hơn.
Hoài Linh trong tiểu phẩm của Cười cái sự đời. |
4. Được hơn cả có lẽ là đĩa Xuân Hinh 2010, Xuân Hinh diễn xuất cùng Thanh Thanh Hiền. Tuy nhiên, cũng chỉ là "so bó đũa chọn cột cờ", vì người khó tính một chút vẫn thấy các tiểu phẩm hơi nhạt mặc dù được chấp bút bởi một đạo diễn tên tuổi. Và cũng bởi hình như Xuân Hinh đã già, anh hầu như không còn làm mới được mình. Người xem không thấy sự khác biệt giữa một anh phu xe trong Người ngựa ngựa người với một ông già có con cháu giàu có nhưng cô độc sống một mình trong tiểu phẩm Câu chuyện đầu năm.
Cũng nằm trong đĩa hài tết Xuân Hinh 2010, tiểu phẩm Rượt đuổi tình yêu có sự hiện diện của Hoài Linh, Quang Thắng, Quang Tèo… nhưng nhìn chung cũng chỉ có thể coi đây là một tác phẩm dưới trung bình. Vẫn là khâu kịch bản quá yếu không biết khai thác gì hơn ngoài “bám” vào khả năng giả gái của Hoài Linh.
Độc giả Hoàng Việt
Hoàng Quốc Việt - Hà Nội
Bạn đã xem đĩa hài Tết nào năm nay? Bạn thấy đĩa nào hay nhất, đĩa nào dở nhất? Bạn có đồng tình với nhận xét của độc giả Hoàng Việt trong bài viết trên? Ý kiến riêng của bạn? Hãy chia sẻ với chúng tôi vào ô thảo luận dưới đây. Trân trọng cảm ơn!
Đặng Đình Hiếu, [email protected]: Quá tệ!
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng đĩa hài năm nay nhạt và nhảm. Tệ nhất có lẽ là đĩa Cười cái sự đời. Thực sự tôi không thể cười lấy 1 tiếng và luôn tua nhanh khi xem đĩa này. Mấy vở của Vượng râu khi xem thật kinh khủng, nhạt nhẽo và vô vị. Nó gây ức chế nhiều hơn là hài.
Vở được nhất có lẽ là Mẹ vợ sợ con rể của Chiến Thắng. Nếu vở Khôn ở phố ngố ở quê cắt cảnh đi matxa thì hay hơn rất nhiều và đỡ chướng mắt hơn.
Ngày càng thất vọng về hài miền Bắc. Thử chờ đĩa hài của miền Nam xem sao.
Nguyễn Thị Thảo, ngách 66 ngõ 250 đường Kim Giang - Hoàng Mai - Hà Nội: Thất vọng!
Tôi cũng mới bê một đống đĩa về. Tối hôm đầu tiên háo hức xem cái Khôn ở phố ngố ở quê. Ngồi xem với mẹ và cháu con nhà anh trai, hai người trố mắt từ đầu đến cuối nhưng... miệng không thấy nhếch được đến một cái. Đến hết phim tôi hỏi, hay không? Cháu tôi tiu nghỉu "Chả thấy buồn cười gì cả!".
Tôi thấy mấy cái trò chọc cười khán giả trong tiểu phẩm này nó thô thiển quá. Mấy cái màn mát-xa có lẽ tác giả cho là cao trào thì thực chất là cái phô nhất, dở hơi nhất. Những chuyện như lấy chổi lau nhà, lấy dầu rửa bát, lấy na xát lên người nó cường điệu lên thái quá, không trên một cơ sở thực tế nào nên không thể gọi là hài hước. Tôi nghĩ, hài hước là khi anh cường điệu lên nhưng phải trên cơ sở sự thật, có thật.
Phạm Thị Sinh, 73/296 đường Điện Biên Phủ - TP.Hải Dương: Cũng có cái xem được
Tiểu phẩm của Xuân Hinh - Thanh Thanh Hiền: Chung sức nuôi con tôi lại thấy được. Bạn Hoàng Việt có lẽ đã khó tính quá. Hai diễn viên này đều có giọng hát rất hay, tung hứng, hát ru các điệu Bắc, Trung, Nam nghe cũng khá cảm động và đã tai. Nhưng tất nhiên, so với Người ngựa, ngựa người thì còn kém xa. Cái chính là Người ngựa, ngựa người có được một kịch bản tốt. Tôi nghĩ các diễn viên hài của ta diễn đều tốt, song ai may mắn thì gặp được kịch bản hay thôi.
