• Zalo

Đi tìm lái buôn vũ khí thầm lặng nhất thế giới

Thế giớiChủ Nhật, 24/03/2013 08:54:00 +07:00Google News

Nhiều người trong chúng ta vẫn tưởng chỉ Nga và Mỹ là các quốc gia có khả năng xuất khẩu vũ khí số lượng lớn nhưng đã quên mất một nước Bắc Âu thầm lặng khác.

Nhiều người trong chúng ta vẫn tưởng chỉ Nga và Mỹ là các quốc gia có khả năng xuất khẩu vũ khí số lượng lớn nhưng đã quên mất một nước Bắc Âu thầm lặng khác là Thụy Điển, đất nước nổi tiếng yên bình ở Bắc Âu, một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu vũ khí.

Đến nay, Thụy Điển sắp bước sang năm thứ 200 trong yên bình, không trải qua chiến tranh, tính từ khi nước này giao chiến lần cuối vào năm 1814. Chắc chắn, đây là điều mà nhà khoa học triệu phú Thụy Điển Alfred Nobel (1833 - 1896) cảm thấy mãn nguyện nếu ông còn sống.

Sinh thời, ông Nobel đã sáng chế ra thuốc nổ dynamite và sở hữu một gia tài kếch sù. Thế nhưng, nhà khoa học này cũng cảm thấy rất đau lòng trước cảnh thành quả nghiên cứu của ông trở thành công cụ giết người dã man.

Vì lẽ đó, sau khi qua đời, ông dùng gia sản của mình để sáng lập giải thưởng Nobel, vinh danh những nhà khoa học có nhiều đóng góp cho nhân loại. Nobel muốn thế giới yên bình hơn.

Bán khắp thế giới

Trớ trêu thay, đất nước ông dù yên bình nhưng lại sở hữu nền công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ, trở thành một “lái buôn thần chết” cung cấp vũ khí khắp thế giới.

Theo tổ chức hòa bình Thụy Điển SPAS, doanh thu xuất khẩu vũ khí của nước này năm 2011 đạt trung bình 73,134 USD/người dân, cao nhất thế giới và gấp đôi mức 32,384 USD/người dân của Mỹ - nước xuất khẩu vũ khí đứng đầu thế giới.

Cuối tháng 2.2013, báo Defence News dẫn báo cáo từ ISP, cơ quan kiểm soát xuất khẩu vũ khí Thụy Điển, cho biết doanh thu xuất khẩu vũ khí của nước này đạt 1,53 tỉ USD trong năm 2012, giảm 30% so với năm 2011. Theo báo cáo trên, thị trường châu Á và khu vực Trung Đông chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu của Stockholm, với tổng số đơn hàng trị giá hơn 600 triệu USD.

Chiến đấu cơ Gripen lừng danh của Thụy Điển 

Cụ thể, những khách hàng lớn của Thụy Điển ở châu Á là Ấn Độ (223 triệu USD), Ả Rập Xê Út (143 triệu USD), Pakistan (95 triệu USD), Thái Lan (93 triệu USD) và UAE (46 triệu USD).

Ngoài ra, đại gia vũ khí Pháp cũng mua gần 140 triệu USD khí tài của Thụy Điển. Số khách hàng còn lại của Stockholm trải rộng từ châu Mỹ đến châu Phi. Theo ISP, dù doanh thu giảm 30% so với năm 2011 nhưng ngành xuất khẩu vũ khí nước này vẫn ở vị thế cao vì năm 2011 đã phát triển quá mạnh mẽ với tăng trưởng hơn 31% so với 2010.

Đến nay, chưa có thống kê chính xác Thụy Điển xếp thứ bao nhiêu trong ngành công nghiệp quốc phòng thế giới. Tuy nhiên, hồi năm 2011, báo The Swedish Wire đưa tin Thụy Điển xếp thứ 10 về xuất khẩu vũ khí trên thế giới. Đến năm ngoái, báo Thụy Điển The Local cũng ước tính nước này đứng thứ 10.

Nhiều hàng khủng

Tất nhiên, để đạt vị thế ông lớn của ngành công nghiệp quốc phòng thế giới, Thụy Điển chắc chắn có không ít “đồ chơi” vào loại hàng khủng.

