Chiều 17/9, bên lề sự kiện ký kết chương trình phối hợp giữa Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã dành thời gian trao đổi với báo chí về một số quan điểm trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam hiện nay thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao trên thế giới và khu vực. Trong khi đó, số ngày nghỉ lễ, tết trong năm hiện nay rất thấp. Vì thế, đơn vị này kiến nghị tăng ít nhất 3 ngày nghỉ lễ trong năm.
“Ở nước ta, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư, địa hình đất nước ta lại trải dài theo hình chữ S, nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ là cần thiết”, ông Quảng nói.
Ông cho hay, Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã họp và thống nhất sẽ kiến nghị đề xuất tăng số ngày nghỉ trong năm thêm 3 ngày, nâng tổng số ngày nghỉ của Việt nam lên con số 13 ngày.
Có 2 phương án được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự kiến đề xuất.
Phương án 1: Nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ 2 đến 5/9 hàng năm.
Phương án 2: Nghỉ 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và 2 ngày thêm vào dịp nghỉ Tết Dương lịch.
Theo lý giải của ông Quảng, Quốc khánh là dịp các gia đình chuẩn bị cho ngày khai giảng nên nếu thêm ngày nghỉ, người lao động sẽ có thời gian chăm sóc con cái, chuẩn bị cho con ngày đến trường.
Tiếp đó, dịp từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm cũng không có ngày nghỉ nên đề xuất nghỉ ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Ngày nghỉ tăng thêm thứ ba là vào dịp Tết Dương lịch.
Về thời gian lao động, Tổng Liên đoàn mong muốn không đặt hết gánh nặng tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động lên đôi vai người lao động, mà cần đánh giá đúng hơn trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Theo đó, đơn vị này đề nghị xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ 48 xuống 44 giờ trong một tuần.
Bình luận