Lăn lộn tìm trâu
Xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) những ngày gần sát lễ hội chọi trâu 2013 (16-17/1 âm lịch), không khí trở nên nhộn nhịp.
Dưới cơn mưa tầm tã và cái lạnh buốt, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Thơm ở thôn Dừa Cả - chủ trâu số 07 giải nhất năm 2012. Trước ngày thi đấu, các chủ trâu thường dắt trâu đi dạo trong khu sân chọi để trâu quen sân - Ảnh: Nguyễn Vương
Con đường từ trên đê vào thôn Dừa Cả dài chỉ 3 km nhưng bùn lầy lên như ruộng, phải mất hơn 30 phút chúng tôi mới tìm được đến nhà anh Thơm ở sát chân núi.
Trong căn nhà khang trang, nhấp chén trè ấm để xua đi cái lạnh, anh Thơm nhìn lên tấm bằng khen trâu đạt giải nhất rồi hồ hởi kể với chúng tôi câu chuyện về chú trâu đạt giải nhất của mình.; “Mình với trâu cũng phải có cái duyên mới gặp được nhau đó chú ạ”.
Người chủ trước của trâu ở Đoan Hùng (Phú Thọ) là một tay buôn trâu, nghe nói ông ta mua chú trâu đó ở tận Lai Châu, đến tay anh Thơm thì trâu đã được 16 tuổi.
Cũng có nhiều thợ săn trâu đến hỏi mua, nhưng chủ trâu thách giá cao quá nên không ai dám mua. Đến lượt anh Thơm, thì chủ trâu lại đồng ý bán.
Cho trâu húc đất, một trong những chiêu được các chủ trâu tập áp dụng - Ảnh: Nguyễn Vương |
Một chú trâu được chọn lựa phải đạt nhiều yếu tố như tuổi trâu, hình dáng, kích thước. Để tìm được một chú trâu hay phải tốn rất nhiều công, thậm chí là trèo đèo, lội suối vài ngày đường thì mới có thể tìm được trâu tốt.
Những năm gần đây, trâu chọi ở Hải Lựu có nguồn gốc ở miền Trung, các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng.
Sở dĩ các tay săn trâu thích trâu ở đây vì trâu ở đó khỏe do người dân thường dùng trâu để kéo gỗ. Thời gian tìm trâu, rồi vận chuyển trâu về nhà, nên phải mất hàng tháng trời mới “rước” được trâu về.
Thường thì yếu tố quan trọng nhất của giới săn trâu là trâu phải già tuổi, vì trâu càng già thì độ dày dạn, lỳ của nó càng tăng.
Bởi nếu là trâu non, có khi mới vào sân, gặp trâu già hơn thì đã “bỏ chủ chạy lấy thân” rồi. Bên cạnh đó, vận dụng câu “lấy thịt đè người” của người xưa, dân săn trâu thích chọn những chú trâu có hình dáng to, thân dài. Lợi thế về ngoại hình sẽ giúp trâu dễ dàng áp đảo đối những đối phương có kích thước nhỏ hơn mình.
Nhọc nhằn luyện võ cùng trâu
Trâu về đến nhà, thủ tục đầu tiên là làm lễ để báo với các vị thần linh để mong các vị thần linh phù hộ. Trâu được giao cho một người chăm sóc chính, còn mọi người trong tổ góp sức, thức ăn để chăm sóc cho trâu.
Anh Thơm nói; “Khi chăm sóc trâu chọi thì không được thay đổi chủ vì làm như vậy có thể làm cho trâu bị ảnh hưởng “tâm lý” do thay môi trường sống, dẫn đến thi đấu kém”.
Trâu chọi phải được chăm sóc với một chế độ chăm sóc và luyện tập đặc biệt. Thức ăn của trâu gồm cỏ, cây ngô non, ngoài ra còn cho trâu ăn thêm mật mía.
