Video: GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng PGS.TS Bùi Hiền chưa nghĩ đến hậu quả của việc thay đổi chữ viết tiếng Việt
Những ngày qua, đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt" của PGS.TS Bùi Hiền nhận được nhiều ý kiến tranh luận.
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ để hiểu rõ hơn về đề xuất của PGS.TS. Bùi Hiền nói riêng và vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ nói chung.
Những đề xuất của PGS Bùi Hiền không mới
- Ông có bất ngờ với đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền không?
Tôi không hề bất ngờ, nếu không muốn nói là đã quá quen với những đề xuất như thế này. Việc cải tiến chữ Quốc ngữ được người ta nói rất nhiều từ hơn một thế kỷ nay.
Vào cuối thế kỷ XIX, một số học giả người Pháp đã đặt vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ. Sau đó, đầu thế kỷ XX, ông Nguyễn Văn Vĩnh nêu lại vấn đề này trên tờ Trung Bắc Tân Văn.
Sang những năm 50-60 của thế kỷ XX, ở cả miền Bắc và miền Nam, nhiều đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ.
Những năm 70 tiếp tục có nhiều hội thảo bàn về chuẩn mực hóa chính tả và thuật ngữ khoa học. Đến những năm 90, thỉnh thoảng vẫn có những ý kiến đề xuất về vấn đề này.
Tuy nhiên, đến nay, không có cuộc cải tiến chữ Quốc ngữ nào được thực hiện, dù rất nhiều đề xuất được đưa ra.
- Đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền có gì đặc biệt so với những đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ trước đó và tính khả thi của nó ra sao?
Những vấn đề mà PGS.TS Bùi Hiền đề xuất không có gì mới, còn những giải pháp mà ông đưa ra thì rối rắm hơn các đề xuất trước đó rất nhiều.
Những ngày qua, nhiều người, trong đó có phụ huynh và học sinh, lo lắng rằng lại sắp có cuộc cải tiến chữ viết, sắp có sự xáo trộn trong giáo dục. Với kinh nghiệm của mình, tôi tin tưởng sẽ không có thay đổi nào về chữ viết cả.
Ý kiến của PGS Bùi Hiền nêu ra chỉ là quan điểm cá nhân để giới khoa học xem xét. Tôi tin phần đông nhà ngôn ngữ học, cũng như các nhà quản lý giáo dục, sẽ không đồng tình và chắc chắn nó sẽ không đi đến đâu cả.
- Ông nghĩ gì về việc mọi người miệt thị, xúc phạm đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền?
Tôi thực sự cảm thấy bất bình về những ý kiến miệt thị, xúc phạm, công kích công trình khoa học, cũng như cá nhân PGS.TS Bùi Hiền.
Trong những lĩnh vực khác thì sự cách mạng, đổi mới là cần thiết nhưng đối với chữ viết, sự ổn định là cần thiết hơn. Bởi vì, chữ viết đã trở thành một phần của văn hóa.
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm
Người Việt Nam dường như rất khoái trá khi có đông người cùng hùa nhau làm việc gì đó, trong khi mỗi người trong số đó ít suy nghĩ thấu đáo về việc đó như thế nào.
Cứ có một like là có hàng trăm cái like tiếp theo, hễ có một người ném đá thì sẽ có hàng tấn gạch đá ném theo. Cách ứng xử này gần như đã trở thành "đặc sản" tính cộng đồng làng xã của chúng ta và không biết đến bao giờ mới khắc phục được. Trong khi đó, mạng xã hội lại đang trở thành công cụ hữu hiệu tiếp tay cho thói xấu này.
Điều này ở văn hóa phương Tây rất hiếm khi xảy ra, vì mỗi người khi nói, làm gì đều có bản lĩnh để suy nghĩ và chịu trách nhiệm cá nhân về ý kiến của mình.
Không nên cải cách chữ viết tiếng Việt
- Nhiều người cho rằng nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền không có cơ sở khoa học, rời xa thực tế. Giáo sư có đồng ý với ý kiến này không?
