Ngày 6/12, Kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM tiếp tục phiên chất vấn của các đại biểu với lãnh đạo sở ngành liên quan.
Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang đặt câu hỏi với Sở Tài nguyên – Môi trường về vấn để xả rác nơi công cộng và truyền đạt đề nghị của người dân nên xã hội hóa lực lượng xử phạt hoặc giao ban chấp hành khu phố.
Vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết thời gian qua, các quận huyện đã tập trung xử lý và đã có gần 300 trường hợp bị lập biên bản xử lý, trong đó chủ yếu là các hành vi xả rác nơi công công và kênh rạch.
Tuy nhiên, theo ông Thắng hiện còn 5 điểm bất cập cần đề xuất, xin ý kiến các bộ, ngành. Theo đó, thành phố đã kiến nghị bộ trung ương cho phép thành phố được giao các lực lượng có sẵn như quản lý đô thị để có thêm lực lượng xử lý.
Trong đó, thành phố cũng đề xuất luôn việc được dùng tiền xử phạt vi phạm để hỗ trợ cho các lực lượng này. Bên cạnh đó, thành phố cũng đề nghị cho phép thành phố sử dụng hình ảnh từ camera giao thông để lập biên bản xử lý nguội; bổ sung việc xử phạt đối với hành vi đổ bỏ chất thải rắn không đúng nơi quy định; và cuối cùng là đề xuất biện pháp công khai thông tin người vi phạm.
Riêng trường hợp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành phố đã triển khai ở các quận huyện và lâu dài sẽ áp dụng toàn thành phố.
Trước đó, ngày 24/11, UBND TP.HCM chính thức ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Các hộ gia đình, chủ nguồn thải, không phân loại rác và chuyển giao theo nhóm chất thải, đơn vị thu gom sẽ nhắc nhở. Trường hợp tái phạm nhiều lần, đơn vị thu gom sẽ thông báo cho chính quyền địa phương lập biên bản xử phạt.
Tại khoản 4 Điều 20 của quy định này nêu: Phạt tiền 15-20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Chất thải phải phân loại theo 3 nhóm: Hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); có khả năng tái sử dụng (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh) và chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Các loại rác phải chứa trong bao bì phù hợp: Túi màu xanh, màu trắng đựng rác hữu cơ; túi có màu sắc khác chứa chất thải còn lại. Hoặc có thể dán nhãn, ghi chữ trên các túi rác để phân biệt.
Đơn vị thu gom sẽ lấy rác khác ngày, xe chuyên chở sẽ ghi rõ thu gom chất thải hữu cơ hoặc thu gom chất thải còn lại.
Bình luận