'Cao thủ' Nguyễn Văn Thơm với tấm bằng khen đạt giải nhất lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm 2012 - Ảnh: Nguyễn Vương |
Riêng chú trâu 07 của anh Thơm thì không ăn gì ngoài cây ngô non và cỏ, nhưng phải để ráo nước. Với trọng lượng gần cả tấn, mỗi ngày, trâu ăn hết khoảng 80 kg thức ăn.
Được chăm sóc đặc biệt, nên trâu sẽ nhanh chóng sung sức. Và cũng vì sung quá, trâu phá chuồng đi “chơi” nên nhiều đêm anh Thơm đã phải thức trắng đêm để tìm trâu.
Ngoài việc chọn trâu, chăm sóc trâu thì việc luyện tập là vấn đề quan trọng hàng đầu để tạo nên một chú trâu hay. “Hằng ngày, mỗi buổi sáng thức dậy, anh dắt trâu chạy bộ đều đặn khoảng 30 phút để rèn thể lực cho trâu.
Đặc điểm của trâu là rất thích nước, nên dù mùa hè hay mùa đông, trâu đều phải được tắm sạch sẽ. Những ngày trời rét, chuồng trâu được quây kín bằng bạt, nếu nhiệt độ xuống thấp quá , chủ trâu sẽ còn phải đốt củi sưởi ấm trâu để phòng trâu bị cước chân” – anh Thơm kể.
Để luyện võ cho trâu, chủ trâu phải quan sát hình dáng cặp sừng, dáng trâu để luyện. Vũ khí chính của trâu là cặp sừng, nhưng mỗi chú trâu có một kiểu sừng khác nhau như sừng bắp bi, sừng đòn gánh...tạo nên những thế đánh khác nhau.
Cặp sừng “đòn gánh” dang rộng ra hai bên - Ảnh: Nguyễn Vương |
Con trâu số 07 của anh Thơm có cặp sừng “đòn gánh” dang rộng ra hai bên, để phát huy được lợi thế của cặp sừng đó, khi buộc trâu bao giờ anh cũng buộc thấp trạc để trâu quen với tư thế cúi.
Khi lâm trận, trâu húc lên sẽ khiến đối phương khó chống đỡ. Bằng chứng là tất cả các đối thủ gặp phải trâu của anh Thơm đều bị hạ “nốc ao” rất nhanh, duy nhất một đối thủ chịu được gần 4 phút.
Đặc điểm là trâu rất thích mài sừng, nên trong quá trình nuôi anh Thơm dẫn trâu ra những ruộng bằng phẳng để trâu mài sừng.
Cũng có chủ trâu dùng cách cho trâu của mình tập húc những bãi đất, cách này giúp trâu gan lì hơn khi gặp phải đối thủ lì.
Với những chú trâu có tính nhút nhát, sợ nơi đông người, thì mọi người trong tổ tập trung mang chiêng, trống ra đánh tạo tiếng động để trâu quen với nơi ồn ào, khi lâm trận thực tế sẽ không bị hốt hoảng.
Khi đến gần lễ hội, chủ trâu phải dắt trâu vào khu sân tổ chức chọi để trâu làm quen với sân bãi, vừa để khởi động cho trâu trong những ngày thời tiết lạnh.
Có được trâu tốt, nhưng nếu chủ trâu thiếu kinh nghiệm trong những giây phút quan trọng thì trâu cũng rất dễ bị thua.
Khi dắt trâu vào sới, chủ trâu phải quan sát để tránh không được để trâu của mình vào chậm hơn trâu đối phương. Đã có trường hợp khi chủ trâu dắt trâu vào chậm, bị trâu đối phương đánh, trâu bỏ chạy nên bị xử thua.
“Trâu tuy là loài vật, nhưng chúng rất khôn, có hiểu được lời nói của con người. Người chăm trâu muốn luyện được một chú trâu tốt thì không chỉ cho trâu ăn no, luyện trâu hằng ngày, mà còn phải gần gũi, trò chuyện và coi nó như một thành viên trong gia đình. Như vậy những khi ra trận, thấy có chủ kề bên sẽ giúp trâu thêm sức mạnh để chiến đấu” – anh Thơm nói
Nguyễn Vương
Bình luận