1. Đứng trên chiếc cầu gỗ có mái che lợp ngói cổ năm mét rộng bắc qua con sông đào mang tên Ân Giang nước xanh trong chảy suốt bề ngang huyện Kim Sơn, mà tựa như đứng trên con thuyền buôn đường hằng hải trong những truyện cổ xa xưa, mà lòng chộn rộn nhớ về hai người nổi tiếng đất này.nổi tiếng đất này.
Người thứ nhất là Doanh điền sứ Tướng công Nguyễn Công Trứ, đã cùng các vị chiêu mộ khai hoang mở đất dựng lập nên huyện Kim Sơn. Đất khai khẩn lấn biển dùng vào việc trồng cói, rồi nghề dệt chiếu cói ở Kim Sơn xác lập từ đây. Đến năm 2009 Kim Sơn tròn ba chu kỳ “Lục thập Hoa giáp” kể từ khi thành lập huyện năm 1829.
Thoắt đã hơn 180 năm. Với bản sắc văn hóa cộng đồng, Kim Sơn từ là một bãi bồi đầy bùn lầy lau sậy, qua bốn lần quai đê lấn biển, người dân Kim Sơn đã đưa diện tích đất đai của huyện nay gấp bốn lần năm thành lập. Và sản xuất chế biến cói đã đạt giá trị kinh tế tới hơn 250 tỷ đồng.
Người thứ hai, là Linh mục Phero Trần Lục, mà người dân quen gọi một cách thân mật là Cha Sáu. Lục có nghĩa là Sáu. Và cha cũng mới chịu có sáu trong bảy chức thánh để trở thành linh mục. Nhưng cha đã được đặc cách phong linh mục. Cha Sáu có công khởi xướng tổ chức xây dựng, để lại cho thị trấn Phát Diệm huyện Kim Sơn một quần thể kiến trúc nhà thờ Thiên Chúa giáo đẹp nhất Việt Nam.
Đẹp ở phong cách kiến trúc đặc thù kiến trúc đình chùa Việt, được xây hoàn toàn bằng đá và gỗ, và tới nay quần thể nhà thờ đá Phát Diệm trở thành một điểm tham quan du lịch nổi tiếng thu hút hàng triệu du khách mỗi năm như một vùng văn hóa kiến trúc độc đáo có một không hai. Điểm du lịch này lại được kết hợp quảng bá các sản phẩm từ cói Kim Sơn nổi tiếng 180 năm nay kể từ sinh thời Nguyễn Công Trứ. Tỉnh Ninh Bình trở thành điểm đến của khách thập phương mà điểm nhấn là quần thể kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm.
2. Ta quen ngắm những nhà thờ Thiên Chúa giáo với phong cách kiến trúc Gothic tháp nhọn, tháp vuông cao vút, mới thấy lạ khi thăm ngắm nhà thờ Phát Diệm. Nói cho chính xác, nhà thờ Phát Diệm là một quần thể kiến trúc, bởi nó bao gồm một nhà thờ lớn nằm giữa cùng bốn đền thờ nhỏ chầu bốn góc, cùng một không gian bao quanh sơn thủy hữu tình. Nói theo các nhà phong thủy, thì nó đắc địa là ở cái thế, có hồ nước trước mặt và lưng tựa dãy núi cao, trong đó có các hang đá lớn nhân tạo.
Từ hướng nam đi vào, trực diện với con đường thị trấn, là một hồ nước lớn hình chữ nhật, xung quanh bờ được kè đá xây tường thành cao, như các hồ ta thường gặp ở các làng Việt cổ. Giữa hồ có một đảo đất cây xanh vọi lên bức tượng đài “Chúa Cứu thế” đủ lớn cân đối với toàn cảnh. Qua một khoảng sân cỏ rộng là phương đình. Công trình phương đình cao 25 mét, rộng 17 mét, dài 24 mét, với ba tầng xây bằng nguyên liệu chính là đá phiến theo lối kiến thúc phương Tây. Nhưng mái vòm lại được lắp ghép uốn lượn tinh xảo như mô phỏng kiến trúc các mái đình làng, chùa chiền làng quê Bắc Bộ. Lớn nhất là tầng dưới cùng có năm cửa ra vào (ngũ môn), được xây bằng đá xanh. Giữa phương đình đặt một phiến đá nguyên khối vuông vức như chiếc sập gụ đặc.
Phía ngoài và bên trong phương đình có những bức phù điêu khắc chạm trên đá mô tả “15 phép mầu nhiệm Mân Côi” với đường nét thanh thoát gợi cảm.
Tầng hai phương đình treo một cái trống lớn.
Tầng ba treo một quả chuông cao I,40 mét, đường kính 1,10 mét, nặng gần 2 tấn. Qủa chuông này được đúc vào năm 1890. Một tiếng chuông vang xa được ví như cả ba tỉnh nghe thấy.
