Đêm trắng của đội 'FAS Angel' hỗ trợ sơ cứu người gặp nạn trên phố Hà Nội

Đời sốngThứ Sáu, 17/12/2021 07:30:00 +07:00
(VTC News) -

21h, khi người dân Thủ đô sắp chìm vào giấc ngủ, ấy cũng lúc các thành viên trong đội "FAS Angel" bắt đầu công việc hỗ trợ sơ cứu người gặp nạn trên đường.

Videoo: Tâm  sự của đội 'FAS Angel' hỗ trợ sơ cứu người gặp nạn trên phố Hà Nội

Hoạt động bất chấp thời tiết

Hà Nội về đêm, trời càng trở lạnh, nhiệt độ ngoài trời ở mức 19 độ C. Một nhóm thanh niên ngồi chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại. Chợt cú điện thoại cắt ngang, một chàng trai tức tốc lên đường rời vị trí. Hỏi ra mới biết đây chính là các thành viên trong nhóm cứu hộ “FAS Angel”.

Đêm trắng của đội 'FAS Angel' hỗ trợ sơ cứu người gặp nạn trên phố Hà Nội - 1

Các thành viên nhóm “FAS Angel” trực tại đường Nguyễn Xiển.

Trường hợp tai nạn lần này ở đường Nguyễn Trãi, cách điểm trực chỉ 1km. Vốn thông thuộc địa bàn, anh Nguyễn Văn Luân (23 tuổi, thành viên đội “FAS Angel”) chỉ mất 5 phút để di chuyển đến hiện trường. Ca sơ cứu này không quá khó, nạn nhân say rượu, bất tỉnh, xây xát nhẹ ở mặt. Chỉ 5 phút, anh Luân đã thực hiện xong các thao tác băng bó, bấm huyệt giúp nạn nhân tỉnh lại. 

Trong cơn say, nạn nhân liên tục chửi bới, thậm chí còn định đánh anh Luân. Anh Luân điềm tĩnh giải thích: “Cháu là thành viên đội Hỗ trợ sơ cứu. Chú đang bị thương, cháu chỉ giúp chú sơ cứu thôi, chú chờ chút người nhà chú đang đến rồi".

Lát sau, người nhà nạn nhân đưa nạn nhân về nhà, gia đình không quên nói lời cảm ơn Luân. Mặc dù mới tham gia vào đội 3 ngày, nhưng Luân đã hỗ trợ sơ cứu cho 3 trường hợp, đa phần là tai nạn do say rượu.

Đội Hỗ trợ Sơ cứu - “FAS Angel” (First Aid Support Angel) được thành lập tháng 9/2019, ban đầu chỉ với 2 thành viên. Sau hai năm, số lượng thành viên của đội đã tăng lên hơn 80 người. Mỗi thành viên một mảnh ghép, khác nhau về hoàn cảnh, độ tuổi, nghề nghiệp… Ban ngày họ vẫn phải làm nhiều công việc khác nhau, nhưng giữa họ có một điểm chung đó là tinh thần sẵn sàng vì mọi người. 

Đêm trắng của đội 'FAS Angel' hỗ trợ sơ cứu người gặp nạn trên phố Hà Nội - 2

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề y, tuy không có điều kiện theo nghề nhưng anh Việt vẫn có cách để mang tinh thần của gia đình y đức đến với những người không may gặp tai nạn trên đường.

Chia sẻ về mục đích thành lập đội, anh Phạm Quốc Việt (35 tuổi, quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) - người sáng lập đội “FAS Angle” cho biết: “Năm 2016, khi tôi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Tuyên Quang. Một chiếc xe máy đã đâm thẳng vào người, khiến tôi ngất luôn tại chỗ. Khi tỉnh lại, toàn thân như bị tê liệt, không thể cử động, chỉ có đầu óc là tỉnh táo nhưng vẫn không có ai giúp đỡ.

Giây phút đó khiến tôi không thể nào quên. May mắn thay, cuối cùng cũng có một người qua đường quyết định dừng xe và đưa tôi đi cấp cứu, khiến tôi luôn nhớ mãi và biết ơn". Cảm giác cô độc đó luôn ám ảnh và đã thôi thúc anh thành lập đội "FAS Angel".

Nói là làm, đầu năm 2017, anh Việt đã bắt đầu hành trình một mình cứu người trên các con phố, ngõ nhỏ của Thủ đô. Với vốn kiến thức về sơ cấp cứu đã được học ở quân ngũ, anh tự trau dồi, học hỏi thêm để nâng cao tay nghề và chia sẻ cho các thành viên trong nhóm.

Nỗi đau của những "thiên thần"

Đội Hỗ trợ sơ cứu có ba hoạt động chính đó là sơ cứu vết thương cho người bị tai nạn giao thông, bảo vệ hiện trường và tài sản của nạn nhân, phối hợp với cơ quan chức năng để tìm kiếm nhân chứng cũng như thông tin của nạn nhân và gia đình…

Với thu nhập ít ỏi, hàng tháng, các thành viên trong đội FAS Angel vẫn sẵn sàng đóng quỹ mua các dụng cụ y tế hỗ trợ công việc. Các thành viên trong đội cho biết, đây là những việc tử tế, có ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc sống và cộng đồng nên đã thôi thúc họ tham gia thiện nguyện.

