Đi cùng nghề nguy hiểm

Thời sựChủ Nhật, 27/09/2015 02:50:00 +07:00

Ngày nay có nhiều ngành nghề, có nhiều việc làm nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng con người.

Ngày nay có nhiều ngành nghề, có nhiều việc làm nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng con người.

Những công việc ấy vẫn cứ diễn ra bình thường hàng ngày với hàng trăm, hàng triệu con người song nguy hiểm cứ rình rập đâu đó phút chốc cướp đi sinh mạng con người hoặc làm nên thương tật tai bay vạ gió.

Cũng xin nêu ra những nghề nguy hiểm mà chúng tôi lượm lặt xung quanh ta và không xa lạ như : Thợ lặn, thợ trèo cây của các công ty cây xanh và lâm nghiệp, thợ nuôi thú hoang dã và diễn viên dạy xiếc thú, thợ lặn mò xác người dưới sông, thợ lặn khắc phục sự cố công trình, thợ lau kính cao ốc, thợ khai thác đá trên các lèn cao, thợ đào hầm lò, những người chuyên nhặt mảnh kính vỡ…

Đó là chưa kể đến những nghề mà mà những người thợ cơ khí như hàn, tiện, gò, đúc là những nghề có nguy cơ mất an toàn lao động cao mà chúng tôi đề cập trong bài phóng sự này. Trong kỹ thuật cơ khí có nhiều ngành nghề công nghệ, đặc trưng làm nên những sản phẩm công nghiệp không thể chê vào đâu được và không thể không có nhưng đó là sản phẩm của những người thợ làm nghề nguy hiểm tạo nên.
 
Gia công nguội nói thì giản đơn nhưng để có một sản phẩm hoàn hảo thì bàn tay anh thợ nguội cứ dày lên những vết bầm xước. Hiện nay gia công nguội được tiến hành chủ yếu là thủ công, chỉ một phần gia công trên các máy gia công khi tự động và bán tự động.

Những nguyên nhân chủ yếu có thể gây ra tai nạn trong gia công nguội, các dụng cụ cầm tay (như cưa sắt, dũa, đục) dễ gây va đập vào người lao động. Các máy đơn giản (máy ép cỡ nhỏ, máy khoan bàn, đá mài máy) có kết cấu không đảm bảo bền, thiếu đồng bộ, thiếu các cơ cấu an toàn, do người lao động sử dụng các dụng cụ cầm tay đã hư như búa long cán, chìa vặn không đúng cỡ, miệng chìa vặn đã bị biến dạng không còn song song nhau.

Gá kẹp chi tiết trên bàn cặp (êtô) không cẩn thận, không đúng kỹ thuật, bố trí bàn nguội không đúng kỹ thuật, giữa hai bàn cặp đối diện không có lưới bảo vệ. Đá mài được gá lắp vào máy không cân, không có kính chắn bảo vệ, hoặc tư thế đứng mài chi tiết không né tránh được phương quay của đá mài, mài các vật có khối lượng lớn lại tỳ mạnh.

Việc gò tôn mỏng đi kèm các động tác cắt, dập trước khi đem gò, tai nạn lao động thường xảy ra dưới dạng chân tay bị cứa đứt. Khi thao tác các máy đột, dập, nếu vô ý có thể bị dập tay hoặc đứt vài ngón tay hoặc bị nghiền cả bàn tay, có thể bị suy nhược thể lực, giảm khả năng nghe, đau đầu, choáng. Tư thế đứng cưa, dũa, đục trong khi làm nguội nói chung không đúng cách dẫn tới bệnh vẹo cột sống.
    
Gia công cắt gọt trong các máy gia công cắt gọt thì máy tiện chiếm tỷ lệ cao (40%), được sử dụng khá phổ biến. Máy vận hành tốc độ cao, phoi ra nhiều và liên tục, quấn thành dây dài và văng ra chung quanh. Phoi nhiệt độ cao, phoi vụn có thể bắn vào người đứng đối diện gây tai nạn.

Khi vận hành các máy chuyển động quay, các cơ cấu truyền động như bánh răng, dây curoa, các nữ công nhân phải cuộn tóc gọn hoặc cắt tóc ngắn để khỏi bị cuốn vào máy. Khi khoan có thể bị trượt, mũi khoan lắp không chặt có thể bị văng ra, bàn gá kẹp không chặt có thể làm rơi vật gia công, gây tai nạn.