Theo nhiều tài liệu thì linh hồn của quần thể nhà thờ đá Phát Diệm chính là nhà thờ lớn. Đây là một kiến trúc độc đáo được xây dựng hoàn toàn bằng đá với những hoa văn chạm trổ công phu đặc sắc duy nhất ở Việt Nam. Cảm nhận về nó, cứ như là bàn tay tài khéo của kiến trúc sư đất Việt đã thổi hồn vào đá, đánh thức sự sống của đá, biến chúng trở thành công trình tinh tế tràn đầy xúc cảm lay động lòng người trong cái không gian có phần u tịch nơi tôn giáo thâm nghiêm nhưng lại ở một vùng đất nửa tỉnh nửa quê. Mà bây giờ vùng đất ấy đang bước vào đô thị hóa thành điểm du lịch.
Mái của nhà thờ Phát Diệm không cao vút kiểu ngọn tháp của kiến trúc Gothic như những nhà thờ Thiên Chúa giáo khác ta thường thấy. Mà lại là mái cong cong, thấp, cổ kính như mái đình mái chùa.
Trong quần thể kiến trúc thì đây được gọi là nhà thờ lớn. Dài 74 mét, rộng 21 mét, cao 15 mét và có bốn mái. Trong nhà thờ, chịu lực cho bốn mái rộng lớn là bốn hàng cột gỗ lim nguyên cây, mà hai hàng cột giữa cao tới 11 mét, chu vi cột 2,35 mét, và mỗi cột nặng khoảng 10 tấn. Một giàn vì kèo, dầm mái, sà gồ và dui mè liên kết tạo khung xương mái cũng hoàn toàn bằng gỗ lim.
Nằm giữa gian thánh đường có một bàn thờ lớn làm bằng một phiến đá nguyên khối, dài 3 mét, rộng 0,90 mét, cao 0,80 mét, nặng khoảng 20 tấn. Mặt trước và hai bên chiếc bàn thờ đá này được chạm trổ các hoa dây kết lại khéo léo mềm mại như vẽ trên vải gồm những loài hoa đặc trưng của bốn mùa: Xuân – Hạ - Thu – Đông, cứ như là chiếc bàn thờ đá được phủ một chiếc khăn màu thạch sáng.
Gọi là nhà thờ đá vì tất cả mọi thứ ở nhà thờ này đều được làm bằng đá, trừ nền, tường và cột, chấn song cửa. Tuy nhiên trên hai bức tường phía trong khu thánh đường có những phiến đá mỏng xây ốp được chạm những bức phù điêu, đặc biệt là bức phù điêu tứ quý “Tùng – Mai – Cúc – Trúc” tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp bốn mùa trong năm âm lịch. Ngay như đường nét khắc họa những con vật như sư tử, hươu nai, công trĩ, phượng hoàng cũng sống động đến lạ thường.
Ở phía bắc khu nhà thờ Phát Diệm được dựng ba quả núi có ba hang đá nhân tạo cách nhau khoảng 10 mét. Ba quả núi này được làm nên bởi những khối đá lớn nhỏ khác nhau giữ nguyên dáng vẻ tự nhiên. Trong đó núi có hang đá Lộ Đức là đẹp nhất. Trên núi và hang đá đặt các bức tượng thánh lớn tạc bằng đá trắng hoặc đắp bằng xi măng.
Đã hơn 100 năm tuổi, khu thánh đường Phát Diệm xứng đáng là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc Việt, biểu trưng cho tinh thần nhân văn sâu sắc của người dân Việt Nam trong sự hòa quyện tài tình các nền văn hóa theo tinh thần cộng đồng cao quý sắt son.
3. Du khách tham quan nhà thờ đá Phát Diệm thường được nghe một thày tu tên là Giuse Đinh Văn Thắng giới thiệu tỷ mỉ, kỹ càng về hình thức kiến trúc, đặc biệt nhấn nhá sinh động về văn hóa phương Đông trong hội họa và điêu khắc. Ví dụ, ở mặt ngoài phương đình, Đinh Văn Thắng mô tả trang trí “Y môn” hình cửa võng như bức rèm vén mở, lộ ra những hình nét như tranh Đông Hồ.
Về bố cục, thì toàn bộ khu thánh đường tọa lạc trên khu đất “Tựa núi ngắm biển” mặc dù núi và hồ là nhân tạo. Nhìn bình diện, nhà thờ chính tòa là nhà thờ “Trái tim Đức Mẹ” nằm giữa, bốn nhà thờ nhỏ bốn góc bên, dưới cách nhìn của Đinh Văn Thắng, là như “Nữ hoàng có bốn người hầu”, hoặc “Linh mục làm lễ bốn tiểu đồng giúp lễ”. Và 5 là con số “Ngũ hành”.
Nhưng khi tôi hỏi sâu về tác giả của kiến trúc quần thể thánh đường Phát Diệm, Đinh Văn Thắng chỉ nói rất sơ sài về Cha Sáu.
