Xung quanh tranh cãi về việc tích hợp môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, PV VTC News đã phỏng vấn thạc sỹ Trần Trung Hiếu -giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu- Nghệ An. Thầy Hiếu cũng có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông.
thạc sỹ Trần Trung Hiếu -giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu- Nghệ An |
Tôi và đại đa số giáo viên Sử phổ thông cho rằng sự “tích hợp” như vậy là hoàn toàn bất hợp lý với 3 lý do cơ bản.
|
Nếu lắp ghép Lịch Sử vào môn Giáo dục Công dân và Giáo dục Quốc phòng- An ninh chỉ là một sự lắp ghép cơ học những kiến thức lịch sử rời rạc, “những mảnh vỡ của lịch sử” và một môn học “tổng hợp” chưa từng có tiền lệ .
Sự lắp ghép này chắc chắn sẽ khiến cho hiểu biết của học sinh về lịch sử thiếu tính hệ thống, thiếu căn bản.
Thứ hai, về tính khả thi. Vấn đề quan đặt ra là ai sẽ là người dạy môn học “Công dân với Tổ quốc”; ai là những người biên soạn và biên soạn sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, học tập cho môn học “tổng hợp” liệu hoàn toàn có thể thực hiện được không ?
Thứ ba, về vấn đề chưa có tiền lệ. Việc dạy học tích hợp thì nhiều nước trên thế giới đã làm, nhưng việc tích hợp 3 môn vào một môn “Công dân với Tổ quốc”, việc lắp ghép môn Lịch Sử như một phân môn trong môn “Công dân với Tổ quốc” là một việc chưa có tiền lệ trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới.
Việc xé lẻ kiến thức Lịch Sử để đưa vào môn “Công dân với Tổ quốc” chỉ có ở Việt Nam, chưa từng có tiền lệ trong khu vực và trên thế giới.
Lịch sử dự kiến sẽ trở thành môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới |
- Tích hợp như vậy có khiến học sinh càng quay lưng với lịch sử không, thưa ông?
Như tôi đã nói, điều tôi lo ngại nhất là tính khả thi của vấn đề “tích hợp” môn Sử khi hiện nay chưa ai có thể hình dung được sách giáo khoa mới sẽ được viết như thế nào và dạy tích hợp môn “Công dân với Tổ quốc” ra sao, ai sẽ là những người dạy môn “tổng hợp” đó.
Trong khi các trường đại học sư phạm hiện nay ở nước ta và cả trên thế giới không đào tạo giáo viên dạy những môn lắp ghép những kiến thức “tổng hợp” như thế.
Những giáo viên đang dạy 3 môn đó sẽ được “đào tạo lại” như thế nào để dạy được môn “Công dân với Tổ quốc” ?
Những nghịch lý đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các môn học được gọi là “tích hợp” ở cấp THPT mà chưa ai có thể cân đo đong đếm được và môn Sử cũng không phải là ngoại lệ.
Cách lắp ghép 3 môn đó lại với nhau có lẽ chỉ đạt được mục tiêu giảm bớt số lượng môn học mà học sinh phải học để thi nhưng sẽ không đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông và phát triển toàn diện nhân cách con người .
Khi Lịch Sử đang là một học độc lập mà học sinh cũng không “mặn mà” thì việc môn Sử trở thành phân môn trong môn “Công dân với Tổ quốc” như thế chắc chắn càng làm cho học sinh xa dần và lãng quên Lịch Sử với tư cách là một tên gọi .
- Lãnh đạo Bộ GD-ĐT lý giải Lịch sử không hề bị coi nhẹ mà thâm chí còn được coi trọng hơn trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nội dung lịch sử còn được giáo dục tích hợp trong nhiều môn học khác và số tiết tích hợp này còn nhiều hơn so với hiện tại. Lý giải như vậy liệu có thỏa đáng?
