Chúng tôi dừng chân tại Thành phố Hòa Bình vào khoảng 8 giờ tối với cái bụng đói meo. Nơi dừng lại có không gian rộng, hai bên đèn vàng ấm áp tỏa ra dìu dịu đủ để kịp nhìn thấy những mái nhà sàn, những guồng nước, những tán lá, nghe tiếng suối róc rách chảy đâu đó. “Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường đấy”- bạn tôi thốc ba lô lên vai, nhanh nhẹn bước trước.
Không gian tái hiện xã hội Mường
Bữa tối đã đợi sẵn chúng tôi ở nhà Lang với rất nhiều món ăn mà sau này chỉ cần nhắc đến bảo tàng Không gian văn hóa Mường là đầu óc chúng tôi lập tức “link” ngay đến những món ăn. Nào là rau rừng luộc, cá suối nướng, xôi nếp nương và rượu Mường… Nghe nói, nếu đến đây vào đúng mùa còn có thể được thưởng thức nhiều đặc sản côn trùng như trứng kiến, kiến, tháng 8, tháng 9 còn có món ong, nhộng tằm. Thấy tôi tấm tắc khen món “Ốt”- măng chua và cá gói trong lá chuối, chủ nhà chỉ vào cái chõ xôi bắc trên bếp nói, món này được nêm nếm gia vị và xôi bằng chiếc chõ gỗ đó.
Chủ nhà là họa sĩ Vũ Đức Hiếu, hay người ta còn gọi là Hiếu Mường, ngắn gọn và giản đơn như vậy. Anh ít nói, mắt buồn buồn, về sau mới biết ai gặp Hiếu Mường cũng có ấn tượng chung như vậy. Hiếu Mường sinh ra tại Hà Nội, tốt nghiệp thủ khoa Công nghiệp thủy tinh, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 2000. Năm 2001 tốt nghiệp Khoa lý luận và lịch sử Mỹ thuật. Anh từng có một thời gian làm tại tạp chí Văn nghệ công nhân.
Sinh ra ở Hà Nội nhưng gắn bó với xứ Mường Hòa Bình là do Hiếu lớn lên ở nơi này, tâm hồn và tình cảm anh tắm táp trong nền văn hóa này. Những ngày lang thang tham dự những lễ hội của người Mường, ăn cỗ lá, uống chén rượu Mường, ngắm những điệu múa của cô gái Mường và nghe những tích cổ về nguồn gốc văn hóa của người Mường khiến anh say mê lúc nào không biết. Có lẽ, ý tưởng mở một bảo tàng tư nhân trưng bày hiện vật và tái hiện cuộc sống của người Mường đã nảy ra trong anh cũng từ những chuyến đi đó. Vì vậy, đầu năm 2007, Hiếu bắt tay vào xây dựng bảo tàng là nơi để anh trưng bày tất cả những hiện vật anh tìm được về đời sống, văn hóa của người Mường trong suốt chiều dài lịch sử phát triển.
Từ ý tưởng cho đến bắt tay vào xây dựng bảo tàng là cả một quá trình, khó khăn từ chỗ lặn lội sưu tầm hiện vật, khôi phục, trùng tu cho đến xin giấy phép để bảo tàng đi vào hoạt động. Cuối cùng, giấc mơ cũng thành hiện thực. Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường nằm ngay dưới chân dốc Cun, trên một vạt đồi, cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 7km. Bảo tàng được chia làm hai khu: Tái hiện và Trưng bày.
Hiện, bảo tàng đang lưu trữ khoảng 3000 hiện vật khác nhau cùng với nhiều đầu sách quý nghiên cứu về văn hóa Mường. PGS. TS Nguyễn Văn Huy, một người hơn 40 năm gắn bó với công việc nghiên cứu dân tộc học và bảo tàng dân tộc học trong một lần đến đây đã thốt lên: “Đây quả là một cách làm sáng tạo của một nghệ sĩ yêu di sản. Anh ấy đã phải một mình vượt qua bao khó khăn để đi đến thành công. Dũng cảm lắm. Say mê lắm. Rất đáng khuyến khích.
Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường được Hiếu tái hiện như một quần thể Xã hội Mường thu nhỏ với 4 khu nhà sàn tương ứng với 4 tầng lớp khác nhau. Nơi chúng tôi ngồi là nhà Lang- một trong 4 khu nhà sàn nằm trong khuôn viên rộng khoảng 3- 4 ha của bảo tàng. Nhà Lang hay còn gọi là nhà Quan lang là nhà của tầng lớp có quyền lực thống trị toàn Mường. Sau nhà Lang có nhà Ậu- nhà của người giúp việc cho quang Lang, nhà Nóc- nhà của tầng lớp bình dân trong xã hội Mường. Và cuối cùng là nhà Nóc Trọi là nhà của tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội Mường.
Nhà Lang có bảy gian, hai chái, với 14 cây cột to. Trên nhà có hai bếp, hai cầu thang một dành cho đàn bà, một dành cho đàn ông. Trong nhà có nhiều loại súng kích cỡ, chiều dài khác nhau, theo đó mà được đặt theo trình tự. Những chiếc chiêng cũng vậy, có nhiều loại to nhỏ treo ngay ngắn, ai muốn có thể gõ thử. Nhìn ngắm ngôi nhà rộng và vững chãi này, ít ai biết rằng, trước đó, nó được đưa về trong hiện trạng xuống cấp và cũ kỹ. Khi được mang về đây, nhà Lang mới được trùng tu lại, dựng lên bề thế như làm sống động lại một phần lịch sử của dân tộc Mường- nơi giai cấp thống trị đã từng sinh sống để cai trị các xứ Mường.