Cuối tháng 12.2012, website Bộ Quốc phòng Singapore đưa tin tàu ngầm RSS Swordsman, chiếc thứ 2 thuộc lớp Archer do Thụy Điển cung cấp, vừa về đến căn cứ hải quân Changi ở đảo quốc sư tử.

Singapore tin tưởng 2 chiếc Archer sẽ góp phần mạnh mẽ trong chương trình hiện đại hóa hải quân của nước này.

Sự tin tưởng đó bắt nguồn từ việc Archer được phát triển từ tàu ngầm lớp Västergötland (Thụy Điển), sử dụng động cơ chạy điện kết hợp diesel, vốn nổi tiếng về khả năng hoạt động cực êm. Cũng từ nền tảng Västergötland, tàu ngầm lớp Collins đã được phát triển và hiện đang đóng vai trò quan trọng trong lực lượng hải quân Úc.

Không chỉ phát triển mạnh về tàu ngầm, Thụy Điển cũng khẳng định vị thế trong nhóm tàu chiến nổi khi trở thành quốc gia đầu tiên sở hữu chiến hạm tàng hình toàn phần. Hồi năm 2009, Stockholm chính thức triển khai khinh hạm lớp Visby.

Theo tạp chí Wired, đây là chiến hạm tàng hình toàn phần đầu tiên của thế giới với độ choán nước 600 tấn, đạt tốc độ 35 hải lý/giờ (khoảng 65 km/giờ), đủ sức “biến mất hoàn toàn” trước nhiều loại radar tối tân.

Visby còn sở hữu nhiều loại vũ khí để tác chiến đa nhiệm như pháo tự động Bofors 57 mm tầm bắn 17 km, tên lửa RBS-15, ngư lôi, thủy lôi…

Visby, chiến hạm tàng hình toàn phần đầu tiên trên thế giới 

Bên cạnh chiến hạm, nhiều nước còn mua cả xe tác chiến bộ binh. Điển hình như dòng xe chiến đấu CV 90, của nhà thầu quốc phòng Thụy Điển BAE Systems AB, được sản xuất đến nay đã hơn 1.000 chiếc bán cho nhiều nước như Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Na Uy, Thụy Sĩ...

Về chiến đấu cơ, Stockholm nổi tiếng với dòng JAS Gripen tác chiến đa nhiệm có vận tốc gấp đôi tốc độ âm thanh, tầm bay 3.200 km, bán kính chiến đấu 800 km. Loại chiến đấu cơ này có thể mang theo nhiều loại vũ khí hiện đại như pháo 27 mm; tên lửa đối không AIM-9, AIM-120, Skyflash; tên lửa hành trình KEPD tầm bắn 500 km; tên lửa đa nhiệm RBS-15, bom thông minh dẫn đường bằng tia laser...

Có giá bán khoảng 40-60 triệu USD, hơn 230 chiếc Gripen đã được bán ra. Theo chuyên trang hàng không FlightGlobal, Thái Lan đã đặt mua 12 chiếc Gripen và 6 chiếc đầu tiên đã về đến nước này hồi năm 2011, 6 chiếc còn lại được giao trong năm nay. Đầu năm nay, UPI đưa tin Thụy Sĩ cũng sắp thông qua việc mua 60 chiếc Gripen để nâng cấp không lực.

Thực tế, dòng chiến đấu cơ này được đánh giá rất cao sau nhiều năm hoạt động. Theo Báo cáo không lực toàn cầu 2013 của tạp chí Flight International, giới chuyên gia đánh giá Gripen thế hệ E có công nghệ vượt trội chiến đấu cơ thế hệ 5 J-20 và J-31 mà Trung Quốc đang thử nghiệm.

Đặc biệt, Stockholm còn là một trong những nhà tiên phong về máy bay không người lái (UAV). Tập đoàn sản xuất UAV Unmanned System Group (UMS) của Thụy Điển hiện rất nổi tiếng với 3 dòng sản phẩm UAV Discoverer, Discoverer 2 và trực thăng không người lái (VTOL UAV) ATRO-X dùng trong tuần tra, trinh sát.

Theo Ngô Minh Trí/TNO

Bình luận
vtcnews.vn