Cách luận giải như thế có vẻ “uyên bác” về lý luận, nhưng chỉ là không tưởng. Nếu “mỗi lĩnh vực kiến thức phải được thực hiện trong nhiều môn học” thì chỉ có thể tạo ra sự trùng lặp, chồng chéo kiến thức nhiều hơn giữa các môn khác nhau mà thôi.
Đó là một sự bao biện khó chấp nhận “việc đã rồi” của lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Dù Bộ GD-ĐT có thuyết minh, giải thích như thế nào trước báo chí, truyền thông nhưng vẫn không thể phủ nhận được tên môn Lịch Sử không còn trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Một chương trình tổng thể đòi hỏi một tư duy tổng thể chứ không phải là một tư duy chắp vá, chủ quan và duy ý chí.
Cách giải thích về việc ghép môn Lịch Sử với một số môn khác cũng như cách lập luận những môn khác nhau đều có thể giáo dục lịch sử, thực chất là những lời biện hộ cho việc “khai tử” môn Lịch Sử, không hề có cơ sở khoa học.
Giật mình với câu trả lời hồn nhiên: ‘Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai bố con’
- Có chuyên gia cho rằng không nên đặt vấn đề để Lịch sử là môn độc lập hay tích hợp mà cần thay đổi về phương pháp giảng dạy của giáo viên, cách tiếp cận của học sinh. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, hai vấn đề này có mối quan hệ nhân quả và biện chứng lẫn nhau.
Vấn đề tối quan trọng đầu tiên là phải xác định được tên gọi, vị trí và vai trò của môn Lịch Sử trong nội dung Dự thảo rồi mới đến bàn những vấn đề khác.
Ngược lại, sự độc lập của môn Sử chỉ có ý nghĩa khi tên gọi của môn học này phải gắn liền với sự đổi mới đầu tiên từ sách giáo khoa Lịch Sử đến đổi mới phương pháp dạy học môn Sử đã có nhiều bất cập trong nhiều năm vừa qua.
Tích hợp môn Lịch sử liệu có khiến học sinh càng quay lưng với môn học này? |
- Là một giáo viên lịch sử giàu kinh nghiệm, việc dạy lịch sử ở trường phổ thông khó khăn nhất là điều gì, thưa ông ?
Khó khăn nhất chính là quan điểm, tư tưởng và cách nhìn nhận “bất thành văn” của lãnh đạo ngành giáo dục về môn Sử chỉ là “môn phụ”, tâm lý xã hội và phụ huynh học sinh không muốn dịnh hướng cho con em mình học và chọn môn Sử để thi tuyển sinh vào đại học.
Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân khách quan khiến nhiều giáo viên Sử phổ thông rơi vào tâm trạng tự ti, chán nản và dạy đối phó sau khi Bộ công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cuối tháng 8 vừa qua.
Bộ GD-ĐT hãy cứ đến gặp trực tiếp các giáo viên Sử phổ thông trên toàn quốc sẽ có câu trả lời chính xác nhất.
- Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng “không yên tâm với cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo” khi tích hợp môn Lịch sử. Cách làm của Bộ có khiến ông đồng tình ?
Cá nhân tôi và rất nhiều đồng nghiệp phổ thông phản đối việc tích hợp môn Lịch Sử. Đó là việc làm thiếu minh bạch, áp đặt và quá vội vàng.
Nếu Bộ GD-ĐT vẫn bảo thủ đến cùng về cái Dự thảo này, không chịu tham vấn sâu rộng các chuyên gia giáo dục, các nhà nghiên cứu, giảng dạy Lịch Sử, đặc biệt là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn Sử trên toàn quốc thì Dự thảo này sẽ đứng trước nguy cơ phá sản !
- Để học sinh yêu lịch sử, theo ông, lúc này chúng ta cần làm gì?
Trong khi vấn đề môn Sử chưa “ngã ngũ” trong Dự thảo này và khi chưa có sách giáo khoa mới, các giáo viên Sử phổ thông hãy luôn “làm tròn vai” của một giáo viên Sử từ xưa tới nay và hơn thế nữa, càng tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao nhất để học sinh đã yêu Sử và nay cũng không “chán” Sử.
Phạm Thịnh
Bình luận