Đâu. Mình thấy mấy phim hài đó… quảng cáo hay đó chứ!
Nguyễn Văn Thành,[email protected]: Không phải tất cả đều dở
Tôi thấy đĩa Xuân Hinh xem được đấy chứ. Tiểu phẩm Rượt đuổi tình yêu xem cũng được đó thôi. Còn tiểu phẩm Chung sức nuôi con thì có lẽ không phải là hài.
Chờ đợi Gặp Nhau Cuối Năm có lẽ hay hơn.
Chỉ có điều đem việc Mr Đàm mất nhẫn ra làm trò cười thì thật là thiếu suy nghĩ.
Nguyễn Đình Khoa, [email protected]: Nhận xét hay tuyệt
Các nghệ sĩ của chúng ta ai cũng xuất sắc nhưng chỉ thiếu cái để diễn.
Trung, [email protected]
Từ lâu nay, hài việt Nam vở nào cũng như Gặp nhau cuối tuần hay Những người độc thân vui vẻ. Nhảm nhí! Chẳng lẽ người Việt Nam không còn ai có tính hài hước?
T.H.Nam, [email protected]: Không phải là chúng ta không có diễn viên hài!
Nếu chúng ta ai xem trên kênh Disney Chanel một số phim như "Hanah Montana" hay "The suite life on desk "... ta thấy sự dí dỏm từ cách diễn xuất cho đến lời thoại, lời thoại tinh tế và sâu sắc buộc chúng ta phải hiểu và suy nghĩ, nụ cười có thể không diễn ra ngay nhưng sau đó ta thấy rằng nụ cười sẽ rất sâu sắc in sâu. Hay không nói đâu xa như nhóm hài Vân Sơn - Bảo Liêm chỉ có hai người diễn nhưng nụ cười luôn nở trên mối khán giả từ trẻ em cho đến người già, đơn giản là 2 diễn viên này luôn biết mình từ cách ăn mặc cho đến vai diễn.
Mong rằng năm sau các nàh sản xuất sẽ đầu tư thời gian để có 1 kich bản sâu sắc hơn nữa và có tính thời sự hơn nữa, các diễn viên hài sẽ có một hình ảnh cũng như lối diễn mới thì đầu xuân sẽ luôn rộn ràng tiếng cười vui tươi trong mỗi nhà.
Bimbim: Hài Tết có quá nhiều quảng cáo
Tôi sẽ không mua đĩa hài nữa, vì có quá nhiều quảng cáo, thật là phí tiền, tác phẩm hài thì nhạt nhẽo, xem mà thấy mất thì giờ, tốn điện.
Lê Việt Kiên,[email protected]: Chính xác
Tôi thì thấy cảnh Tự Long giả mù đi qua cầu rồi dùng cái gậy chọc và chỉ thằng vào chỗ tam giác của Ngọc Khuê là quá lố bịch.
Mọi người để ý xem lại mà xem... Không thể hiểu nổi :|
Hoàng Quang, Vĩnh Phúc: Đợi chờ màn chầu của các Táo thôi!
Tôi đồng ý với đánh giá của các bạn. Nhìn chung cho đến giờ này "liều thuốc bổ" của mọi người đầu năm mới đã không có hiệu lực. Chúng ta chỉ còn chờ xem vào đêm 30 thôi. Thất vọng thật.
Hán Quyết Tiến,[email protected]:
Theo tôi thì, trong số hài Tết này, tôi chỉ thấy được nhất là Xuân Hinh 2010, tiếp theo là Cả Ngố. Còn các đĩa hài của Chiến Thắng và Công Vượng thì kịch bản quá dở, xem xong, tôi thấy chưa đọng lại gì, tôi thì nghĩ các danh hài nên có kịch bản và lối diễn có chiều sâu một chút, như của chú Xuân Hinh đó.
Nguyễn Huy Tuấn, [email protected]: Hài nhạt nhẽo nhưng không phải tất cả
Tôi đã xem tất cả các đĩa hài Tết Canh Dần, tôi đồng tình với cảm nhận của bạn Hoàng Việt.
Nhưng trong các vở hài kịch trên, tôi thấy tiểu phẩm "Chung sức nuôi con" của Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền là một tiểu phẩm hay và để lại nhiều ấn tượng. Bạn đã đúng khi cho rằng không thể sánh với: "Người ngựa, ngựa người" nhưng không thể so sánh như vậy được bởi "Người ngựa, ngựa người" là một tác phẩm kinh điển được ghi nhận bấy lâu nay. Nếu đem nó ra để làm tiêu chí đánh giá các tác phẩm hậu thế thì có lẽ sẽ khó chọn được những tác phẩm được gọi là mỹ mãn.