PGS.TS Bùi Hiền vốn là nhà Nga ngữ học. Dù rằng giảng dạy và nghiên cứu tiếng Nga thuộc về ngôn ngữ học ứng dụng thì cũng không thể nói rằng PGS.TS Bùi Hiền không biết gì, rằng đề xuất của ông là không có cơ sở khoa học.
Những đề xuất của PGS.TS. Bùi Hiền căn cứ trên một số điều được gọi là bất hợp lý của chữ Việt, ví dụ một âm vị được biểu đạt bằng hai hoặc ba chữ cái ghép lại, cùng là một âm nhưng được thể hiện bằng nhiều chữ cái hoặc tổ hợp chữ cái khác nhau (như i/y, tr/ch/gi...).
Những điều này, người ta đã nói đến từ lâu. Thế nên, cơ sở để đưa ra đề xuất như vậy không phải không có. Nhưng việc thay đổi chữ Quốc ngữ liên quan rất nhiều vấn đề chứ không chỉ đơn thuần là tính logic thuần túy.
- Vậy đề xuất thay đổi chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền có điều gì chưa hợp lý về mặt khoa học?
Về mặt khoa học, đề xuất này liên quan mâu thuẫn giữa một bên là tính biến động của ngôn ngữ với bên kia là tính ổn định của chữ viết.
Ngôn ngữ vốn luôn luôn biến động, thay đổi, trong khi chữ viết thì đứng yên. Do vậy, ngôn ngữ nào cũng có tình trạng bất hợp lý về chữ viết so với cách phát âm, không riêng gì tiếng Việt.
Nếu bây giờ chúng ta thay đổi để tối ưu hóa chữ Quốc ngữ, vài chục năm sau đề xuất hôm nay cũng sẽ lại trở nên không hợp lý, lỗi thời. Liệu lúc đó chúng ta có tiếp tục cải tiến nữa, có tiếp tục thay đổi mãi hay không?
Chữ viết tiếng Anh so với cách phát âm của tiếng Anh còn bất hợp lý hơn gấp nhiều lần so với chữ Quốc ngữ của chúng ta. Chữ và tiếng Pháp cũng vậy.
Thế kỷ XIX, nhiều người từng đặt vấn đề cải tiến chữ Anh, chữ Pháp, nhưng rồi tất cả vẫn phải giữ nguyên. Điều này không phải không có lý do của nó.
Mặt khác, chữ viết không chỉ thay đổi hàng ngày hàng giờ theo trục thời gian mà còn có sự khác biệt giữa các vùng miền theo trục không gian.
Nếu người miền Bắc không phân biệt được tr/ch/gi thì người miền Nam lại phân biệt rất rõ. Do đó, nếu đề xuất này phù hợp miền Bắc thì sẽ không phù hợp cho miền Nam.
Đặt vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ “dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn” là thiếu tôn trọng các vùng miền khác.
Đã qua từ lâu rồi cái thời tư duy theo kiểu áp đặt lấy giọng thủ đô làm chuẩn mực cho cả nước. Đối với nước ta, điều đó càng không đúng bởi vì trải dài với 3 miền văn hóa khác nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà cả trong những năm tháng chiến tranh lẫn hiện nay, Đài tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình ở cả Hà Nội lẫn TP.HCM đều luôn có giọng đọc của hai miền Nam, Bắc.
Sự phân biệt chính tả “tr/ch/gi” tưởng như rắc rối vô nghĩa nhưng sẽ giúp các cô giáo dạy học trò cách phân biệt được nghĩa của các từ ngữ, nguồn gốc của từ ngữ được dễ dàng hơn. Ngay cả trong tiếng Bắc thì âm [za] trong “da thịt” có ý nghĩa và nguồn gốc khác hẳn với [za] trong “gia đình”. Việc phân biệt bằng chữ viết sẽ giúp hiểu và nhớ điều này dễ hơn rất nhiều.
- Còn xét về những mặt khác, đề xuất này có hợp lý hay không?
Về mặt văn hóa, việc viết chữ như thế nào suy cho cùng chỉ là quy ước. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nó đã trở thành tài sản văn hóa của dân tộc.
