Trước sự lo ngại và bức xúc từ dư luận về việc di dời nhà máy thép lên thượng nguồn, chiều 13/10, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp báo để thông tin nội dung liên quan Dự án Đầu tư Nhà máy thép Việt Pháp của Công ty TNHH Thép Việt - Pháp (gọi tắt là Công ty Việt - Pháp) tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam).
Chủ trì buổi họp báo, bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong quá trình nhà máy thép Việt - Pháp hoạt động, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Công an tỉnh, UBND TX.Điện Bàn, P.Điện Nam Đông tiến hành nhiều đợt kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường của nhà máy.
Bản thân bà cũng đã đến hiện trường để kiểm tra và các kết quả phân tích đo đạc mẫu khí, bụi tại ống khói của nhà máy đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Nhà máy thép cũng không thải nước thải sản xuất ra môi trường.
"Nguồn nước sử dụng là nước ngầm từ các giếng khoan và các khe suối gần dự án. Nước sản xuất chủ yếu để làm mát thiết bị và sẽ được xử lý tái sử dụng hoàn toàn, không thải ra môi trường. Quá trình xử lý sắt thép luôn tạo ra xỉ. Nhưng xỉ không nguy hại, chỉ là chất thải rắn và chất thải rắn này cùng bụi, khí thải, chất thải nguy hại sẽ được hợp đồng với các đơn vị có chức năng để thu gom xử lý", bà Hạnh khẳng định.
Tiến sỹ Huỳnh Ngọc Thạnh, Hội viên Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng - thành viên Hội đồng đánh giá tác động môi trường (DTM) đã phân tích nhiều khía cạnh về kỹ thuật. Đồng thời cho biết, nguyên nhân nhà máy đặt tại thị xã Điện Bàn bị người dân phản ánh và phải di dời là do tiếng ồn.
"Nhà máy hoạt động gây tiếng ồn và bụi nên gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Sai lầm là việc cấp phép cho nhà máy ở quá gần khu dân cư nên giờ phải di dời”, ông Thạnh giải thích.
Ngoài ra, ông Thạnh cũng trấn an về quy trình công nghệ của dự án dự tính di dời lên huyện Nam Giang và khẳng định công nghệ sản xuất tại nhà máy thép Việt Pháp không giống Formosa. Theo ông Thạnh, dự án này không dùng quặng để làm ra sản phẩm, mà chủ yếu sử dụng thép phế liệu để luyện cán thép. Do đó, chủ yếu phát sinh ô nhiễm về bụi và khí thải. Nếu chọn địa điểm mới, có thể loại bỏ được nguy cơ tiếng ồn.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Thạnh cũng cho rằng công nghệ mà nhà máy dự tính sử dụng của Trung Quốc chỉ ở mức trung bình khá trên thế giới. Công nghệ này hao tốn nhiều điện năng, khoảng 600kWh/tấn, trong khi công nghệ tiên tiến chỉ dừng ở mức 400-450 kWh/tấn.
Đáng chú ý, tại buổi họp báo, ông A Viết Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang thừa nhận vẫn chưa tổ chức họp dân rộng rãi. Tuy nhiên, đến nay, lãnh đạo huyện chưa nhận được phản hồi không đồng tình nào từ phía người dân và huyện vẫn có chủ trương ủng hộ di dời nhà máy lên Nam Giang
"Chúng tôi chưa lấy ý kiến với 8.000 hộ dân ở thị trấn Thạnh Mỹ mà mới làm việc cụ thể với 17 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp”, ông Sơn nói và cho biết chính quyền địa phương sẽ tiếp tục lấy thêm ý kiến người dân và tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư.
Được biết, nhà máy thép Việt - Pháp do Công ty Việt - Pháp làm chủ đầu tư xây dựng và hoạt động ở phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Nhà máy được đưa vào hoạt động năm 2012 với tổng mức đầu tư hơn 300 tỉ đồng, công suất 48.000 tấn/năm.
Nhà máy này được cấp phép đầu năm 2010, Tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư 50 năm trên diện tích 2,9 ha, tỉnh cho thuê đất 15 năm nhưng miễn thu tiền 11 năm. Sau khi đi vào hoạt động, người dân địa phương liên tục dựng lều phản đối vì cho rằng nhà máy gây ô nhiễm mặc dù số liệu quan trắc của cơ quan chức năng luôn cho kết quả “nằm trong ngưỡng cho phép”.
Video: Formosa Hà Tĩnh đã thuê vận chuyển gần 420 tấn thải ra khỏi nhà máy
Bình luận