Chẳng mấy khi có dịp sang Lào. Nhiều người bảo Lào lạc hậu lắm, có gì đáng xem đâu mà sang. Họ vẫn gọi đùa Lào là “nước có 3 triệu dân kể cả voi”. Tôi phần vì có công việc, phần vì vốn rất yêu quí các bạn Lào thời đi học, phần vì cái tính trái khoáy, ngược đời, cứ chỗ nào thiên hạ châu đầu vô thì mình lảng, chỗ nào thiên hạ không đoái hoài thì mình lại muốn tới, và tôi đã quyết tâm khoác ba lô sang Lào…
Lạc hậu như thể nước Lào?
Đang ở Hà Nội nhốn nháo, nhộn nhạo, xô bồ, qua đến Lào bỗng có cảm giác thời gian trôi chậm lại. Người cũng chùng xuống. Trên đường, người, xe đi lại chầm chậm, thong thả. Cả tuần liền ra đường ngó ngược ngó xuôi cũng chẳng nhìn thấy bóng dáng một anh công an nào. Chẳng thấy ai vượt đèn đỏ, chỉ một lần duy nhất nghe thấy tiếng còi ô tô và tịnh không nghe thấy một tiếng nẹt bô. Có lần vừa từ vỉa hè bước chân xuống đoạn vạch kẻ trắng ưu tiên người đi bộ để băng qua đường bỗng thấy một chiếc xe tải từ con đường bên hông rẽ tới. Vẫn phản xạ như ở Hà Nội, mình lo sợ khựng lại. Ai dè chiếc xe cũng dừng lại tắp lự, tay bác tài khua khoắng loạn trong cabin. Mình cứ ngẩn người không hiểu chuyện gì. Đờ người trong phút chốc bỗng hiểu hóa ra bác tài dừng xe và còn làm động tác mời mình qua đường. Thẫn thờ, choáng váng, cứ ngỡ mình đang ở trời Âu. Trộm nghĩ, nếu cứ cái đà chầm chậm, khoan thai như thế làm sao cái anh Lào này công nghiệp hóa, hiện đại hóa cơ chứ. Muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cái gì cũng phải nhanh chóng, ào ào như… Việt Nam ta chẳng hạn, may ra mới chóng tiến bộ được chứ nhỉ! Ra đường khối người vượt đèn đỏ đi cho chóng, người nào dừng lại có khi bị mắng là ngu, thậm chí không cẩn thận xe đằng sau chồm tới va quệt như chơi (đã có không ít người chết oan kiểu này rồi). Mà không chỉ lúc đèn đỏ, cả lúc tắc đường, chẳng ai nhích được centimet nào mà còi xe vẫn bấm ầm ĩ, làm cho đồng bào xung quanh đến tá hỏa tam tinh.
Một lần, cả đoàn đang ngồi ăn trưa ở một quán ăn bỗng một ông bạn Tây vỗ cái đét vào đùi rồi cười khằng khặc, vừa chỉ tay vừa bảo: “Mày nhìn thấy đội thợ xây Lào đang xây tòa nhà bên kia đường không. Nếu ở Việt Nam chắc thợ của chúng mày sẽ xây nhanh gấp năm, gấp mười những người thợ xây ở đây. Thế nhưng nó sẽ làm cho tành banh té bãi đến mức những nhà xung quanh chỉ còn nước đóng cửa”. Mình vội phóng mắt qua đường, chỗ ngôi nhà đang xây. Tất cả chìm trong im lìm, mấy cậu thợ xây lặng lẽ đặt từng viên gạch rồi trát xi măng, một tay còn cẩn trọng giữ cái bay để hứng cho những giọt vữa khỏi rơi xuống dưới. Cứ thế, họ từ từ và cẩn trọng trát từng mẻ vữa từ hàng gạch này sang hàng gạch khác. Ngôi nhà đang xây không cần phải che chắn bởi bất cứ tấm phủ nào. Liền kề ngay bên cạnh là một Restaurant ngoài trời, không mái che, khách khứa (chủ yếu là Tây) vẫn tướp nượp vào ra, ăn uống ngon lành. Không một tiếng ồn, không một giọt vữa rơi xuống. Trộm nghĩ, giời ơi người Lào, nếu còn cứ làm ăn theo tốc độ “rùa” như thế này thì có khướt mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nhá. Cứ ngẫm lại mà xem, trong các khu dân cư ở ta, nếu có gia đình nào xây nhà, cầm chắc những nhà quanh đó chỉ còn nước đóng cửa im ỉm hàng tháng trời, phần để tránh bụi, phần để tránh tiếng ồn và phần để ngăn những mùi không được thơm tho lắm do đám thợ xây dựng “xả xú páp” ra xung quanh, cả dưới dạng chất lỏng lẫn chất rắn. Chủ nhà chỉ thi thoảng xoẹt qua, mặt mũi “lơ vê” lên, cấm có ỉ ôi lấy một tiếng.
