• Zalo

Đề xuất thí điểm xe buýt dành riêng cho học sinh tại Hà Nội, TP.HCM

Tin nóngThứ Bảy, 26/10/2024 12:49:01 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng đề xuất đầu tư hệ thống xe buýt đưa đón học sinh có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, trước mắt thí điểm áp dụng ở Hà Nội và TP.HCM.

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 26/10, đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) nhận định, những năm gần đây, hệ thống cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, đặc biệt là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư nên tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn đã được cải thiện đáng kể.

"Tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM vẫn còn hiện tượng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Đây đang là vấn đề gây bức xúc cho người tham gia giao thông, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022, riêng tại TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng cho hay, ước tính việc ùn tắc giao thông đã gây thiệt hại khoảng 6 tỷ USD", đại biểu Vương Quốc Thắng nói.

Theo ông, hiện tượng ùn tắc này chỉ xuất hiện vào khung giờ cao điểm, tại một số địa điểm và tuyến đường nhất định.

Đại biểu Vương Quốc Thắng.

Đại biểu Vương Quốc Thắng.

Thời gian qua, Chính phủ và một số địa phương đã rất nỗ lực triển khai các biện pháp khắc phục như đầu tư áp dụng khoa học công nghệ, tăng chất lượng hệ thống hạ tầng và điều khiển tín hiệu giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông, lấn chiếm lòng, lề đường; nâng cao hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng; phân luồng hệ thống phương tiện giao thông; triển khai mô hình cho thuê xe đạp công cộng ở trong khu vực nội thành; điều chỉnh thời gian học tập, làm việc; hạn chế việc học sinh học trái tuyến... nhằm giảm số người tham gia giao thông ở khung giờ cao điểm.

Tuy nhiên, mức độ cải thiện tại một số vị trí và tuyến đường vẫn chưa rõ rệt - đặc biệt là khu vực trước cổng trường học phổ thông tại các khung giờ đưa và đón trẻ đi học.

"Trước thực trạng nêu trên, theo tôi, Chính phủ nên giao các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá để sớm có chính sách đầu tư áp dụng hệ thống xe buýt đưa đón học sinh có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, trước mắt thí điểm áp dụng ở Hà Nội và TP.HCM", vị đại biểu đoàn Quảng Nam đề xuất.

Theo ông Thắng, rất nhiều quốc gia trên thế giới đang vận hành hệ thống xe buýt riêng cho học sinh phổ thông. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào hệ thống xe buýt và quá trình vận hành giúp giảm thiểu rủi ro cho người tham gia, tăng hiệu suất, hiệu quả vận chuyển, như: Lắp đặt các thiết bị định vị xe; áp dụng hệ thống tối ưu hóa lộ trình di chuyển và điểm đón; sử dụng hệ thống camera thông minh bao gồm tính năng xác định người còn sót ở trên xe (nếu có)…

Tại Việt Nam, một số thành phố lớn đã có hệ thống xe đưa đón học sinh nhưng chỉ mới áp dụng ở một số cơ sở giáo dục tư thục. Hệ thống này chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu của bộ phận rất nhỏ người dân, chi phí tương đối cao, chưa phù hợp với khả năng chi trả của số đông. 

Đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng, nếu mô hình xe buýt đưa đón học sinh được áp dụng rộng rãi với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, hiệu quả của nó sẽ tác động rõ rệt đến tình hình kinh tế - xã hội, như: Cải thiện ùn tắc ở các thành phố lớn, đặc biệt là trước các cổng trường; giảm phát thải khói bụi gây ô nhiễm thành phố; giảm gánh nặng đưa đón của phụ huynh. Nhờ đó, phụ huynh có thể tập trung thời gian, trí tuệ để làm việc hiệu quả hơn, thúc đẩy năng suất lao động đi lên...

Theo ông Thắng, mô hình xe buýt đưa đón học sinh còn giúp cải thiện việc quản lý học sinh trước và sau giờ học, hạn chế các hoạt động tiêu cực, thậm chí là tệ nạn xã hội.

Bình luận
vtcnews.vn