Chị Bùi Minh Phương (32 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Lần đó mình bị tai nạn ở Phạm Hùng, do xe máy phía trước tạt đầu, chân, tay mình lúc đó chảy khá nhiều máu. Khoảng 5 phút sau, có một anh áo xanh, giống xe ôm công nghệ ngỏ ý giúp đỡ mình.

Lúc đầu mình còn hoài nghi vì nghĩ không biết anh ấy có biết cách xử lý vết thương không, nhưng nhìn cách anh ấy lấy bộ đồ nghề được trang bị đầy đủ nào là bông, băng, gạc, nẹp y tế... với thao tác nhanh, cẩn thận, mình tin anh ấy là bác sĩ thật. Lúc sau, hỏi ra mới biết anh ấy là thành viên của đội “FAS Angle” - Hỗ trợ sơ cứu".

Đêm trắng của đội 'FAS Angel' hỗ trợ sơ cứu người gặp nạn trên phố Hà Nội - 3

Mỗi tuần, các thành viên trong đội đều phải trải qua những buổi đào tạo và kiểm tra kỹ năng gắt gao, sau đó mới chính thức được chia về các khu vực để hoạt động.

Bạn Lê Đặng Tùng (23 tuổi, Hà Nội) đã có hơn 2 năm gắn bó với nhóm. “Từ nhỏ mình đã ước mơ trở thành lính ở Đội Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn để giúp đỡ mọi người. Lớn lên, vì một vài lý do mình không hiện thực được ước mơ ấy. Một lần xem tivi, biết đến nhóm, không chần chừ mình đã viết đơn gia nhập nhóm và hoạt động từ đó đến bây giờ”.

Tùng là đầu bếp của nhà hàng lớn ở Hà Nội, công việc của Tùng bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc lúc 21h tối. Sau khi tan làm, Tùng liền đến điểm trực cứu hộ đến 1- 2h sáng. Lịch làm việc và lịch trực dày đặc, nhưng chưa bao giờ Tùng cảm thấy mệt mỏi.

Tùng không nhớ nổi số ca hỗ trợ sơ cứu mình từng giúp đỡ đến nay là bao nhiêu, chỉ nhớ rằng bản thân đã phải chứng kiến giây phút sinh ly tử biệt của 12 nạn nhân. Điều ám ảnh nhất với Tùng không phải là hình ảnh vết thương của những nạn nhân xấu số, mà là giây phút phải đối diện với gia đình nạn nhân.

“Đó là bố mẹ, người yêu, bạn thân của nạn nhân… mặc dù biết nạn nhân đã qua đời, nhưng họ vẫn gào khóc, van xin mọi người xung quanh, hãy cứu lấy con/bạn mình. Giây phút đó khiến mình không bao giờ có thể quên”, Tùng chia sẻ.

Anh Lâm (33 tuổi, ở Hà Nội) đã hoạt động trong đội được hơn 1 năm. Thời gian đầu tham gia đội là lúc gia đình đang có con nhỏ. Vợ anh phàn nàn "anh ban ngày đi làm vất vả, tối về sớm nghỉ ngơi phụ vợ trông con". Những lúc như vậy, anh Lâm lại từ tốn giải thích vợ về ý nghĩa công việc anh và các thành viên nhóm đang làm. 

“Mỗi ngày đi làm về, tôi thường kể cho vợ về các ca sơ cứu mà hôm nay tôi hỗ trợ. Dần dần cô ấy cũng ủng hộ công việc tôi đang làm. Bây giờ, như một thói quen cứ mỗi khi tôi về đến nhà câu đầu tiên vợ tôi lại hỏi 'hôm nay, không gặp ca nào chứ anh'", anh Lâm chia sẻ.

Đêm trắng của đội 'FAS Angel' hỗ trợ sơ cứu người gặp nạn trên phố Hà Nội - 4

Trung bình mỗi ngày, đội có thể hỗ trợ từ 3 đến 5 ca tai nạn giao thông, va quệt trên đường phố. Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm đã hỗ trợ sơ cứu hơn 3.000 trường hợp.

Các thành viên trong đội thường túc trực ở những khu vực dễ xảy ra va chạm vào đêm tối như đường vành đai 3, hầm Kim Liên, các phố Nguyễn Xiển, Nguyễn Xiển, Trường Chinh, Giải Phóng, Kim Liên, Định Công...

Chỉ cần chụp cho đội nhìn thấy vết thương, tư thế nằm thì sẽ có hướng dẫn cụ thể ngay lập tức, các thành viên thông thường tiếp cận hiện trường để giúp đỡ nạn nhân trong vòng từ 5 đến 8 phút. Ngoài đi tuần, trực chốt, “FAS Angel” còn có nhóm trực online 24/24, theo dõi tin tức giao thông trên các diễn đàn mạng và nhận bộ đàm của 113, 115.

Hơn 2 năm hoạt động, Đội "FAS Angel" - Hỗ trợ sơ cứu không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn sẵn sàng hỗ trợ và cứu giúp những nạn nhân không may gặp tai nạn giao thông tại Thủ đô. Tính đến nay, đội đã giúp đỡ hơn 3.000 trường hợp tai nạn giao thông.

Với thông điệp "Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi", đội Hỗ trợ sơ cứu “FAS Angle” vẫn ngày đêm miệt mài trên hành trình lan tỏa yêu thương đến với cộng đồng.

Vũ Vân
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp