(VTC News) – Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cho biết, cầu Nhật Tân không phải là tên chính thức và nhiều người dân cũng đang phản đối tên này.
Như VTC News đã thông tin, cuối tháng 8 vừa qua, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Hiroshi Fukada - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam - đã đề xuất đổi tên cầu Nhật Tân thành Cầu hữu nghị Việt - Nhật để đánh dấu một bước tiến mới trong tình hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam.
Từ đó đên nay, việc đặt tên cho cây cầu mới này được người dân trong nước hết sức quan tâm. Mới đây, lại có phương án tên cầu Nhật Tân và cầu Hữu nghị Việt - Nhật sẽ được đặt song song…
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội.
Ông Long cho biết, Nhật Tân không phải tên chính thức của cây cầu mà chỉ là tên dự án. Theo nguyên tắc thì cầu, cũng như đường phố sẽ không được đặt tên khi chưa hoàn thành. Hiện dự án cầu Nhật Tân vẫn đang xây dựng và việc đặt tên cầu vẫn chưa được triển khai.
Dự án cầu Nhật Tân sắp hoàn thành. |
“Khi cầu xây xong mới bắt đầu quy trình đặt tên. Khi đó sẽ có tổ tư vấn nghiên cứu, rồi đề xuất lên UBND, HĐND TP Hà Nội. HĐND ra nghị quyết đặt tên cầu là gì thì đó mới là tên chính thức của cây cầu,” ông Long nói.
Theo ông Long, dự án cầu Nhật Tân sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Bởi vậy phía nước bạn có ý muốn đặt tên là Cầu hữu nghị Việt - Nhật để thể hiện tình hữu nghị, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một đề xuất để xem xét chứ hiện tại chưa có quyết định gì liên quan đến tên cầu.
Ông Long cho biết thêm, tên cầu Nhật Tân thực chất cũng chưa chuẩn. Hiện có một số người dân phản đối cái tên này.
“Cầu bắc qua sông, một bên là phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), một bên là xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh), dự án không thuộc địa phần phường Nhật Tân. Chính vì vậy, nhiều người dân có phản ứng, thắc mắc là tại sao không gọi là cầu Phú Thượng mà lại gọi là Nhật Tân.
Bên cạnh đó, việc đặt tên theo địa phương bên này sông thì người dân ở bên kia sông thắc mắc là cầu cũng chạy qua đất của họ mà tại sao lại chỉ đặt tên theo địa phương đối diện?” ông Long cho hay.
Về nguồn gốc tên Nhật Tân, ông Phan Đăng Long nói: “Trước đây khi tiến hành dự án, ban quản lý phải lấy một cái tên để gọi. Do không nắm được vấn đề nói trên (dự án không thuộc địa phận Nhật Tân) nên họ đã chọn tên Nhật Tân. Từ đó mọi người hay gọi là cầu Nhật Tân, nhưng đây chỉ là tên dự án chứ không phải tên chính thức của cây cầu.”
Dự án cầu Nhật Tân được khởi công từ 2009, dự kiến sẽ hoàn thành và thông xe vào tháng 1/2015. Như vậy, phải 3 tháng nữa thì cây cầu mới bắc qua sông Hồng này mới được đặt tên chính thức. Chưa biết cái tên Cầu hữu nghị Việt - Nhật có được chọn hay không, nhưng việc cầu không mang tên Nhật Tân là hoàn toàn có thể xảy ra.
Minh Quyết
Bình luận