Hành trình lặn lội của một người kinh yêu xứ Mường
Nghe Hiếu Mường nói, ngôi nhà này đã được anh mua lại của một cụ già, vợ Lang (dòng họ Hà Công) khi ấy 110 tuổi ở Mường Chậm, Tân Lạc. Theo gia phả, gia đình Lang có tất cả 156 người các thế hệ từng sống ở đây. Điều thú vị nhất của ngôi nhà này nằm ở kết cấu không mộng. Khi dựng nhà, xà ngang khớp với các cột nhờ chiếc “khớp” được đẽo hình lục giác. Với kết cấu nhà như thế này, nếu có gặp động đất nhà sẽ không bị đổ.
Để mua được ngôi nhà quý hiếm này cũng như hàng ngàn hiện vật khác của người Mường hiện đang trưng bày tại bảo tàng Không gian Văn hóa Mường là câu chuyện phiêu lưu vô cùng thú vị của Hiếu Mường. Hiện vật khá đa dạng, đó là công cụ sản xuất như khung cửi, cối giã gạo, súng săn, nơm úp cá, chiêng, lư đồng, dụng cụ săn bắn, hái lượm... Ngoài ra có các trang sức, váy, áo, khăn thổ cẩm, nhạc cụ dùng trong lễ hội, các nghi thức cưới hỏi, ma chay, lễ lạt…
Chỉ cần nhìn qua, điểm mặt những hiện vật hiện đang trưng bày trong bảo tàng cũng đủ để biết giám đốc bảo tàng này đã kỳ công tìm kiếm, sưu tầm, cóp nhặt kỳ công như thế nào. Xứ Mường có 4 nơi nổi tiếng Hòa Bình khi xưa là Mường Bi, Vang, Thàng, Động thì cả 4 xứ đều mòn vết chân Hiếu Mường. Khi xưa lang thang ở 4 xứ này đã mang đến cho anh không chỉ cảm xúc thân thương đối với cái “nôi của người Việt cổ”, quê hương của sự tích “Đẻ đất, đẻ nước” này mà còn rất nhiều kiến thức về các lễ hội, về tập tục, sinh hoạt, đời sống lao động sản xuất và cả ẩm thực của người Mường.
Anh ghi chép, cóp nhặt và biết cái gì có giá trị. Mỗi một cái “chổi cùn dế rách” như cách trước đây người ta vẫn giễu những giỏ, những khung dệt chẳng còn ai dùng, cái cung tên, cái nơm, cái gùi… đều quý giá đối với anh. Bởi ngay từ khi bảo tàng chưa ra đời, Hiếu Mường đã đi khắp nơi xin, nhặt nhạnh từng thứ ấy một trong suốt 10 năm trời. Sưu tầm đã khó vậy nhưng bảo dưỡng, tu bổ, bảo vệ hiện vật nói riêng cũng như bảo tồn nói chung thì còn khó khăn hơn nhiều và tốn kém hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, một điểm thú vị khiến bảo tàng Không gian Văn hóa Mường trở nên thú vị và hấp dẫn hơn là vì ở đây có không gian trải nghiệm. Nghĩa là đến đây, bạn không chỉ được xem, nghe giới thiệu về đời sống của người Mường mà còn được ăn món Mường, ngủ nhà sàn Mường… Điều này khiến Bảo tàng trở thành một điểm du lịch khép kín rất hợp lý vào ngày cuối tuần. Nhất là khi bảo tàng nằm ở vị trí thuận lợi cho giao thông và không quá xa Hà Nội. Khách đến đây có thể ngủ lại, ăn tối và thuê thuyền đi Thung Nai- nơi có khá nhiều cảnh đẹp để thăm thú, thư giãn.
Chị Nguyễn Duyên, công tác tại Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), thời gian học tập và nghiên cứu chuyên ngành về bảo tồn, bảo tàng di tích tại đại học Tổng hợp New York, Mỹ, đã cho chị cơ hội thăm thú khá nhiều bảo tàng trong nước và thế giới. Chị chia sẻ, “đa phần hiện nay các bảo tàng đều quan tâm đến trải nghiệm nên các chương trình phải đảm bảo đem lại cho khách một trải nghiệm thú vị nào đó. Hình thức kiểu Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường này phổ biến ở nhiều nước. Nhưng ở Việt Nam thì đây là một cách làm mới mẻ, rất thú vị và đáng để đến”.
Chia sẻ của chị Duyên khiến tôi ngẫm lại và thấy quả thật mình đã có những trải nghiệm rất tự nhiên, tự nhiên đến nỗi không nhận ra. Ấy là bữa tối thưởng thức những món ăn Mường, được nấu theo đúng phong cách ẩm thực của người Mường. Vừa nhâm nhin chén rượu trong nhà Lang và nghe những câu chuyện bất tận về tập tục, quan niệm, lịch sử của người Mường. Và, ngủ trên nhà sàn của người Mường, gối đầu bằng chiếc gối của người Mường, đắp chiếc chăn thêu thổ cẩm mà cùng với nó có những câu chuyện về nghề dệt, nghề thêu, nghề làm thổ cẩm của phụ nữ Mường… Nghe những câu chuyện thú vị ấy mới hiểu vì sao có những người tâm huyết như Hiếu Mường, bỏ chốn lao xao để về đây ẩn giật lặng lẽ bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp của dân tộc Mường.
Tấn Minh
Bình luận