• Zalo

Đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang, chuyên gia: Không có lý do gì để duy trì các doanh nghiệp thuộc cơ quan Đảng

Thời sựThứ Năm, 07/06/2018 06:45:00 +07:00Google News

Chuyên gia cho rằng các dấu hiệu vi phạm trong vụ chuyển nhượng hơn 32,5 ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè của Công ty Tân Thuận là “vấn đề lớn”, cho thấy việc để doanh nghiệp trong cơ quan Đảng sẽ xảy ra nhiều hệ luỵ tiêu cực và “cần có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để”.

Vụ việc Công ty Tân Thuận (trực thuộc Thành ủy TP.HCM) chuyển nhượng khu đất 32,5 ha tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai không được sự đồng ý của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM khiến dư luận xôn xao thời gian qua.

Thành ủy TP.HCM cho rằng vụ chuyển nhượng đất trái với nghị định của Chính phủ, nếu không kịp thời phát hiện và hủy hợp đồng thì sẽ gây thiệt hại lớn.

Ngày 2/6, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM họp thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy.

thanh-cang-1848048 9

Ban Thường vụ Thành ủy TP nhận định ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM - có trách nhiệm trong vụ việc và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm việc chuyển nhượng đất đã đền bù của Công ty Tân Thuận, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét. 

Ông Tất Thành Cang những vi phạm: quyết định không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước, về kinh doanh bất động sản, không bảo đảm quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ Thành phố và thiếu kiểm tra trong triển khai thực hiện các quyết định của mình.

Ban thường vụ Thành ủy giao Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy tập hợp đầy đủ hồ sơ tài liệu có liên quan để gửi báo cáo Ủy ban kiểm tra Trung ương xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Trước sự việc này, nhiều câu hỏi được đặt ra, trong đó có vấn đề về sự tồn tại của những doanh nghiệp trực thuộc cơ quan Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Trả lời PV VTC News, các chuyên gia kinh tế cho rằng những vấn đề này cần được làm rõ để kiến tạo khung khổ pháp lý minh bạch cho nền kinh tế thị trường.

“Vấn đề lớn”

Trả lời PV VTC News, tiến sỹ kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng cần làm rõ khi các doanh nghiệp trực thuộc cơ quan Đảng sở hữu thì quản lý như thế nào, có hợp lý, có phù hợp hay không?

IMG_0804 6

 Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. 

Ông Thành nói: “Thứ nhất, Việt Nam mình có đặc thù là Đảng lãnh đạo. Nên việc Đảng có các công ty để làm kinh tế là vấn đề rất lớn. Hoạt động của Đảng đã có ngân sách quốc gia đảm đương, thêm các công ty kinh doanh để làm gì?

Thứ hai, đất của nhân dân, do nhà nước quản lý, lại biến thành đất của các doanh nghiệp trực thuộc Thành uỷ là sao. Cái đó là vấn đề. Cũng cần làm rõ khi các doanh nghiệp trực thuộc Đảng sở hữu thì quản lý như thế nào, có hợp lý, có phù hợp hay không?”

 
 Việc Đảng có các công ty để làm kinh tế là vấn đề rất lớn. Hoạt động của Đảng đã có ngân sách quốc gia đảm đương, thêm các công ty kinh doanh để làm gì?

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Theo ông Thành, vụ việc công ty Tân Thuận rõ ràng có vấn đề: “Đó là đất bạc chứ chưa nói đất vàng mà bán với giá bèo là sao? Đất đai của nhà nước mà bán chuyền tay với giá bèo như thế là có vấn đề nên cần làm sáng tỏ, không để thành điểm đen ảnh hưởng đến uy tín của Đảng”.

“Những người nào có trách nhiệm phải xử lý cho đúng. Tôi cho rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng thôi chứ ở dưới còn bao nhiêu trường hợp như thế nữa”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.

Để kiến tạo môi trường minh bạch cho phát triển kinh tế, ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh cần làm rõ và minh bạch các nguồn lực xã hội, trong đó có tài sản là đất đai.

