Nợ nần chồng chất, Nhà nước nguy cơ mất trắng hàng ngàn tỷ
Sau 2 năm kể từ khi Chính phủ ra Quyết định số 286/QĐ-TTCP ngày 16/02/2017 về việc thanh tra toàn diện Dự án Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang Thép Thái Nguyên (TISCO), kết quả thanh tra đã được công bố với một loạt các sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo TISCO trong việc thực hiện dự án; bao gồm các hoạt động sử dụng vốn, chi sai, chỉ định thầu yếu kém, bán thầu hưởng phí trái pháp luật, phát sinh tăng tổng mức đầu tư, làm thất thoát tài sản Nhà nước,…
Dự án nổi cộm trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ này được phê duyệt từ năm 2005 với tổng mức đầu tư là 242 triệu USD, tương đương 3.943 tỷ đồng, khởi công vào tháng 09/2007 nhưng chỉ vài năm sau, dự án đã bị trì hoãn với các hạng mục đều chưa hoàn thành. Dự án dở dang đang “đắp chiếu” với nhiều thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng có nguy cơ gây mất trắng hàng ngàn tỷ.
Đến thời điểm thanh tra năm 2017, tổng chi phí đầu tư cho Dự án là 4.421 tỷ đồng. Đến 30/6/2018, tổng chi phí đầu tư của dự án tăng lên 4.964 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hoá là 1.755 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2018, báo cáo tài chính quý IV/2018 của TISCO ghi nhận con số đầu tư dở dang của dự án này sau khi vốn hoá lãi vay trong năm 2018 đã tăng lên mức 5.093 tỷ đồng. Như vậy, số lãi vay đã vốn hoá của dự án này đến cuối năm 2018 là 1.884 tỷ đồng.
Đến cuối 2018, số nợ vay phải trả lãi của Tisco ở mức 5.717 tỷ đồng. Tổng số nợ của TISCO đã lên đến hơn 8.700 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu 1.870 tỷ. Với tình hình tài chính hiện tại, TISCO cho biết sẽ không thể tồn tại nếu không được cá NH gia hạn nợ, giảm lãi và tiếp tục cho vay mới.
Thế nhưng, cả Chính phủ và giới chuyên gia cũng thể hiện quan điểm nhất quán sẽ không ném thêm tiền ngân sách, tiếp tục "bơm" vốn vào những dự án thua lỗ; những lo ngại về khả năng thu hồi vốn của TISCO là rất rõ ràng, bởi ngoài việc yêu cầu bơm vốn, TISCO không đưa ra được phương án trả nợ.
Biết đến bao giờ mới có tiền trả được nợ vay?
Thực tế cho thấy, không chỉ có những sai phạm tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO. Ngay cả hoạt động kinh doanh của TISCO giai đoạn 1 cũng đang cho thấy sức cạnh tranh rất kém so với khối tư nhân. Dù cho Tisco đã tách riêng phần chi phí lãi vay của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 ra khỏi chi phí của công ty và vốn hoá phần lãi vay vào chi phí đầu tư dự án.
Bằng chứng là chênh lệch giữa giá bán và giá vốn thành phẩm - thước đo năng lực cạnh tranh của TISCO luôn ở mức rất thấp trong nhiều năm qua. Theo đó, sau khi trừ đi các khoản chi, lợi nhuận của Tisco chẳng còn bao nhiêu để tạo ra thặng dư vốn. Thậm chí, công ty khó lòng bù đắp được các chi phí khi thị trường bất lợi. Do vậy, nếu cứ giữ đà này, bao giờ TISCO mới có tiền để trả các khoản nợ vay?
Mới đây nhất, Tisco vừa ghi nhận khoản lỗ ròng 19 tỷ đồng trong quý IV/2018. Đây cũng là quý đầu tiên Tisco báo lỗ sau 6 năm kể từ quý I/2013. Biên lợi nhuận gộp ở mức thấp 3,8% là nguyên nhân chính. Còn theo giải trình của Tisco là do giá nguyên vật liệu tăng.
Bán vốn cho ai?
Với thực tại của TISCO, các chuyên gia đề xuất giải pháp xử lý đối với dự án này khả quan nhất là M&A, tệ nhất là cho phá sản,...Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính cũng đã nói rằng, các DNNN nếu không cạnh tranh được với tư nhân cũng cần lui lại để giải phóng nguồn lực cho các thành phần kinh tế khác. Ông Tiến cũng cho rằng khu vực dân doanh có nhiều doanh nghiệp mạnh.
Hiện nay, CTCP Thương mại Thái Hưng – doanh nghiệp lớn cùng ngành tại Thái Nguyên đã từng muốn thâu tóm TISCO. Năm 2017, sau liên tục nâng sở hữu tại Tisco lên 20% kể từ khi SCIC rút vốn, Chủ tịch của Thái Hưng – ông Nguyễn Văn Tuấn đã chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT của TISCO. Thêm một người nữa của Thái Hưng là ông Bùi Quang Hưng cũng được đưa vào thành viên HĐQT TISCO.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, Thái Hưng đã bất ngờ đăng ký bán ra một nửa trong tổng số 36,8 triệu cổ phiếu đang nắm giữ (tỷ lệ 20%). Điều này được giới quan sát đánh giá rằng, Thái Hưng dường như chỉ nhắm đến mục đích đầu cơ chênh lệch giá cổ phiếu hơn là đầu tư dài hạn. Đặc biệt là sau khi doanh nghiệp này cho thấy việc mua bán liên tục cổ phiếu Thép Việt Ý (VIS) để kiếm lợi nhuận.
Trong khi đó, Hoà Phát - doanh nghiệp tư nhân nội địa lớn nhất ngành thép VN cũng đã phát đi thông điệp quan tâm đến Thép Thái Nguyên. Nói với Người Đồng Hành cách đây ít lâu, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Hòa Phát cho biết doanh nghiệp từng đăng ký mua trước đây. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa nói được điều gì vì cần kết chờ kết luận thanh tra, cũng như triển khai đấu giá.
Một vướng mắc lớn hiện nay đang chờ được tháo gỡ đó là là trách nhiệm của VNSteel trong việc bảo lãnh cho TISCO vay vốn Vietinbank để thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2. VnSteel đang báo cáo với Chính phủ, Bộ Công Thương và phối hợp với Vietinbank giải quyết trước khi thoái vốn. Do đó, cho đến nay, việc VNSteel thoái vốn tại TISCO vẫn chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, để ngừa vi phạm xảy ra trong việc thoái vốn của VNSteel tại TISCO, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương yêu cầu VNSteel kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện trách nhiệm của người đại diện vốn chủ sở hữu của tổng công ty này tại TISCO đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của TISCO, đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng, lợi ích nhóm, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
Bình luận