• Zalo

Đèn đường xanh dương thật sự có thể giúp người ta ngừng tự sát và phạm tội?

TrẻChủ Nhật, 18/04/2021 20:30:00 +07:00Google News

Có thể bạn chưa biết, một số thành phố trên thế giới thay vì sử dụng đèn đường màu vàng hoặc trắng, họ sử dụng đèn xanh dương.

Các chuyên gia tâm lý khẳng định đèn đường màu xanh dương có khả năng ngăn chặn ý định tự tử và hành vi phạm tội một cách hiệu quả.

Ở đường Buchanan thuộc thành phố Glasgow, Scotland, nhiều cột đèn màu xanh dương được dựng vào năm 2000 để làm đẹp cảnh quan thành phố. Sau đó, thống kê cho thấy số vụ án trong những khu vực có đèn xanh giảm mạnh. 

Đèn đường xanh dương thật sự có thể giúp người ta ngừng tự sát và phạm tội? - 1

Ảnh: Internet

Khi đến Nhật Bản, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những cột đèn đường có ánh sáng xanh được lắp đặt bên các bến tàu điện ngầm. Đừng lầm tưởng đây là cột đèn để xua đuổi côn trùng, trên thực tế đây đây chính là đèn chuyên dụng dành cho những người bị áp lực trong công việc có thể giảm stress.

Ở Nara, một thành phố của Nhật Bản, cảnh sát lắp đặt nhiều đèn đường màu xanh dương vào năm 2005 và nhận thấy số vụ án tại những khu vực có đèn giảm khoảng 9%. Sau đó nhiều nơi khác trên xứ sở hoa anh đào đã làm theo Nara.

Công ty tàu điện Keihin thay 8 đèn hiệu màu đỏ tại các sân ga ở nhà ga Gumyoji, thành phố cảng Yokohama vào tháng 2/2008. Lãnh đạo công ty cho biết, mỗi năm có vài người tự kết liễu cuộc đời tại nhà ga Gumyoji bằng cách nhảy vào tàu. Một nhân viên phụ trách an ninh của công ty nói: “Chúng tôi lắp đèn hiệu màu xanh dương để ngăn chặn hành vi tự sát. Kể từ khi Keihin lắp đặt đèn hiệu màu xanh dương, chưa có vụ tự tử nào xảy ra tại nhà ga Gumyoji".

Đèn đường xanh dương thật sự có thể giúp người ta ngừng tự sát và phạm tội? - 2

Ảnh: Internet

Một nhà quản lý của công ty Central Nippon Expressway (Nhật Bản) khẳng định: “Màu xanh dương thôi thúc các tài xế lái xe an toàn, đồng thời ngăn chặn tâm lý nóng vội của họ”. Công ty này cũng cho biết, sau khi đèn hiệu màu xanh được lắp đặt gần các thùng đựng rác trên tuyến đường cao tốc Meishin tại Yorocho, tỉnh Gifu, số lượng rác bị vứt bừa bãi giảm hơn 20%.

Tại ga đường sắt Sân bay Gatwick bên ngoài London, một cuộc thử nghiệm lớn về đèn xanh cũng được tiến hành với lý do tương tự.

Đèn đường xanh dương thật sự có thể giúp người ta ngừng tự sát và phạm tội? - 3

Ảnh: Internet

Tác dụng về mặt tâm lý của đèn xanh tại nơi công cộng là đề tài gây tranh cãi trong giới chuyên gia nhiều năm qua. Nhưng nhiều công ty tàu hỏa khẳng định, chúng là công cụ hiệu quả trong việc ngăn chặn người ta tự tìm đến cái chết bằng cách nhảy vào đầu tàu hoặc nằm trên đường ray.

Đèn đường xanh dương thật sự có thể giúp người ta ngừng tự sát và phạm tội? - 4

Ảnh: Internet

Điều này được giải thích bởi một vài lý do như:

  • Màu ánh sáng mới và lạ khiến người muốn tự tử hành động cẩn trọng hơn.
  • Ánh sáng màu xanh thường gắn liền với sự hiện diện của cảnh sát, cảnh báo đây là vùng thực thi luật pháp nghiêm ngặt hơn.
  • Màu xanh là màu sắc hài hòa hơn với nhiều người, trái ngược với đỏ, vàng hay cam. Nó có tác dụng làm cho người bị kích động hay người bị ám ảnh bởi một điều đặc biệt gì đó, cảm thấy thư thái hơn.
Đèn đường xanh dương thật sự có thể giúp người ta ngừng tự sát và phạm tội? - 5

Ảnh: Internet

Shinji Hira, một giáo sư tâm lý học chuyên nghiên cứu về tâm lý tội phạm tại Đại học Fukuyama ở Hiroshima cho rằng ánh đèn màu xanh có thể làm người ta dừng lại và ngẫm nghĩ.

Giáo sư Tsuneo Suzuki tại Đại học Keio chia sẻ: "Có một số dữ liệu chứng minh màu xanh lam có tác dụng làm dịu con người. Tuy nhiên, đó là một màu bất thường đối với ánh sáng, vì vậy mọi người có thể xu hướng né tránh những việc làm gây chú ý như phạm tội hoặc tự sát dưới ánh sáng bất thường như vậy. Hơi mạo hiểm khi tin rằng màu sắc của ánh sáng có thể ngăn cản bất cứ điều gì".

Tóm lại, ánh sáng màu xanh có thể có chút ảnh hưởng tích cực đối với những người có ý định tự tử hoặc hành vi phạm tội, nhưng cho đến nay, chưa có một bằng chứng khoa học cụ thể nào xác nhận điều này hoàn toàn đúng.

Cersei(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn