(VTC News) - Bài học kinh nghiệm của một độc giả nhắc nhở mọi người cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, nhắm vào những người dân nhẹ dạ.
Thời gian qua, có rất nhiều người tự xưng thầy thuốc đi bán ở các chợ - nơi có đủ các tầng lớp người dân ra vào, trong số đó có người không xưng là thầy thuốc nhưng cũng đã có những “thần dược” bán cho dân. Thứ “thuốc chữa bách bệnh” này không phải lên trời xuống biển mới có, mà đó chính là những hạt đậu chúng ta vẫn thấy trong các cốc chè thập cẩm thường ăn. Hậu quả là hàng triệu đồng của người dân bỗng dưng vào túi “thầy thuốc” mà chính những người dân này cũng không biết; đến lúc tỉnh ra thì tiền của mình đã đi rất xa rồi.
Ngày 01/07/2009, cô tôi đi chợ Giầu (phường Đông Ngàn - thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), trong khi đang chọn mua dưa thì có hai người phụ nữ tiến đến hỏi: “Chị mua bao nhiêu tiền 1 cân?”. Tưởng là cùng người đi chợ với nhau, cô tôi vui vẻ trả lời.
Sau đó, 2 người phụ nữ mới quan sát mặt cô và nói: “Nhìn mặt chị sạm đen, mắt thâm quầng, em nghĩ chị bị khô gan”. Rồi họ có nói trước kia chồng của họ cũng đã từng bị như cô tôi, đi mua thuốc của người vùng cao gì đó ở đâu chữa thì khỏi. Họ nói có mang một ít đi, cho cô tôi ăn thử và họ đã trộn với xôi cho cô tôi ăn. Thế là từ đó cô tôi bị mê mẩn, không biết gì nữa. Họ nói cái loại thuốc này phải đi rất xa mới có, 10 năm cây thuốc mới ra hoa, cho quả một lần, vì vậy phải mua vài triệu đồng 1kg, đồng thời phải giấu không cho người thân biết thì chữa mới khỏi. Cô tôi cứ thế nghe theo.
Vì cô không mang đủ tiền nên hai người phụ nữ đã theo cô về đến gốc cây xà cừ làng tôi, chờ cô mang tiền ra rồi bán “thuốc”. Trong tâm trạng như “gặp quý nhân phù trợ”, về nhà vội vàng cô tôi mở két sắt lấy số tiền 4 triệu đồng mang ra để mua. Chồng con hỏi, cô cũng không nói.
Khi ra không thấy 2 phụ nữ ở đó nữa, cô tôi đã quay về, thì có một người đàn ông đến hỏi cô tôi đường về KCN Tiên Sơn, cô đưa tay về phía đường ngang chỉ đường cho người đàn ông này thì nhìn thấy hai người phụ nữ đang đứng ngay đó, cô tôi tiếp tục quay ra và mua “thuốc” của họ. Xong việc, cô về nhà giấu “thuốc” trong két sắt không cho ai biết, cô vẫn làm tiếp những công việc thường ngày.
Đến trưa, khi chuẩn bị ăn cơm, cô chợt tỉnh khi “thuốc” hồi sang cô được cho ăn cùng với xôi đã hết (có lẽ là thuốc mê), cô sực nhận ra là sáng nay mình đã bị lừa. Cô nằm lên giường nghỉ và vẫn không cho ai biết nguyên nhân làm sao cô bị như vậy. Phải đến chiều tối khi những phụ nữ ở trong làng đến hỏi thăm, cô mới kể hết sự việc cho mọi người biết.
Thời gian qua đi, cô đành ngậm đắng, nuốt cay với số tiền không nhỏ mà một người nông dân kiếm mãi mới được, hy vọng tìm lại được số tiền đó không còn. Nhưng nửa tháng sau, ngày 16/7/2009 cô tôi vẫn đi chợ như mọi ngày. Hôm đó cô bỗng nhận ra mặt của đối tượng nam giới đã hỏi đường cô hôm trước (vì cô tôi đã nghi đối tượng này là đồng bọn của 2 phụ nữ kia), liền tóm lấy cổ áo đối tượng này và bắt hắn phải trả số tiền hôm trước cho cô. Gặp một tên lừa đảo mới vào nghề, đối tượng này đã nhanh chóng nhận tội và hứa trả tiền cho cô tôi.
Được sự giúp đỡ của người dân, đối tượng đã theo cô tôi về nhà và công an phường nơi cô tôi sinh sống đã đến áp giải đối tượng về trụ sở để giải quyết. Sau khi điều tra từ 2 phía, đối tượng khai quê ở Thái Nguyên và hai phía đã tường thuật lại sự việc đã xảy ra ngày 01/7/2009 với công an.
Kể ra vụ việc trên đây, tôi chỉ mong mọi người hãy cảnh giác với những hành vi lừa đảo của các đối tượng ở những nơi công cộng, nơi đông người như chợ, các lễ hội đầu năm. Gần đây, thỉnh thoảng vẫn diến ra các vụ lừa đảo tương tự, vì vậy người dân nên nhớ “ai có của người ấy giữ”.
Dù sao, cô tôi cũng khá xứng đáng với danh hiệu “cảnh sát hình sự nông dân” mà mọi người trao cho, bởi vì gặp một lần mà nhớ mặt đối tượng đã gián tiếp lừa đảo mình quả là hiếm.
Trần Việt, [email protected]
Bình luận