Và náo nhiệt… như có người Việt!
Nghe nói người Việt mình ở Lào buôn bán làm ăn giỏi lắm, trong chợ cứ chỗ nào nhộn nhịp và ồn ào nhất là chỗ của người Việt. Cái không khí ồn ào, náo nhiệt rất “chợ búa” không hề thấy ở chợ đêm Luang Prabang mà vào đến supermarket lớn nhất Viên Chăn cũng vậy, có một góc duy nhất thấy ầm ĩ, rộn rã, đến gần thấy trúng phóc là người Việt. Nhớ ngày học bên Đức, cùng khóa có nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh Lào, ai cũng hiền lành, thật thà, thế nhưng lọt vào có một cậu sinh viên Lào không hiểu sao lại không Lào tẹo nào mà lanh lẹn hoạt bát, cực láu cá láu tôm, tên gọi Amalong Xayakuman. Đám lưu học sinh Việt đang ngơ ngáo thắc mắc sao có “hàng lạ” lọt vào thế này, sau mới biết hóa ra cậu này có một phần dòng máu Lạc Hồng chảy trong người. Ông ngoại cậu là người Việt. Mà cậu này máu đồng hương đồng khói cũng gớm, mới “hít” thấy mùi Việt đã le te chạy lại bắt chuyện, làm thân ngay tắp lự. Trong chuyến đi Lào lần này mình có dịp gặp lại anh Laohoua Cheuching, bạn thân cùng thời dự bị tiếng tại Học viện Herder ở Leipzig. Anh này mặt mũi sáng choang, có lẽ thuộc loại thông minh giỏi giang, ngoại ngữ nói như “máy khâu” đến mấy thứ tiếng mà không nhầm nhọt gì cả. Trong giờ nghỉ giải lao, anh ta nói tiếng Việt với chúng tôi (anh đã tốt nghiệp ngành Triết tại ĐHSP Hà Nội), nói tiếng Đức với thầy giáo, nói tiếng Anh với tay Mustapha người Pakistan và tiếng Pháp với cô bạn gái người Angierie. Sau khi bảo vệ tiến sĩ anh còn qua Anh, qua Pháp học tiếp mấy khóa gì đó về kinh tế, khi về nước được phân về làm cố vấn kinh tế cho một tỉnh của Lào, sau đó được bổ nhiệm chức Phó vụ trưởng vụ xuất nhập khẩu của Bộ Công thương Lào. Ngồi “ghế nóng” đến như thế, trong tay nắm cái “lò đúc tiền” như thế (quota xuất khẩu) mà vẫn ở nhà cấp bốn, hàng ngày chạy xe máy dream đi làm. Bên Lào có chính sách cấp xe ô tô cho quan chức tự lái đi làm. Anh Saykhong Saynasin phó giám đốc ĐH quốc gia Viên Chăn cũng chạy một con 7 chỗ Toyota parado màu trắng cực oách. Cứ rành mạch như thế hóa hay, đỡ được chuyện lèm nhèm dùng xe công vào việc tư. Được tiêu chuẩn cấp xe riêng tự lái nhưng anh Laohoua từ chối với lý do mình là dân nghiền sách, đọc nhiều, hay ngẫm nghĩ nên tốt nhất là chạy xe máy cho nó lành, với lại nhà cũng gần cơ quan, chẳng cần đến ô tô làm gì, cách rách lôi thôi.