Người Việt Nam bao thế hệ đã quen với cách viết như vậy rồi, hình hài của chữ viết đã đi sâu vào tiềm thức con người. Bất kỳ cách viết nào khác nếu được áp dụng sẽ gây khó chịu, gây phản cảm.
GS Cao Xuân Hạo có lần nói đại ý rằng khi người ta đã có nhiều thế kỷ để quen với diện mạo văn tự của các từ ngữ, diện mạo ấy sẽ trở thành cái hồn của chữ nghĩa, và “mọi mưu đồ cải cách đều là một sự xúc phạm đến truyền thống văn hóa”.
Về mặt kinh tế, đề xuất của ông Bùi Hiền nếu áp dụng cho các em bé vào lớp một thì không khó khăn gì, nhưng sẽ là vấn đề rất lớn đối với gần 100 triệu người Việt Nam còn lại.
Ví như một đoạn trong văn bản Luật giáo dục mà ông Bùi Hiền đưa ra, nếu không có bản dịch phía dưới chắc chắn sẽ có rất nhiều người không đọc được. Có nghĩa rằng đây sẽ là một thứ chữ viết mới, và chúng ta lại phải đi học thêm thứ chữ viết mới này.
Toàn bộ sách vở, văn chương, khoa học phải dịch và in lại. Số tiền tiết kiệm được từ việc rút 38 chữ cái xuống còn 31 chữ liệu có bù đắp được không? Hay là ngược lại, sự thiệt hại về kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều lần?
Về sự tiện lợi, kết quả cũng là ngược lại. Các quốc gia trên thế giới từng tiến hành cải cách chữ viết đều có vấn đề được/mất tương tự. Điển hình như chữ viết Trung Quốc.
Chúng ta biết chữ viết truyền thống của Trung Quốc là phồn thể, rất nhiều nét và khó nhớ. Vì vậy, vào những năm 50, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chấp nhận chữ Hoa giản thể, giảm bớt các nét đi cho gọn lại. Những người đã biết chữ đều phải học lại từ đầu.
Đến nay, người ta vẫn luôn phải dùng từ điển để chuyển đổi từ phồn thể sang giản thể và ngược lại. Vốn văn hóa lưu giữ trong chữ Hán phồn thể gần như mất hết. Sau đó thêm chữ Hoa phiên âm Latinh nữa, khiến cho một người học tiếng Trung Quốc gần như phải học đến 3 thứ chữ viết khác nhau.
Cho nên, việc thay đổi chữ viết, không phải cứ muốn là được, vì mọi sự thay đổi ở đây sẽ dẫn đến việc đảo lộn trong rất nhiều vấn đề, rất nhiều lĩnh vực và kéo theo vô số hậu quả phức tạp.
Video: Xôn xao cải cách "tiếng Việt" thành "tiếq Việt"
- Liệu trong tương lai chúng ta có cần cải tiến chữ Quốc ngữ hay không?
Tôi cho là không bao giờ. Nếu là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ am hiểu sâu sắc vấn đề thì sẽ không bao giờ đưa ra đề xuất cải tiến chữ viết mang tính đảo lộn.
Một nhà quản lý dày dặn kinh nghiệm cũng không bao giờ chấp nhận đề xuất cải tiến chữ viết mang tính đảo lộn. Để thông qua những việc như thế này, không phụ thuộc vào thẩm quyền của một người.
Trong những lĩnh vực khác thì sự cách mạng, đổi mới là cần thiết nhưng đối với chữ viết, sự ổn định là cần thiết hơn. Bởi vì, chữ viết đã trở thành một phần của văn hóa.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm hiện là Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Ngôn ngữ học nhiệm kỳ 2014-2019, kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM).
Ông cũng là ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương (từ 2011).
Tháng 11/1999, ông được bầu làm Viện sĩ nước ngoài Viện hàn lâm Khoa học Tự nhiên Nga. Sau đó, ông là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc tế học Hàn Quốc (Hankuk University of Foreign Studies - HUFS, Seoul, Korea) từ 2000-2001.
Ông là tác giả của cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam - giáo trình cơ bản của môn Cơ sở văn hóa Việt Nam trong các trường đại học hiện nay.
Bình luận