Đào, phở và piano là phim điện ảnh của đạo diễn Phi Tiến Sơn do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất. Phim tái hiện Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa.
Những ngày qua, bộ phim liên tục được chia sẻ, bàn tán trên mạng xã hội dù ban đầu phim không được quảng bá nhiều, thậm chí khá im ắng giữa loạt phim Việt ra mắt cùng thời điểm.
Là một người đã xem và trực tiếp có mặt tại đoàn phim, biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết bà không quá bất ngờ khi Đào, phở và piano gây sốt với khán giả.
Trong cuộc chia sẻ với VTC News, nhà biên kịch khẳng định ê-kíp phim đã làm rất tốt với mức kinh phí không quá cao với một thể loại lịch sử, cần nhiều kỹ xảo.
- Những ngày qua, "Đào, phở và piano" - bộ phim do nhà nước đặt hàng bất ngờ nhận được sự quan tâm lớn của khán giả. Cảm xúc của bà thế nào khi biết được điều này?
Tôi không quá bất ngờ khi bộ phim gây sốt với khán giả như vậy. Từng được xem phim cách đây vài tháng, thời điểm đó tôi đã tin rằng khi phim công chiếu sẽ gây được ấn tượng tốt với khán giả.
Tuy nhiên có một điều hơi tiếc chính là việc truyền thông cho phim không được tốt. Khán giả hiện nay cũng chỉ dựa vào ý kiến của người xem trước để tiếp cận với phim. Chưa kể phim chỉ được chiếu trong một rạp phim của nhà nước nên rất hạn chế người xem. Tôi biết có nhiều người muốn xem nhưng không làm thế nào để xem được.
- Theo bà, lý do nào khiến "Đào, phở và piano" tạo được hiệu ứng tốt như vậy?
Tôi nghĩ trước hết đây là một phim tốt và gây được nhiều xúc cảm cho khán giả. Bộ phim có nhiều tình tiết chặt chẽ và đầy chất mỹ cảm trong từng cảnh quay, diễn xuất của diễn viên. Dù không phải là bộ phim duy nhất về Hà Nội nhưng lại để lại nhiều ấn tượng rất mạnh mẽ. Ấn tượng về những con người lãng tử hào hoa của Hà Nội được truyền tải rất rõ. Tôi nghĩ những điều này khiến cho khán giả thích thú và có ấn tượng tốt với phim.
- Được biết bà là người đã trực tiếp đến đoàn phim theo dõi từng cảnh quay. Theo quan sát của bà, những khó khăn mà bộ phim gặp phải khi thực hiện là gì?
Ấn tượng đầu tiên của tôi chính là bối cảnh phim được dàn dựng rất tốt và kỳ công. Nhiều chi tiết trong bối cảnh được làm rất cẩn thận để tạo cảm giác chân thực. Có một điều hơi tiếc chính là bối cảnh còn hơi nhỏ. Đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng từng nhiều lần tâm sự với tôi về việc này. Vì lý do này nên không đủ để đạo diễn có thể sáng tạo đúng theo tưởng tượng.
Giả sử nếu muốn tạo nên một bối cảnh rộng lớn hơn, chúng ta có thể dùng góc quay rộng hay flycam để tạo nên cảm giác mênh mông, khốc liệt của vùng chiến địa. Tuy nhiên do bối cảnh quá hẹp nên đạo diễn không thể áp dụng những kỹ thuật này. Điều này cũng khiến phần đại cảnh bị hạn chế.
Dù rất tiếc nhưng tôi nghĩ khán giả nên thông cảm vì nguồn tiền để thực hiện một bộ phim do nhà nước đặt hàng vẫn còn nhiều hạn chế. Người ta nói rằng "tuỳ tiền biện lễ" nên trong một điều kiện tiền bạc hạn chế như vậy thì rất khó để làm tốt hơn.
- Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng phần bối cảnh trong phim còn khá giả, thậm chí chỉ như một sân khấu kịch. Theo bà điều này phải chăng cũng do vấn đề kinh phí còn hạn hẹp?
Khi đến xem trực tiếp, bản thân tôi rất khâm phục nghệ thuật và kỹ thuật dựng cảnh của nhà sản xuất.
Bộ phim mang nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng. Trong đó phần kết có cảnh nữ chính mặc áo dài trắng, ôm bom ba càng để lao vào xe tăng của địch. Đây là một cảnh khiến tôi rùng mình. Không phải vì tôi sợ, mà do cảnh này đẹp kinh khủng. Tuy nhiên do phân cảnh hơi thực, kỹ xảo dùng không tới nên đã giảm bớt đi cảm xúc. Đây là điều cũng khiến tôi tiếc nuối.
