Cứ mỗi độ tháng Giêng hàng năm, người dân lại nô nức đi đền chùa, lễ hội. Nhiều người đi để du xuân, cầu an lành cho mình và gia đình, nhưng có một bộ phận không nhỏ đến chùa để cầu tài lộc.
Hầu hết người Việt đều quan niệm “trần sao âm vậy”, vì thế dẫn đến một loạt các hiện tượng phản cảm như tranh cướp lộc, nhét tiền vào tay tượng Phật…, nhiều người đi chùa chỉ chăm chăm cầu tài, cầu danh mà quên mất chùa là nơi để cầu an.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá 13, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội cho rằng: “Sở dĩ, lễ vật đi chùa bị biến tướng là do người Việt đã áp dụng những tín ngưỡng của dân tộc mình để đem vào Phật Giáo. Điều này đã diễn ra từ rất lâu đời, chính vì thế, việc các chùa không nhận vật tế lễ cũng giống như xâm phạm vào tín ngưỡng và lòng tin của người dân”.
Theo thầy Thích Bảo Nghiêm, việc cúng xôi, gà, thịt, rượu… cũng giống như tục dâng vàng mã, mặc dù không phải là nghi thức của đạo Phật nhưng đa số người Việt vẫn làm khi đi lễ chùa. Hàng năm, chùa nhận được rất nhiều vàng mã của người dân, tuy không dùng đến nhưng nhà chùa không còn cách nào khác ngoài việc nhận và lưu trữ.
“Chúng tôi tôn trọng tín ngưỡng và niềm tin của người dân, chính vì thế, chỉ những hiện tượng sai lệch một cách thái quá, nhà chùa mới có biện pháp ngăn cản, còn lại nhà chùa vẫn để người dân được tự do với niềm tin của mình”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm chia sẻ.
“Chùa là nơi trang nghiêm, thoát tục, chính vì thế, người dân đi chùa cũng cần phải có tâm trong sáng. Việc tranh giành lộc không chỉ làm mất đi không khí thanh tịnh của nhà chùa mà còn làm xấu đi hình ảnh các tín ngưỡng tâm linh, những thứ tốt đẹp trong văn hóa Việt”, thầy Thích Bảo Nghiêm nói.
Theo Cư sĩ Giới Minh, với truyền thống Phật giáo ở nước ta, việc đi lễ đầu năm là để cầu an. Tâm có an mới có những ý nghĩ, quyết định sáng suốt trong cuộc sống, công việc. Quan điểm cơ bản của Đạo Phật là quy luật nhân – quả. Gieo nhân nào gặt quả ấy, gieo phúc gặt phúc, gieo tâm đức gặt tâm đức, gieo nỗ lực, sáng suốt sẽ gặt thành công…
Bây giờ người dân thường nhầm lẫn sự công đức với việc “hối lộ”, “mua chuộc” Thánh thần. Người ta luôn đặt điều kiện đi chùa dâng lễ để được Thánh thần phù hộ một điều gì đó. Đó là một suy nghĩ, hành động chưa đúng ngay cả đối với đạo đức đời thường chứ chưa nói đối với đời sống tâm linh.
Video: Đầu năm đi lễ chùa thế nào cho đúng?
Bình luận