Tôi tin chắc rằng, khi xem tiểu phẩm "Chung sức nuôi con" chắc hẳn ai ai cũng xúc động. Câu chuyện nói đến một vấn đề chúng ta đang rất quan tâm đó là đạo hiếu giữa con cái và cha mẹ và ngược lại. Trong xã hội đang ngày một bị đồng tiền làm điên đảo, có những con người đang dần đánh mất chính bản thân và tình thương yêu trong gia đình thì những câu hát ru của Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền sẽ là câu ca thức tỉnh lại những đạo đức tốt đẹp giữa con cái và đấng sinh thành. Xem "Chung sức nuôi con" sẽ có cả nụ cười và nước mắt... nên tôi nghĩ đây là một tác phẩm hay!
Đặng Quốc Dũng, [email protected]: Cần xem lại
Đã đến lúc chúng ta cần phải xem lại cách làm kịch hài, phim hài. Trước kia để chọc cười khán giả diễn viên thường thể hiện qua gương mặt và cử chỉ (điệu bộ). Bây giờ cách thưởng thức của khán giả cũng đã khác rồi, nếu tiếp tục sẽ gây nhàm chán. Hài bây giờ phải có nội dung sát với cuộc sống thường ngày nhưng mang tính chất hài hước. Kịch bản phải phong phú mới lạ tránh trùng lấp với các vỡ hài khác để gây bất ngờ cho khán giả. Diễn viên Hài VN thường gào thét trong kịch bản để gây cười thay vì tình huống và nội dung.
Qing Xiao, [email protected]: Các bác đánh giá quá chủ quan...
Xem xong các đĩa hài như Cả Ngố, Khôn ở phố, ngố ở quê... các bác nhận xét như thế là hoàn toàn quá chủ quan. Nếu như độc giả Hoàng Việt cho rằng Xuân Bắc trong Cả Ngố đã quá" lên gân" trong khi diễn, thì tôi lại không đồng ý như thế. Thực sự theo tôi, đã là diễn viên thì chẳng ai là ngố cả, mà nhân vật lại là 1 anh chàng đại ngố, vậy nên khi được giao vai diễn thì bắt buộc chúng ta phải diễn thôi, sao cho giống nhất là được. Mà thực sự, vai diễn Cả Ngố của Xuân Bắc diễn rất đạt là khác... nhất là đoạn cuối khi xử kiện, 1 tiếng cười hùa theo quá ngố, nếu không nói là vô tư quá của anh Cả Ngố.
Còn trong Khôn ở phố, ngố ở quê, anh Hoàng Việt có nói là: "Chưa hết, hai cô còn lấy chổi lau nhà và dùng nước rửa bát kỳ cọ vào lưng Chiến Thắng khi anh này đang mặc đúng một chiếc quần đùi lội bì bõm dưới nước. Tiếp đó là màn lấy dụng cụ xì khô xe máy (chuyên dùng sau khi rửa xe) xì vào đầu, tai diễn viên. Có lẽ nhà sản xuất không còn nghĩ ra được cách chọc cười nào khác chứ nếu nghĩ được thì dù là có thô thiển hơn chắc họ cũng sẵn sàng thực hiện." Tôi lại nghĩ, các tiểu phẩm hài khi được dàn dựng lên, ngoài mục đích đem lại tiếng cười, mà nó còn ẩn chứa nhiều điều mà tác giả muốn gửi gắm, phê phán những điều chướng tai gai mắt; ví dụ ngay trong "Khôn ở phố, Ngố ở quê", khi tác giả dựng lên cảnh đó, cũng nhằm mục đích phê phán tệ nạn, thói chơi bời xa hoa, và cách đối xử thiếu tình người... còn những cảnh đó, tôi chắc chắn, NXS cũng không nhằm gây cười ở đó, bởi những cảnh đó được quay qua khá nhanh, không có điểm nhấn gì cả..
Còn nếu các bác yêu cầu về "tiếng cười" thực sự, 1 tiếng cười vô tư, xong rồi quên luôn, thì theo tôi các bác hãy tự xây dựng lên kịch bản ý...
Hãy nhìn nhận 1 cách toàn diện, để hiểu hết 1 tác phẩm nghệ thuật...
Tiếp tục cập nhật...
Bình luận