Trong phần thảo luận cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về dự án Luật Đo đạc và bản đồ tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nhiều ý kiến đại biểu cho rằng ngoài nhiệm vụ an ninh và quốc phòng, các cá nhân, tổ chức khi sử dụng dữ liệu đo đạc, bản đồ phải trả phí vì đây là tài nguyên quốc gia.
Vì thế, khi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng những thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc, bản đồ phải trích dẫn nguồn và kéo theo đó là thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan.
Trong khi đó, “luật gốc” quy định về vấn đề này (Luật Phí và lệ phí) lại xác định đối tượng được miễn, giảm phí, lệ phí theo hướng cá thể hóa, gồm trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Luật Phí và lệ phí chỉ mở rộng miễn các khoản thu này cho hộ nghèo và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành yêu cầu thực hiện quyền tác giả với thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ vốn thuộc sở hữu của Nhà nước (do sử dụng ngân sách Nhà nước).
Từ góc độ thực tiễn, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này, vẫn có ý kiến giữ đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong Luật này việc cung cấp miễn phí thông tin, dữ liệu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cấp bách.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng phải quy định cụ thể hơn về những trường hợp thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công Nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, việc cung cấp thông tin về bản đồ là cần thiết vì đây còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế...
Tuy nhiên, khi sử dụng thông tin bản đồ, cơ sở dữ liệu của quốc gia, trừ một số trường hợp đặc biệt, còn lại phải trả phí.
Đồng quan điểm trên, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, trong phần quy định về những trường hợp sử dụng thông tin bản đồ, dữ liệu đo đạc cho các đơn vị quốc phòng cũng cần cụ thể hóa các đối tượng.
Cụ thể, chỉ những đơn vị quốc phòng nào thực hiện nhiệm vụ quốc phòng thì mới được miễn phí, còn lại các đơn vị khác như doanh nghiệp quốc phòng thì vẫn phải trả phí như bình thường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề xuất: “Quy định thu lệ phí khi sử dụng thông tin bản đồ, đo đạc đối với Bộ quốc phòng phải rõ ràng. Nếu không, nhỡ mai kia dính đến Bộ Quốc phòng lại rất khó.
Những thông tin thu lệ phí và miễn lệ phí đối với Bộ Quốc phòng nên đi theo hướng những doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng mà không liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng vẫn phải nộp lệ phí như các doanh nghiệp khác. Nếu không thì dễ sinh ra những tiêu cực”.
Đóng góp ý kiến cho dự án Luật Đo đạc và bản đồ, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng nên bỏ từ Atlat ra khỏi luật. Giải thích điều này, ông Giàu cho biết nên gọi là bản đồ hoặc tập bản đồ cho dễ hiểu, vì Atlat là tiếng Anh, khó phổ cập trong dân, khiến cách hiểu bị phức tạp.
Trong khi đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội đề xuất cần có sự thống nhất về cơ sở dữ liệu của bản đồ cả nước nói chung.
Ông Thanh đễ xuất: “Chúng ta nói đến công nghệ 4.0, thế thì cần phải định hướng rõ hơn, quy định, xem xét rõ hơn việc cho một số đơn vị được sử dụng miễn phí bản đồ, ví dụ như quốc phòng, an ninh, cứu hộ, thiên tai...
Những thông tin gì đó liên quan đến bí mật quốc gia thì phải giữ lại. Còn những gì không cần bí mật thì cần có sơ đồ hóa hệ thống dữ liệu liên quan đến đất đai, địa chất, địa mạo. Nên có phần mềm quản lý thống nhất, dữ liệu thống nhất, tránh việc phần mềm không tích hợp được với nhau”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định thì băn khoăn dùng từ “lệ phí” trong văn bản Luật. Ông Định đề xuất nên sửa chữ “phí” thành “giá”, hoặc thành “chi phí”, vì dùng từ phí thì sẽ hạn chế.
“Đề nghị cung cấp miễn phí là trường hợp chỉ có đơn vị công thực hiện. Còn thực tế khi thực hiện đo đạc bản đồ thì có thể có cả tư nhân và nước ngoài đo, nên cần phải trả phí cho nước ngoài thì những ai sử dụng thông tin bản đồ vẫn phải trả, kể cả Bộ Quốc phòng”, ông Định đề xuất.
Phiên họp thứ 22 của UBTVQH sẽ diễn ra trong 2 đợt.
Cụ thể, đợt 1 diễn ra từ 12-13/3, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; dự án Luật Đo đạc và bản đồ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Đợt 2, diễn ra từ 19-20/3, UBTVQH tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và cho ý kiến lần 2 về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Bình luận