(VTC News)- Từ những lợi ích thiết thực của việc sử dụng sách giáo khoa mở, thạc sĩ Kim Ngọc Minh cho rằng Việt Nam nên áp dụng thí điểm mô hình này.
Thạc sĩ giáo dục Kim Ngọc Minh- thành viên đoàn tìm hiểu “Giáo dục trong thời đại số” tại Hoa Kỳ trong tháng 4/2014 đã chia sẻ với VTC News về chủ đề “sách giáo khoa mở”. Đây là một hướng mới giúp giảm chi phí đầu tư của nhà nước và người dân cho giáo dục.Vị chuyên gia này đã chỉ ra tính tất yếu trong việc dùng sách giáo khoa mở trong tương lai không xa vì chi phí rẻ và có thể lắp ghép, bổ sung dễ dàng. Sách giáo khoa mở sẽ giúp học sinh chỉ tốn 1/10 chi phí mua sách giáo khoa/ giáo trình truyền thống.
Sách giáo khoa mở là xu hướng tất yếu trong tương lai (Ảnh TT) |
Đề xuất thí điểm sách giáo khoa mở cho Việt Nam
Hiện tại đề án Chương trình và Sách giáo khoa mới đang được gấp rút chuẩn bị, và mới chỉ là "sách chưa mở" . Thạc sĩ Kim Ngọc Minh
Với thực tiễn từ Utah, thạc sĩ Kim Ngọc Minh đề xuất một hướng cho thí điểm nhỏ cho sách giáo khoa mở tại Việt Nam, làm luôn theo lộ trình 5 bước như sau.
Bước 1 - Chọn môn
Bộ GD-ĐT (sau đây gọi tắt là Bộ) lựa chọn 2 môn để thí điểm (tôi đề xuất đó là môn tiếng Anh và môn ICT (bao gồm kĩ năng, cách thức ứng xử khi sử dụng công nghệ thông tin-truyền thông cho học tập, giải trí, giao lưu. Kết hợp lập trình đơn giản) ).
Bước 2 - Lập Hội đồng chuyên môn
Uỷ ban quốc gia về đổi mới giáo dục lập Hội đồng này, gồm các nhà khoa học và các nhà sư phạm, đến từ hiệp hội chuyên ngành, trường sư phạm, viện nghiên cứu giáo dục, giáo viên giỏi..., kết hợp chuyên gia nước ngoài, để soạn chương trình khung đối với 2 môn trên.
Lưu ý: Có thể áp dụng luôn một khung của nước ngoài, từ đó ở bước 3 có thể chọn luôn 1 bộ "sách mở" sẵn có và tiến hành dịch thuật (hoặc áp dụng phù hợp với trường hợp sách dạy ngoại ngữ).
Bước 3 - Đặt hàng viết/dịch sách
Bộ đưa ra 2 gói ngân sách. Gói 1 dành cho Bộ tự tổ chức từ các chuyên gia sẵn có của mình, lập nên một nhóm viết sách/dịch sách trên chương trình khung này.
Gói 2, mở rộng rãi cho các nhóm chuyên gia bên ngoài tự đề xuất và tự viết, chia sẻ trên mạng, và chỉ được "chi trả" kèm theo cho phép triển khai đại trà khi Hội đồng chuyên môn thẩm định đáp ứng chương trình khung. (Gói 2 này được dành cho 2 nhóm làm sách đáp ứng được yêu cầu về nội dung, đồng thời đạt điểm cao nhất về hình thức thể hiện.)
Sách giáo khoa mở sẽ được chia sẻ miễn phí trên mạng
Bước 4 - Chia sẻ
Các bộ sách giáo khoa (của mỗi môn) sau khi qua thẩm định của Hội đồng chuyên môn và dạy thử nghiệm (vả chỉnh lý nếu cần), được giới thiệu, chia sẻ miễn phí trên mạng.
Bước 5 - Đặt tiêu chuẩn sách in
Hội đồng chuyên môn đưa ra bản in chuẩn để thẩm định bản in của các Nhà xuất bản. Tất cả các nhà xuất bản đăng kí và được chứng nhận bản in hợp chuẩn đều có thể xuất bản với giá bán cạnh tranh (mô hình chia sẻ doanh số với các tác giả, xử lý về tác quyền trong và ngoài nước với các nguồn dữ liệu mở hoặc có bản quyền, sẽ học hỏi cụ thể chi tiết từ các nước đi trước).
Kim Ngọc Minh.
Bình luận