Trẻ con ở đây ngoan quá
Nóng bức kinh người, mệt muốn chết mà vẫn phải lê thân theo đoàn len lỏi vào các làng bản xem đời sống thực của dân Lào ra sao. Nhà cửa ở đây xây cất theo kiểu nhà sàn vùng dân tộc ở ta, tầng dưới trống hoác bốn bề, chỉ trơ khấc mấy cái cột xi măng, mọi sinh hoạt đều ở tầng trên, hầu như làm bằng gỗ, nhòm vào trong thấy có vẻ nhếch nhác. Mấy ông Tây to tổ chảng phăm phăm đi đằng trước và một bà Tây ì ạch theo sau. Bà đầm này lần đầu qua châu Á nên đến chỗ nào cũng mắt tròn mắt dẹt nhìn như người ngoài hành tinh. Một lũ trẻ nít mặt mũi nhem nhuốc, ăn mặc lôi thôi lốc thốc đang chơi nhảy dây. Hình như chúng cũng đã quen với việc khách du lịch nước ngoài thường xuất hiện ở đây nên tịnh không thấy đứa nào chỉ trỏ hay bám theo, nhiều nhất cũng chỉ mỉm cười và hallo một tiếng. Bà đầm Tây vừa bước lên trước có tí tẹo bỗng tuôn ra một tràng: “Ối trời, nhìn kìa, bọn trẻ con ở đây ngoan quá, ngoan hơn cả trẻ con nước tao”. Mình hỏi với lên “cái gì thế?”. Mợ ấy bảo “Mọi người không nhìn thấy bọn trẻ con nó lấy chân ấn dây xuống đất và mời mình đi qua à?”. Mình nảy ra ý định quay lại thử xem thế nào thì quả thật, hai đứa con nít bé tí tẹo, tóc tai bù xù, người ngắn như cái bánh mì Baguette của Pháp lấy chân ấn đoạn dây chun, chỉ cao hơn mặt đất khoảng 30cm, rồi nhoẻn miệng cười, làm cử chỉ mời mình đi qua. Không hiểu sao mình cứ có cảm giác như đây là một cảnh diễn ra trong một bộ phim đen trắng được quay từ mấy chục năm về trước. Tại sao cuộc sống ở đây nghèo thế mà trẻ con không bám riết lấy khách để kì kèo bán một món đồ lưu niệm hay xin tiền? Lòng tự trọng của con người ở đây có lẽ rất lớn, cả mấy ngày liền mình chỉ thấy duy nhất một người ăn xin, mà hóa ra anh ta lại bị bệnh tâm thần. Người Lào thuần phác thế có lẽ cũng nhờ đạo Phật. Đạo Phật ở Lào là quốc đạo. Trước đây, hầu hết các gia đình có con trai đều gửi vào chùa sống một vài năm (giờ thì ít hơn). Ra đường thường hay nhìn thấy đám “cà rốt di động” - các chú tiểu mặc quần áo, quấn khăn vàng suộm y như những củ cà rốt).
Rồi cũng đến lúc rời Lào. Trên đường ra sân bay Viên Chăn để trở về Hà Nội, ngồi trong taxi mình còn được chứng kiến một cảnh mà có đến chết cũng không sao quên được. Cả một đoàn xe ô tô, dễ có đến dăm bảy chiếc, dừng lại và im phăng phắc chờ một cô thanh nữ đi xe máy phía trước dừng xe xuống nhặt chiếc túi bị rơi. Không một tiếng bóp còi giục giã, không một tiếng quát tháo, chửi rủa. Nếu chuyện này xảy ra ở Hà Nội thì sao nhỉ, cô này chỉ còn nước mọc thêm vài cái tai nữa mà nghe mắng…
Nguyễn Thị Phương Hoa
Bình luận