Đến đền Trần Thái Bình xin ấn... chui

Thời sựThứ Hai, 06/02/2012 04:35:00 +07:00

(VTC News) - Sau ngày Lễ hội Đền Trần được tổ chức (13 tháng giêng), thì ngày 14 tháng giêng đã diễn ra các hoạt động phát ấn "chui".

(VTC News) - Trước ngày khai hội Lễ hội Đền Trần Thái Bình, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà Nguyễn Hồng Chuyên.

Ông Chuyên cho biết, năm nay Đền Trần Thái Bình không tổ chức phát ấn. Mặc dù dư luận đang xôn xao, nhưng vì chưa được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền, nên cơ quan quản lý huyện không tổ chức phát ấn.

Tuy nhiên, sau ngày Lễ hội Đền Trần được tổ chức (13 tháng giêng âm lịch), thì ngày 5-2 (14 tháng giêng âm lịch) đã diễn ra các hoạt động phát ấn "chui" ở Đền Trần Thái Bình.

Trần Triều Đế Miếu (Ở Đền Trần xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) 

Hòa nhập cùng các đoàn khách thập phương đến dự lễ hội ở Đền Trần Thái Bình, được biết nhà đền có phát ấn, chúng tôi đến xin ấn nhưng bị từ chối.

Tình cờ chúng tôi gặp được thủ từ đền, qua một hồi nói chuyện, "cậu" T (thủ từ) đồng ý. "Cậu" dẫn chúng tôi đến Cung Cấm - nơi thờ các vị Vua Trần để chờ xin ấn.

Bên ngoài cửa Cung Cấm, tôi được một thanh niên khoảng 23-25 tuổi giới thiệu: Ở đây phát ấn chứ không phải bán ấn. Thế anh lấy mấy ấn? Tôi muốn lấy 3 ấn. Người thanh niên nói nhỏ vào tai tôi: Ấn thì vẫn còn nhiều lắm, nhưng ở đây cấm bán ấn cho nên không phát ồ ạt vì sợ người ta vào lấy ấn rồi bán đi lấy lời. Các anh chỉ cần có tiền lễ tuỳ tâm là được.

Tôi hỏi thêm, vậy nếu xin một cái ấn thì tiền lễ khoảng bao nhiêu, người thanh niên nói thẳng: “Một cái ấn tùy tâm, khoảng 50 ngàn đồng, có người thì đặt lễ 100 ngàn đồng. Các anh may mắn vì được cậu T giới thiệu nên cũng tuỳ tâm”.

Khoảng 10 phút sau, người thanh niên đi vào phía sau rồi quay ra giúi vào túi áo tôi mấy cái ấn bằng vải màu vàng, bên trong có in hàng chữ nho. Nhìn xung quanh, anh ta nói giọng rất nhỏ chỉ đủ để cho tôi nghe thấy: “Cất ngay đi, bí mật đấy”.

Qua tìm hiểu những người bán hàng ở gần đền, chúng tôi được biết: Dù đã có thông báo hết ấn, nhưng muốn lấy được ấn thì phải có sự đồng ý của thủ từ đền hoặc những người trong ban quản lý đền, nhưng phải là người chủ chốt.

Tôi chợt nhớ khi đưa ấn cho tôi, người thanh niên đứng canh ở cửa nói: “Nếu người thân các anh muốn xin ấn thì ngày mai đúng 8 giờ sáng đến khoảng 10 giờ, xếp hàng trước cửa đền để nhà đền phát ấn. Còn buổi chiều chỉ phát khoảng hơn một tiếng thôi. Phải thừa nhận việc xin ấn ở đây không có chen chúc, xô đẩy như ở một số nơi khác. Có lẽ vì năm nay mới “bí mật” phát ấn nên ít người biết”.

Ước tính, chỉ trong hai ngày diễn ra lễ hội, có khoảng hàng vạn lượt người về với đền Trần Thái Bình. Cách trung tâm đền khoảng 1 km, có hàng trăm bãi trông giữ xe lớn nhỏ đã chật ních ô tô, xe máy của người dân tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận về dự lễ hội.

Được biết, chỉ trong ngày 5-2 nhà Đền đã phát ra hai thùng ấn; nhiều người ở xa đến vẫn cố ở lại mong được phát ấn. Một du khách đã nhiều năm xin được ấn cho biết: “Không biết cách xin ấn ở nơi người ta cấm phát thì không lấy được đâu”.

Khi ra khỏi đền, tôi mở ấn ra xem thấy trên ấn có in bốn chữ Hán được khắc theo lối chữ triện cổ, có người dịch là Trần Triều Đế Miếu (có nghĩa là: nơi tôn miếu thờ các vua Triều Trần).

Công Tâm

Bình luận
vtcnews.vn