Tại Hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026”, Bộ Nội vụ đưa ra ý kiến đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ rút gọn số Bộ, cơ quan ngang Bộ từ 22 xuống còn 20.
Theo đó, đề xuất hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Tài chính - Kế hoạch Đầu tư ; Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.
Về cơ cấu nhân sự của Chính phủ gồm: Thủ tướng; 4 Phó Thủ tướng và 20 Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Trả lời VTC News, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng đây là chủ trương mà Nghị quyết 18 Trung ương đã nêu trong vấn đề tổ chức bộ máy.
"Chắc chắn sẽ cần được thảo luận kỹ lưỡng trước khi đưa ra đề án", ông Thưởng nêu quan điểm.
Theo ông Thưởng, bộ máy hiện nay được đánh giá là cồng kềnh như trong Nghị quyết của Trung ương đã nêu. Việc sáp nhập, thu gọn các chức danh sẽ giúp gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm ngân sách trả lương, đồng thời tăng hiệu lực, hiệu quả làm việc.
Đối với chức danh Phó Thủ tướng, việc xém xét giảm số lượng cũng nên phù hợp với chủ trương chung của Trung ương Đảng.
Tuy nhiên, ông Thưởng lưu ý: “Việc rút gọn bộ máy là tốt nhưng phải trên cơ sở là các Bộ sáp nhập đồng tình, đồng thuận. Phải có chính sách cho những cán bộ của các Bộ được sáp nhập không bị ảnh hưởng, tránh những vấn đề phát sinh”.
Cùng quan điểm, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc rút gọn đầu mối để tập trung lãnh đạo và quyết đáp các vấn đề nhanh chóng sẽ đảm bảo hiệu quả điều hành, thực hiện các chủ trương, chính sách đường lối của Đảng, Chính phủ.
“Hiện nay, khi chuẩn bị đến giai đoạn mới thì cần phải có sự tổng kết, nếu Chính phủ đã làm kỹ việc tổng kết, nghiên cứu để rút ra những việc cần phải đổi mới, cần phải sửa đổi thì việc giảm đi những đầu mối không cần thiết là điều rất tốt”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, Nghị quyết của Đảng đã nêu rõ bộ máy phải gọn nhẹ và hiệu lực, hiệu quả, cho nên để thực hiện được việc đó thì bộ máy phải tổ chức lại, phải “gọn và tinh”.
Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng cho rằng, việc tinh giản, rút gọn bộ máy thì công tác lựa chọn cán bộ là đặc biệt quan trọng, cần phải lựa chọn người tài và phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát.
Liên quan đến việc này, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc sắp xếp lại bộ máy Chính phủ sẽ góp phần giảm thiểu các đơn vị, các bộ ngành trùng lặp chức năng, chồng chéo. Theo ông Hoà, đề xuất từ 22 Bộ xuống còn 20 Bộ hoàn toàn có thể làm được, mang tính khả thi.
Cụ thể, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trùng lặp chức năng nên cần sáp nhập lại; Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng có mối quan hệ tương đồng nhau nên việc sáp nhập lại là cần thiết; Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có sự trùng lặp nên có thể hoán chuyển nhiệm vụ với nhau, chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đồng tình với đề xuất sắp xếp, tinh giản lại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng những đề xuất này là rất hợp lý.
Khi cấp huyện và xã làm được thì cấp Bộ ngành cũng hoàn toàn có thể thực hiện được. Có thể sẽ có nhiều ý kiến phản đối, không đồng tình vì khi sắp xếp sẽ có nhiều người mất chức, mất quyền, giảm biên chế.
Ông Hoà lấy ví dụ ở Trung Quốc đông dân nhưng số Bộ ngành của họ còn ít hơn chúng ta mà vẫn quản lý, điều hành có hiệu quả. Do vậy cần được giải quyết hợp tình, hợp lý để không chồng chéo chức năng mà vẫn thực hiện nhiệm vụ trơn tru, hiệu quả, từ đó không gây phiền hà cho người dân, cho cấp dưới.
Theo ông Hòa, ban đầu việc sắp xếp sẽ gặp nhiều khó khăn về vấn đề nhân sự, con người. Mỗi Bộ sẽ có hàng nghìn cán bộ, nhân viên và nhiều cục, vụ. Tuy nhiên, những khó khăn đó không phải là rào cản, chỉ cần hợp lý và có quyết tâm thì sẽ làm được.
Vị đại biểu Đồng Tháp cho rằng khi sáp nhập các bộ ngành cần làm công tác tư tưởng, chính sách cho cán bộ.
"Làm sao cho họ yên tâm, hài lòng và được một chế độ chính sách thì dù cán bộ không làm trong cơ quan nhà nước nhưng vẫn đảm bảo được cuộc sống của bản thân", vị đại biểu Đồng Tháp nêu ý kiến.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng việc sắp xếp, sáp nhập các Bộ ngành, các cơ quan trùng lặp sẽ mang lại hiệu quả cao và được người dân đồng thuận. Vệc sắp xếp những vị trí cụ thể ra sao, vị trí nào những người làm công tác tổ chức cán bộ sẽ phải tính toán.
Bình luận