Ngày 12/4, thông tin với PV VTC News, bà Vũ Thị Diệu Linh – Phó chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết, mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Quảng Ninh vừa có văn bản đề nghị Bộ TT&TT kiến nghị Google maps và facebook điều chỉnh vị trí chỉ dẫn trên bản đồ đối với Khu di tích Bạch Đằng (Quảng Yên, Quảng Ninh) theo đề nghị của UBND thị xã Quảng Yên.
Theo bà Vũ Thị Diệu Linh, Di tích Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) là di tích gốc, nơi đây diễn ra 3 trận đại chiến đánh thắng quân Nguyên Mông, đã được lịch sử ghi chép lại.
Chưa cập nhật vị trí trên Google Maps
Theo Công văn của UBND thị xã Quảng Yên gửi Sở TT&TT Quảng Ninh, Khu di tích lịch sử Bạch Đằng gồm 10 di tích liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, đã được Thủ tướng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Tuy nhiên, hiện nay trên bản đồ Google Maps và các trang mạng xã hội Facebook đã chỉ dẫn không chính xác về vị trí của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng.
Qua theo dõi trên bản đồ Google Maps và khi check in trên Facebook, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng của thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đều được chỉ dẫn về địa phận xã Minh Đức, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).
Việc này dẫn đến sự nhầm lẫn cho khách du lịch, làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các giá trị đặc biệt của Di tích Bạch Đằng và công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa danh nơi diễn ra trận chiến thắng Bạch Đằng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Đặc biệt là sự tham gia của quân và dân huyện Yên Hưng xưa kia (nay là thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 vĩ đại trong lịch sử.
Do đó, UBND thị xã Quảng Yên đề nghị Sở TT&TT báo cáo Bộ TT&TT, kiến nghị Googe Maps, mạng xã hội Facebook điều chỉnh lại vị trí chỉ dẫn địa lý về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng thuộc thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) theo đúng địa giới hành chính.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Bộ TT&TT, Sở TT&TT Quảng Ninh khẳng định, trên bản đồ Google Maps không có hiện tượng sai lệch vị trí của Khu di tích Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) như trong văn bản UBND thị xã Quảng Yên nêu.
Theo đó, trên bản đồ Google Maps chưa cập nhật vị trí Khu di tích lịch sử Bạch Đằng thuộc thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) mà chỉ hiển thị vị trí của Di tích Bạch Đằng Giang thuộc địa phận huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).
Do đó, Sở TT&TT đề nghị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử kiến nghị Google Maps hỗ trợ tạo lập, cập nhật vị trí Khu di tích lịch sử Bạch Đằng tại đường Trần Nhân Tông, phường Yên Giang (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh).
Bên cạnh đó, đối với mạng xã hội Facebook, có hiện tượng sai lệch thông tin khi check in tại Khu di tích Bạch Đằng (ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh).
Cụ thể, khi check in tại vị trí Khu di tích Bạch Đằng tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), trên Facebook lại hiển thị vị trí tại Di tích Bạch Đằng Giang thuộc huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), dẫn đến việc chỉ dẫn sai vị trí, đường đi dến Khu di tích Bạch Đằng.
Do đó, Sở TT&TT đề nghị Bộ TT&TT kiến nghị Facebook điều chỉnh Khu di tích Bạch Đằng thuộc địa phận thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), có vị trí tại đường Trần Nhân Tông, phường Yên Giang (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) trên hệ thống định vị thông tin và bản đồ của Facebook.
Khu di tích nào có lượng người check in nhiều?
Phóng viên VTC News làm một phép thử check in trên Facebook với từ khóa: “Khu di tích Bạch Đằng” kết quả cho thấy, trên Facebook hiển thị vị trí tại Khu Di tích Bạch Đằng Giang (Tràng Kênh, Thủy Nguyên, Hải Phòng) có 24.151 người đã check in.
Cũng với từ khóa trên, Facebook hiển thị vị trí tại Khu Di tích Bạch Đằng (Quảng Yên, Quảng Ninh, Việt Nam) với kết quả 3.113 người đã check in tại đây.
Từ 2 kết quả trên cho thấy, lượng khách du lịch đến tham quan tại hai di tích này chênh lệch nhau đến hơn 8 lần (Hải Phòng với 24.151 lượt người, Quảng Ninh với 3.113 lượt người).
Hoặc khi gõ từ khóa Khu Di tích Bạch Đằng trong mục tìm kiếm trên Facebook, hầu hết kết quả hiển thị đầu tiên đều thể hiện vị trí tại Tràng Kênh (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Tương tự, khi PV gõ từ khóa Khu Di tích Bạch Đằng trong mục tìm kiếm trên Google Maps, cho ra 3 kết quả, trong đó 2 kết quả thể hiện liên quan đến Khu di tích Bạch Đằng Giang tại Thủy Nguyên (Hải Phòng), gồm: “Nhà khách Khu di tích Bạch Đằng Giang” và “Di tích Bạch Đằng Giang”, mà không hiển thị Khu di tích Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).
Liên quan đến vấn đề trên, chiều 12/4, trả lời PV VTC News, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết, sông Bạch Đằng trong quá khứ không phải nơi chia cắt mà chính là nơi nối liền đôi bờ. Chỉ về sau này, việc phân chia hành chính mới dựa theo bờ bên này, bờ bên kia mà đặt tỉnh này, tỉnh nọ.
"Trong trận Bạch Đằng năm 1288 của Trần Hưng Đạo và cả của Đức vua Trần Thánh Tông lẫn vua Trần Nhân Tông, của các tướng sỹ, các nghĩa binh và dân binh anh hùng thì cả đôi bờ sông Bạch Đằng đều được sử dụng để trước tiên làm chỗ giấu quân, mai phục, sau đó là chỗ đổ quân ra chiến đấu, chặn đường, tiêu diệt quân giặc từ cả đôi bờ.
Do đó, Hải Phòng và Quảng Ninh là hai địa phương phải có trách nhiệm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của cả hai Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (Quảng Yên, Quảng Ninh)", Giáo sư Lê Văn Lan chia sẻ.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin sự việc này!
Bình luận