“Đất đai của nhân dân mà biến thành tài sản riêng rồi bán cho tư nhân với giá bèo bọt thế để làm lợi cho một số người là như thế nào? Đây không phải là việc riêng lẻ mà là vấn đề bao trùm, như việc bán đất công sản giá rẻ ở Đà Nẵng… Dư luận cần phải được biết rõ. Doanh nghiệp trực thuộc Thành uỷ mà vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật quản lý là không được”, ông Thành nói

“Hiện tại, tôi không thấy lý do gì để duy trì các doanh nghiệp trực thuộc như thế”, ông Thành nói thêm.

“Nên thu hẹp, tiến tới xoá bỏ”

Chia sẻ với VTC News, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng giai đoạn 1996 – 2006 nói không nên duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp trực thuộc cơ quan Đảng.

“Tôi xin nói thẳng thế này, giờ nên thu hẹp dần tiến tới xoá bỏ các doanh nghiệp trực thuộc Đảng quản lý. Các đoàn thể làm các công việc của các đoàn thể chứ đi làm kinh tế, làm kinh doanh, việc đó là không đúng”, bà Phạm Chi Lan nói.

Pham-Chi-Lan-dieu-kien-kinh-doanh-VNF 8

Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng giai đoạn 1996 – 2006.  

Theo bà Lan, ngày xưa, kinh tế còn khó khăn thì có thể cho một số nơi làm kinh doanh để bổ sung kinh phí cho hoạt động, nhưng bây giờ, điều kiện hoạt động đã khác nhiều rồi, các tổ chức này đã có ngân sách chi cho những khoản tiền rất lớn. Nếu các tổ chức chính trị cần, ngân sách sẽ chi, chứ không nên để kinh doanh.

Vẫn theo bà Phạm Chi Lan, các doanh nghiệp này khi kinh doanh lại cho các quyền rất lớn, như kinh doanh đất đai. Trong khi, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhiều vấn đề trong dân liên quan tới đất đai gần đây “rất nóng”.

“Thậm chí khi khi doanh lại vi phạm các quy định pháp luật, như vụ của Công ty Tân Thuận chuyển nhượng khu đất 32,5ha tại xã Phước Kiển, Nhà Bè cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai”, bà Lan dẫn chứng.

“Tôi nghĩ về lâu dài là phải dẹp đi. Chứ không, doanh nghiệp vẫn lợi dụng tư cách doanh nghiệp trực thuộc Đảng, khiến cạnh tranh không lành mạnh làm méo mó thị trường. Thậm chí, chân trong chân ngoài, rất dễ tự tung tự tác, gây hệ luỵ nhiều hơn”, bà Phạm Chi Lan nói thêm.

Vẫn theo bà Lan, trong những năm vừa qua, nhà nước nỗ lực cổ phần hoá doanh nghiệp nhưng hiện, vẫn còn khoảng 3000 công ty thuộc các tổ chức Đảng, đoàn thể.

“Phải xem lại chứ không chỉ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thôi. Năm ngoái cũng đã từng thảo luận về việc quân đội có nên làm kinh tế hay không, tôi nghĩ nó cũng như câu hỏi Đảng có nên làm kinh tế hay không? Các đoàn thể có nên làm kinh tế hay không?

Quân đội không nên làm, các đơn vị khác cũng không nên làm. Việc kinh doanh là của xã hội, để xã hội làm, người ta làm trong môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, có thu nhập, đóng thuế. Nhà nước lấy thuế đó chi cho hoạt động cho các đoàn thể”, chuyên gia Phạm Chi Lan quan điểm.

Theo bà Lan, trường hợp nếu nhà nước thấy việc gì các đoàn thể làm được thì nhà nước trả tiền cho đoàn thể đó làm, chứ không phải lợi dung danh nghĩa đó mà đứng ra kinh doanh tùm lum, nhất là kinh doanh trên tài sản công.

“Các công ty như thế này chắc chắn làm méo mó thị trường, bởi quyền lực rất lớn. Doanh nghiệp nhà nước còn có đơn vị giám sát chứ đơn vị thuộc Đảng thì chỉ có Đảng trực tiếp giám sát, nhiều khi thoát ra khỏi hệ thống pháp luật, thuế… nhất là quyền sử dụng đất đai. Và khi họ làm như vậy thì lợi ích thuộc về ai?”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn