(VTC News) – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa chia sẻ quan điểm về việc kêu gọi mọi người không cho tiền người ăn xin.
Như VTC News đã thông tin, hiện nay, TP.HCM đang có chủ trương kêu gọi mọi người không cho tiền người ăn xin. Chính quyền cũng đề nghị quần chúng khi thấy người ăn xin thì gọi điện thoại theo đường dây nóng thông báo để các cơ quan chức năng tới đưa các đối tượng này vào các Trung tâm bảo trợ xã hội.
Cách làm nói trên của TP.HCM đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều người ở khắp nơi trên cả nước. Một câu hỏi đặt ra là liệu các thành phố khác, trong đó có Thủ đô Hà Nội có thể áp dụng cách làm này hay không?
Liên quan đến vấn đề này, ngày 24/12, phóng viên VTC News đã phỏng vấn ông Phan Đăng Long – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ủng hộ việc không cho tiền người ăn xin. - Ảnh minh họa: Vietnamnet |
Ông Long cho biết, hiện ông chưa nắm được là Hà Nội có phương án nào để giải quyết đối với các trường hợp đi ăn xin hay chưa. Tuy nhiên, ở phương diện cá nhân, ông ủng hộ phương án mà TP.HCM đang áp dụng.
“Nếu hỏi quan điểm của cá nhân tôi thì tôi ủng hộ cách làm đó,” ông Long nói.
“Nếu hỏi quan điểm của cá nhân tôi thì tôi ủng hộ cách làm đó,” ông Long nói.
Theo ông Phan Đăng Long, có 2 vấn đề về người ăn xin mà chúng ta cần giải quyết.
Thứ nhất, với những người ăn xin thực sự. Tức là những người khó khăn cơ nhỡ, tàn tật, không thể tự chăm sóc bản thân… thì xã hội sẵn sàng cưu mang. Chúng ta đã có những Trung tâm bảo trợ xã hội để lo lắng, quan tâm, chăm sóc họ.
Thứ hai, hiện nay, có nhiều trường hợp ăn xin giả mạo. Đây thường là những người khỏe mạnh bình thường nhưng vẫn đi ăn xin. Chính vì thể, cần phải có biện pháp ngăn chặn hành vi này. Trong đó, việc kêu gọi mọi người không cho tiền người ăn xin và đưa những người ăn xin thực sự vào các Trung tâm bảo trợ xã hội là điều nên làm.
“Những người tàn tật hay vì lý do nào đó không thể tự chăm sóc bản thân thì xã hội cưu mang. Nhưng hiện nay còn nhiều đối tượng ăn xin giả mạo. Chẳng hạn như những đối tượng lang thang, giả sư đi khất thực. Tôi còn biết là có người ăn xin làm giàu, ăn xin để xây nhà. Hành vi này là rất khó chấp nhận, cần phải có biện pháp ngăn chặn,” ông Long nói.
Video: Một cậu bé giả tàn tật để ăn xin
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết thêm, thông thường, nhiều người ăn xin hầu như không để ý đến lòng tự trọng của mình. Nhiều người làm mọi cách để xin được tiền của người khác. Hành động này gây phiền toái cho mọi người, tạo ấn tượng xấu trong mắt du khách nước ngoài.
“Việc để những người tự do đi ăn xin trên phố tạo nên sự nhếch nhác. Chính vị vậy, tôi thấy điều đó (cách làm mà TP.HCM đang triển khai) là rất hay và nên làm. Tôi rất ủng hộ”, ông Long khẳng định.
Chưa phải là giải pháp tối ưu
Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, để những người ăn xin quá nhiều ở thành phố, trước hết về mặt thẩm mỹ, văn hóa thành phố là kém. Bởi vậy, phải làm thế nào để hạn chế đến cùng tình trạng này.
Theo bà An, việc đưa những người ăn xin vào các Trung tâm bảo trợ xã hội như TP.HCM cũng là một giải pháp tốt. Nhưng điều này cũng chỉ giúp giải quyết được về mặt thẩm mỹ thành phố. Còn về lâu dài, giải pháp này chưa phải là tối ưu.
“Tập trung người ăn xin vào cũng là một giải pháp. Nhưng chỉ giải quyết được vấn đề thẩm mỹ thành phố, địa phương. Về lâu dài thì không được. Phải giải quyết tận gốc.
Theo tôi thì cần phải phân loại, làm rõ nguồn gốc của họ. Trên cơ sở xác định được nguồn gốc rõ ràng thì mới nói tới chuyện đưa họ vào đâu. Phải xem họ có thực sự có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật.. hay không. Hiện nay, tôi thấy có nhiều người không khó khăn, nhiều người khỏe mạnh nhưng chỉ vì không muốn lao động mà đi ăn xin”, bà An nói.
Clip: Giả tàn tật ăn xin bị lật tẩy bẽ bàng
Cũng theo bà Bùi Thị An, với những người có hoàn cảnh khó khăn thực sự thì các địa phương nên phối hợp đưa họ vào các Trung tâm bảo trợ xã hội. Với những trường hợp vì lười mà đi ăn xin, ăn xin để làm giàu… thì cần trả về các địa phương quản lý.
Bà An cho biết thêm, hiện nay không loại trừ khả năng có các đối tượng giả danh ăn xin để nhằm mục đích gây tiếng xấu về hình ảnh nước Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.
“Tôi nghe dư luận, cử tri phản ánh rằng có nhiều người không phải nghèo khổ mà đi ăn xin. Có trường hợp đi ăn xin nhưng cho gạo họ không lấy, chỉ lấy tiền. Tôi đi ra nước ngoài, nhiều người họ cũng phải ánh về tình trạng ăn xin và nói chúng ta thế này thế khác, tôi rất bực. Các cơ quan chức năng cũng cần phải vào cuộc để xác minh xem có những đối tượng giả danh ăn xin để làm những mục đích khác hay không”, bà An nói.
Clip: Lật tẩy chiêu giả tàn tật để ăn xin trên phố
Minh Quyết
Bình luận