Tới ủng hộ nghệ sỹ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, cùng một số đại biểu. Điều đặc biệt khác là nhiều cán bộ ngành văn hóa lần này được vận động đi xem bằng cách mua vé.
NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam đảm vai Văn Sửu trong vở “Bệnh sĩ”. Anh cũng là tâm điểm của mọi tràng cười, pháo tay ủng hộ. Xuân Bắc diễn “Bệnh sĩ” nhẹ như hơi thở, duyên dáng dí dỏm như lần đầu anh đứng trên sân khấu làm vở này năm 2014.
Nhìn xuống khán giả chật kín khán phòng, được sự quan tâm của các vị lãnh đạo, Xuân Bắc bảo anh phải kiềm chế để không “òa khóc”. Cảm xúc mạnh mẽ cũng là điều dễ hiểu, bởi sau mấy tháng bất động, nghệ sĩ lại được khóc cười cùng khán giả.
“Tôi chinh chiến nhiều rồi, thế mà diễn “Bệnh sĩ” vẫn thấy cảm xúc mạnh chưa từng có. Khán giả hỉ hả và quan trọng hơn các nghệ sĩ đồng nghiệp ở các nhà hát khác bỏ tiền mua vé ủng hộ. Tiền chưa phải vấn đề, điều quan trọng hơn cả là thái độ nghệ sĩ ủng hộ nhau. Nghệ sĩ không tôn trọng và ủng hộ nhau thì mong gì khán giả đến với mình”, Xuân Bắc nói.
Gần sát giờ diễn vẫn có khán giả đến hỏi mua vé. Âu cũng thêm niềm vui cho nghệ sĩ trong thời buổi khó khăn vực sân khấu trở lại sau dịch. Sau đêm diễn, đông đảo khán giả còn đứng lại, hỉ hả bàn tán và chụp ảnh cùng nghệ sĩ. Tín hiệu lạc quan này là món quà ý nghĩa đáp lại sự lao động của nghệ sĩ.
Sau hơn 30 năm, “Bệnh sĩ” được cắt gọn còn hơn một tiếng, nhiều chỗ điều chỉnh và làm mới để nêu bật mục tiêu đánh thẳng vào bi kịch háo danh của một bộ phận xã hội thời bấy giờ, tiêu biểu là ông chủ tịch xã Toàn Nha. Nghe lời quân sư quạt mo Văn Sửu (Xuân Bắc), ông Toàn Nha đổi tên xã Cà Hạ thành Hùng Tâm, dẫn đội quân lông gà lông vịt, làm pháo với mục tiêu trở thành điển hình về đổi mới và làm kinh tế.
Nếu ông Toàn Nha là vai điển hình cho bệnh háo danh, Văn Sửu với vai trò trợ lí lại là người dẫn dắt câu chuyện và đẩy bi kịch bệnh sĩ, háo danh đi xa hơn. Đạo diễn Tuấn Hải từng nói, vai của Xuân Bắc đậm chất hài và chuyển tải thông điệp của vở diễn. Anh chọn Xuân Bắc vào vai Văn Sửu để đảm bảo chuyển tải chủ đề vở diễn, vừa đảm bảo điều tiết các mảng miếng hài thư giãn cho khán giả.
“Bệnh sĩ” xoay quanh chuyện làng làm pháo mắc bệnh sĩ hão cách đây hơn 30 năm, nhưng nó vẫn còn nguyên giá trị tới ngày nay. Đó là câu chuyện về nhận thức, bởi một trong những thói tật của một bộ phận người Việt vẫn là thích được khen và bệnh thành tích. Sự hồ hởi của khán giả chứng tỏ tác phẩm vẫn có sức sống trong đời sống đương đại.
Chủ trương đưa các nhà hát trở lại sau COVID-19 do Bộ VHTTDL chủ trì. Ông Nguyễn Thái Bình, Người phát ngôn Bộ VHTTDL cho biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn được giao làm đầu mối chịu trách nhiệm điều phối chương trình, hỗ trợ kinh phí tối thiểu theo luật ngân sách để nhà hát chi trả thù lao tập vở.
Một số nhà hát đăng ký lên sàn diễn: Cướp biển của Liên đoàn xiếc Việt Nam tối 31/5 tại rạp xiếc Trung ương, Mặt trời Phương Đông (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam 12/6 tại nhà hát Âu Cơ), vở chèo Vân dại (13/6 tại rạp Kim Mã), Thân phận nàng Kiều (Nhà hát Múa rối Việt Nam, 20/6 tại Nhà hát Lớn), Tháng 6 trời mưa của Nhà hát Nghệ thuật đương đại (27/6 tại Nhà hát Lớn), Nhịp điệu ATK tại Trung tâm VHNT tỉnh Thái Nguyên, Chuyện tình Khau Vai của Nhà hát Cải Lương Việt Nam (11/7 tại Nhà hát Lớn), Hồ Thiên Nga (Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, 22/8 tại Nhà hát Lớn).
Bình luận