Khi mài, phoi kim loại nóng có thể bắn vào người nếu đứng không đúng vị trí, đá mài có thể bị vỡ, tay cầm không chắc hoặc khoảng cách cầm tay ngắn làm cho đá mài có thể tiếp xúc vào tay công nhân. Áo quần công nhân không đúng cỡ, không gọn gàng, có thể bị quấn vào máy và gây nên tai nạn.

Gia công nóng ở công nghệ đúc trong nhiệt độ cao, ngoài bức xạ nhiệt nước gang thép nóng chảy còn phát ra tia tử ngoại năng lượng lớn. Tiếp xúc với nguồn bức xạ năng lượng lớn có thể gây viêm mắt, bỏng da.

Tai nạn phổ biến là bị bỏng do nước kim loại nóng chảy bắn tóe vào cơ thể hoặc do các vật tiếp xúc với nước kim loại nóng chảy không được bong khô hoặc do khuôn đúc chưa sấy khô nên hơi ẩm bám trên các vật đó bị nước thép làm cho bốc hơi mạnh sẽ gây bắn tung tóe làm bỏng người lao động.

Trong việc xử lý các gờ bavia vật đúc cũng dễ bị xây xát chân tay do mặt nhám và sắc cạnh gây nên.

Công nghệ hàn trong hàn điện sử dụng các trang bị điện là chủ yếu. Hàn hồ quang thường có nhiệt độ rất cao (vài nghìn độ).

Môi trường hàn có nhiều khí bụi độc hại. Khi hàn điện, nguy cơ điện giật là nguy hiểm nhất cho tính mạng con người. Khi dùng máy hàn, kim loại lỏng có thể bắn tung tóe dễ gây bỏng da thợ hàn và những người xung quanh.

Hàn hồ quang có bức xạ mạnh, dễ làm cháy bỏng da, làm đau mắt. Lửa hồ quang hàn có thể gây cháy, nổ các vật xung quanh, cho nên cần đặt nơi hàn xa các vật dễ bắt lửa, dễ cháy nổ. Môi trường làm việc của thợ hàn có nhiều khí bụi độc hại sinh ra khi cháy que hàn như CO2, F2. Bụi mangan, bụi oxit kẽm rất hại cho hệ hô hấp và sức khỏe công nhân khi hàn ở các vị trí khó khăn như hàn trong ống, những nơi chật chội, ẩm thấp, trên cao.

Khi hàn hơi, sử dụng các bình chứa khí nén, các vết bẩn dầu mỡ, chất dễ bắt lửa trên các dây dẫn, van khí, dễ gây cháy, sinh ra nổ bình hoặc sinh hỏa hoạn.

Rèn gia công áp lực, vật rèn trong gia công ở nhiệt độ cao (có thể trên 1000 độ). Tai nạn có thể xảy ra do nhiệt độ cao, do dụng cụ và phôi rèn, các vảy sắt nóng, bắn vào.

Khi kết thúc gia công, vật rèn vẫn còn nóng khoảng 700, vô ý sờ tay, chạm vào có thể bị bỏng. Dụng cụ rèn (búa, kìm) không đảm bảo, như cán búa tra không chặt có thể văng ra khi quai búa, kìm lấy vật rèn ra khỏi lò kẹp không chắc hay giữ không chặt, làm rơi vật nóng, có thể gây tai nạn.

Làm gì để bảo vệ cho người lao động độc hại, nguy hiểm? Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại.

Phương tiện bảo vệ cá nhân là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được trang bị để sử dụng trong khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình lao động, khi các giải pháp công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc chưa thể loại trừ hết.

Phương tiện bảo vệ cá nhân bao gồm: Các phương tiện bảo vệ đầu, mắt, mặt, thính giác, cơ quan hô hấp, tay, chân, thân thể, phương tiện chống ngã cao, chống điện giật, điện từ trường, chống chết đuối và các loại phương tiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khác.

Song với những chính sách bảo hộ lao động, những chế độ đãi ngộ nhà nước ban hành, nếu như người lao động không tuân thủ các quy định an toàn lao động thì các chính sách quy định không những không có hiệu quả mà còn gây nên hậu quả khôn lường. mặt khác, nếu người sử dụng lao động vô trách nhiệm, xem như đồng lõa với với nguy hiểm thì tính mạng người lao động sẽ là nỗi đau của bao nhiêu người khác. Vì vậy, hãy bảo vệ an toàn lao động nhất là người lao động làm nghề nguy hiểm.

Bài viết phục vụ dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”

Huỳnh Như
Bình luận
vtcnews.vn