Quần thể nhà thờ đá Phát Diệm nên được gắn liền với tác giả ý tưởng và tổ chức xây dựng cùng với sự góp công sức của nhân dân Phát Diệm, Kim Sơn, cùng các vùng lân cận đã làm nên nó. Cũng giống như công lao quai đê lấn biển mới có một vùng trù phú như Kim Sơn ngày nay.
Phát Diệm xưa là cánh đồng thẳng cánh cò bay. Dân trên dưới 300 căn nhà cùng một số dân di cư nghèo túng. Cha Sáu đã kiến tạo khởi công cho đào con sông Ân Giang chạy suốt bề ngang huyện Kim Sơn từ Điền Hộ tới Ngư Sơn. Rồi lấy đất đắp thành con đường số 10 ngày nay dài 28 ki-lô-mét nối với Quốc lộ IA. Hai việc lớn ấy nhằm phát triển giao thông thúc đẩy kinh tế phát triển, đã minh chứng tài ba và khí phách của Cha Sáu.
Linh mục Phê-rô Trần Lục, gọi thân mật là Cha Sáu (chính tên là Trần Triêm, sinh năm 1828). Với tư cách là Quản nhiệm xứ, linh mục đã tuần tự xây dựng từ năm 1876 cho tới năm 1899, trong 20 năm, thì quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm hoàn thành. Để lại cho đời sau một công trình kiến trúc Thiên Chúa giáo mang phong cách phương Đông hết sức độc đáo. Mà lại là được xây dựng trong điều kiện trình độ kỹ thuật thô sơ và hoàn cảnh giao thông Việt Nam dựa vào sông nước cuối thế kỷ XIX.
Ý tưởng lạ lùng xây nhà thờ Thiên Chúa giáo mang phong cách phương Đông của Cha Sáu được hình thành như thế nào?
Với bức thư của Đức Giám mục Chiêu (Mgr. Theurel) ủy sứ, Cha Sáu mang vào Kinh đô Huế xin với Triều đình Tự Đức xin Đức vua thẩm đạt và hạ sắc chỉ cho phép tái lập làng Vĩnh Trị, công giáo tân tùng vì sự bách hại gắt gao trước đó. Trong khi chờ đợi, cả tháng trời tại Huế, Cha Sáu khảo cứu kiến trúc Á Đông Kinh thành gồm Cung điện và Lăng tẩm. Để rồi khi được nhà vua cho phép, mười năm lặng lẽ (1873 – 1883), người linh mục áo vải ấy tổ chức nhân lực, nguồn vật liệu cho việc xây dựng nhà thờ đá Phát Diệm.
Gỗ lim khai thác từ Bến Thủy Nghệ An với 150 ki-lô-mét xa. Có thứ từ Xứ Đoài Sơn Tây cũng phải vận chuyển từ 75 đến 100 ki-lô-mét.
Đá xanh thường to 7- 8 thước khối, nặng 20 tấn, lấy từ núi Nhôi (Thanh Hóa), Thiện Dưỡng (Ninh Bình) hoặc Kiện Khê (Hà Nam), khai thác trên độ cao từ 10 đến 20 mét. Đường vận chuyển là bằng đường thủy, đóng bè xuôi sông hoặc đường biển lợi dụng thủy triều. Khai thác thủ công và vận chuyển cả một khối lượng vật liệu khổng lồ như thế trong nhiều năm không phải là công việc đơn giản. Năm 1875 vượt đất tân bồi nền nhà thờ.
Nói theo ngôn ngữ hiện đại bây giờ, là “đại công trường” được mở để đẽo gọt đá, đẽo gọt gỗ với những đội thợ lành nghề. Mãi năm 1885 mới bắt đầu xây Nhà thờ Trái tim Đức Mẹ toàn bằng đá và gỗ. Thời ấy chưa có cần cẩu máy. Phải xây các bức tường đá trước làm điểm tựa đưa kéo các vì kèo gỗ lên. Xong nhà thờ chính tòa, tuần tự đến các đền thờ Trái tim Chúa Jésus, Kính thánh Gioan Tiền Hô, Thánh Phê-rô (Quan thày của Cha Sáu), và Thánh Giu-se.
Mười năm nuôi ý tưởng và lặng lẽ chuẩn bị vật tư. Mười năm tổ chức xây dựng. Hai mươi năm - Một nửa đời người. Linh mục Phê-rô Trần Lục qua đời năm 1899, đúng cái năm công trình Nhà thờ đá Phát Diệm hoàn thành. Hoàn thành một tâm nguyện.
Mộ phần linh mục Trần Lục được đặt trước cửa Nhà thờ chính tòa. Với dòng lưu bút đơn sơ vài nét nhân thân. Người linh mục ấy đã là người thiên cổ. Nhưng di sản của ông là một kỳ công kiệt tác. Nói theo cách nói của Lyautey, thành viên Hàn lâm viện Pháp, thì: “Phát Diệm tức là Cha Sáu!”
Khiếu Quang Bảo
.
Bình luận