Mới đây, các giảng viên, nhà nghiên cứu của trường Đại học Trà Vinh tham gia báo cáo trực tuyến tại Hội nghị Quốc tế về Xóa đói giảm nghèo và Phát triển bền vững lần thứ V, năm 2024. Hội nghị lần này được tổ chức tại thành phố Tacloban, tỉnh Nam Leyte, Philippines với sự tham gia của 110 nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Các giảng viên tham gia báo cáo tại Hội nghị là đại diện các nhóm nghiên cứu những dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng, một trong những nhiệm vụ và thế mạnh của trường Đại học Trà Vinh.
Điển hình là dự án nghiên cứu về “Nâng cao hiệu quả nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long” của nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Nông nghiệp Thủy sản, do Tiến sĩ Huỳnh Thị Kim Hường - Phó trưởng khoa chủ trì và Tiến sĩ Lê Trúc Linh - Trưởng khoa cùng báo cáo.
Do tình hình biến đổi khí hậu ở Việt Nam và Philippines có nhiều nét tương đồng và mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao nên bài báo cáo thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Tuấn Huy, Phó Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, đại diện nhóm tác giả báo cáo dự án nghiên cứu “Đánh giá tình hình sâu răng và hiệu quả hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho học sinh tại 17 trường tiểu học trên địa bàn TP Trà Vinh năm 2024”. Dự án được nhiều quan tâm vì tính nhân văn và có hơn 8.000 học sinh hưởng lợi từ dự án.
Bên cạnh đó, trường Đại học Trà Vinh còn có hai nghiên cứu về giảng dạy Tiếng Anh theo mô hình COIL (Collaborative Online International Learning) để trao đổi giảng viên, sinh viên trực tuyến và dự giờ chéo của giáo viên tiếng Anh ở phổ thông do TS. Châu Thị Hoàng Hoa, Trưởng phòng Xúc tiến Dự án và ThS. Nguyễn Dương Thu Nguyệt, Chuyên viên Viện Đào tạo quốc tế tham gia báo cáo.
Được biết đây là lần thứ ba trong năm 2024, trường Đại học Trà Vinh đồng tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế trên nền tảng trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, giảng viên của trường.
Đây là hoạt động học thuật và phát triển chuyên môn rất hữu ích giúp cho giảng viên trường học tập và chia sẻ kinh nghiệm với các nhà nghiên cứu trong khu vực.
Bình luận