Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 về điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT). Quyết định này quy định các nội dung về địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân; chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu nhà nước; mục tiêu, nguyên tắc hoạt động; vốn điều lệ; chức năng, nhiệm vụ; trách nhiệm, quyền hạn; cơ cấu tổ chức quản lý của NHPT.
Tuy nhiên cần phải rà soát, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của NHPT để đồng bộ với Luật Các tổ chức tín dụng, cũng như phù hợp với chủ trương cơ cấu lại, định hướng hoạt động NHPT giai đoạn 2023-2027 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng tiệm cận với ngân hàng thương mại.
Việc ban hành Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của NHPT nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, khắc phục một số các tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai tổ chức và hoạt động của NHPT thời gian qua; đồng thời tạo khuôn khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, góp phần thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại và định hướng hoạt động của NHPT giai đoạn 2023-2027 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển là 30.000 tỷ đồng
Theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 1515/QĐ-TTg và Nghị định số 46/2021/NĐ-CP quy định vốn điều lệ của NHPT là 30.000 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp và được bổ sung từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển hoặc các nguồn khác theo quy định; việc thay đổi mức vốn điều lệ do Thủ tướng quyết định trên cơ sở đề nghị của NHPT và ý kiến của Bộ Tài chính, đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn của NHPT trong từng thời kỳ.
Thực tế triển khai tại NHPT, tính đến cuối năm 2023, mức vốn điều lệ của NHPT ghi nhận mới đạt 15.086 tỷ đồng, trong giai đoạn 2013-2023, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung vốn điều lệ cho NHPT.
Theo phương án cơ cấu lại NHPT do Ban cán sự đảng Bộ Tài chính báo cáo Bộ Chính trị đã đề xuất giải pháp cấp bổ sung vốn điều lệ cho NHPT theo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng giao hàng năm, sau khi NHPT bù đắp hết lỗ lũy kế phát sinh.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2021/NĐ-CP, trong đó đã quy định chi tiết nội dung liên quan đến bổ sung vốn điều lệ NHPT theo hướng NHPT được ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ hằng năm để đạt tỷ lệ tăng trưởng vốn điều lệ bằng với tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng đầu tư của Nhà nước được Thủ tướng giao khi đáp ứng đủ các điều kiện.
Căn cứ tình hình trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định nội dung về vốn điều lệ của NHPT tại dự thảo Nghị định theo hướng: Vốn điều lệ của NHPT là 30.000 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp và được bổ sung từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định pháp luật. Việc bổ sung, thay đổi mức vốn điều lệ của NHPT thực hiện theo quy định của pháp luật về chế độ quản lý tài chính của NHPT.
Cơ cấu tổ chức quản lý và điều hành Ngân hàng phát triển
Theo quy định tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg, cơ cấu tổ chức quản lý của NHPT bao gồm: Hội đồng quản trị; Ban kiểm soát; Tổng giám đốc và bộ máy giúp việc.
Về bộ máy giúp việc, theo Quyết định 1515/QĐ-TTg, chỉ quy định Tổng giám đốc có bộ máy giúp việc, tuy nhiên trên thực tế triển khai, Hội đồng quản trị NHPT có bộ máy giúp việc là Ban thư ký và một số bộ phận chuyên môn; đồng thời, Ban kiểm soát có bộ máy giúp việc là bộ phận giúp việc và bộ phận kiểm toán nội bộ.
Căn cứ tình hình trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định nội dung về cơ cấu tổ chức quản lý của NHPT theo hướng bổ sung quy định về bộ máy giúp việc cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát so với quy định tại Điều 12 Quyết định số 1515/QĐ-TTg.
Bình luận