Là người mở đầu chất vấn, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) nêu ra Đề án ngoại ngữ 2020 có mục tiêu đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp có khả năng sử dụng độc lập ngoại ngữ, tự tin giao tiếp trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ, đa văn hóa.
“Hiện nay, sau 8 năm nhiều mục tiêu chưa đạt được với nhiều hạn chế. Đến năm 2020 dự án này có đạt được mục tiêu như mong muốn hay không”, đại biểu Dương Minh Ánh đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đến năm 2020 không thể đạt được mục tiêu đã đề ra.
“Tôi trả lời luôn là không", Bộ trưởng Nhạ nói.
Ông Nhạ cho rằng việc dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn, lâu dài, không chỉ trước kia mà bây giờ vẫn phải tiếp tục liên quan nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ cũng thừa nhận để biết thành thạo như mục tiêu đề án mong muốn phải có thời gian và cần kinh phí rất lớn.
“Chúng tôi rất cố gắng đưa ra lộ trình và mục tiêu cao để đạt được như mong muốn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp nhiều vấn đề thời gian, kinh phí, chuẩn bị. Với Bộ Giáo dục và Đào tạo và cá nhân Bộ trưởng thì chúng tôi có trách nhiệm”, ông Nhạ nói.
Video: Đến 2020 đa số thanh niên Việt không nói được tiếng Anh, Bộ trưởng GD-ĐT nhận trách nhiệm
Vì vậy, người đứng đầu ngành giáo dục cũng thông tin thời gian tới khi xây dựng các đề án khác phải hết sức thiết thực, khả thi bám sát vào yếu tố để thực hiện mục tiêu này.
“Gần đây, chúng tôi cho rà soát điều chỉnh cách tiếp cận sau đó mới đến mục tiêu”, ông Nhạ nói.
Bên cạnh đó, Đề án ngoại ngữ 2020 không phải là đáp ứng cho tất cả các đối tượng với tất cả các yêu cầu.
Video: Vì sao người Việt không giỏi tiếng Anh
Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Chính phủ điều chỉnh đề án Ngoại ngữ 2020.
Việc điều chỉnh theo nguyên tắc chương trình nội dung phải thống nhất. Trong đó, chương trình có tính đến hội nhập quốc tế và tránh tình trạng biên soạn theo năng lực các thầy các cô.
“Thứ hai là tập trung đào tạo giáo viên. Thực tế vừa qua có việc đào tạo giáo viên chưa kỹ nên quá trình thực hiện khó khăn. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm vấn đề này”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặt vấn đề học ngoại ngữ suốt đời để ai cũng có quyền được học, hưởng lợi từ sự hội nhập.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung vào các phương thức đào tạo trực tuyến từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, Bộ sẽ nhấn mạnh xã hội hóa chứ không phải tất cả trông chờ vào đề án này.
“Chúng tôi xin nhận trách nhiệm để điều chỉnh”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Ông Nhạ cũng chia sẻ với các đại biểu, không hy vọng đến 2035 chúng ta phổ cập được tiếng Anh. Kinh nghiệm của Malaysia, Singapo là từ khi giải phóng, những nước này đã có nền tảng tương đối tốt nhưng để đến khi cả nước có thể nói tiếng Anh thì cũng là thời gian dài.
“Nếu không có lộ trình, không có quyết tâm thì chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu đề án Ngoại ngữ 2020”, Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Bình luận