Tôi nghĩ rằng nếu muốn làm một bộ phim có nhiều tính biểu tượng thì mặt kỹ xảo cũng phải được chau chuốt rất nhiều. Với bộ phim này, do hạn chế về kinh phí nên không thể đòi hỏi nhiều hơn. Chỉ với 20 tỷ đồng đầu tư như đã công bố, tôi nghĩ ê-kíp đã làm rất tốt.
- Với những bộ phim lịch sử thì khán giả thường sẽ quan tâm hơn đến độ chính xác, và trong bộ phim này cũng vậy. Có nhiều khán giả sau khi xem phim đã chỉ ra những cảnh bị cho là sai với lịch sử. Bà nghĩ sao về việc này?
Tôi nghĩ rằng ở hiện tại sẽ không còn quá nhiều người chứng kiến được tận mắt cuộc chiến đó diễn ra như thế nào. Khi làm những bộ phim lịch sử, các đạo diễn đã phải nghiên cứu khá nhiều tài liệu qua sách vở ghi chép hay những nhân chứng còn lại. Vì vậy khái niệm sai hay đúng với phim lịch sử là một điều mơ hồ khi câu chuyện đã xảy ra hơn 70 năm trước.
Ngoài ra, một cuộc chiến mở rộng trên toàn Hà Nội thì mỗi người cũng chỉ có thể nhìn thấy ở một góc nào đó. Không thể nào một người có thể nhìn được toàn bộ cuộc chiến để biết hết được cái nào đúng, cái nào sai.
Với tôi thì khi xem những bộ phim nghệ thuật, khán giả nên tự lắng nghe cảm xúc của mình hơn là săm soi đúng hay sai.
- Cục Điện ảnh vừa đề xuất Bộ Văn hóa chiếu "Đào, phở và piano" trên toàn quốc, tuy nhiên điều này đang gặp rất nhiều trở ngại...
Tôi nghĩ câu chuyện này vừa khó, vừa dễ. Dễ là ở việc trong luật điện ảnh đã có quy định các rạp chiếu phải có thời gian nhất định khi chiếu từng bộ phim. Họ đã có quy định khoảng thời gian quy định chiếu những bộ phim do nhà nước đặt hàng. Tôi nghĩ đây là điều dễ vì có thể căn cứ trên luật.
Về mặt khó khăn thì tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều điểm cần lưu ý. Nếu các công ty sở hữu rạp chiếu tư nhân không có thiện chí, họ có thể đẩy bộ phim vào những khung giờ rất tệ như giờ hành chính hay tối muộn.
Khi bộ phim rơi vào những suất chiếu không thuận lợi thì chỉ vài ngày sẽ bị đuổi ngay ra khỏi rạp. Tôi từng chứng kiến rất nhiều phim đã từng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Việc chúng ta có hàng bán nhưng không có chợ vẫn luôn là cả một vấn đề lớn mà luật điện ảnh không giải quyết được.
Theo tôi biết, Công ty cổ phần Phim truyện I là đơn vị sản xuất phim này, nhưng họ không lãi đồng nào khi làm phim.
- Vậy theo bà, có biện pháp để giúp những bộ phim như "Đào, phở và piano" nói riêng, hay những bộ phim do nhà nước đặt nói chung có thể tiếp cận nhiều hơn với khán giả?
Tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến phim cần phải làm việc với những hệ thống chiếu rạp. Cần phải có những quy ước, đồng thuận với nhau để giúp những bộ phim làm từ ngân sách đến gần hơn với khán giả.
Ngoài ra, chúng ta có thể đem bộ phim đi giới thiệu tại các trường học, cơ quan và cùng họ thực hiện những buổi chiếu miễn phí. Điều này nên được áp dụng ở các tỉnh thành phố lớn. Để phổ biến phim tới khán giả thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống chiếu phim lưu động này.
Tôi biết những bộ phim như thế này hoàn toàn không hề có kinh phí để truyền thông. Vì vậy khi đã thấy được tiềm năng của bộ phim nếu được chiếu rộng rãi thì phải có kinh phí dành cho truyền thông. Nếu chỉ để cho khán giả tự mò mẫm thì rất khó để mở rộng.
Mục tiêu của ngân sách nhà nước là làm sao để phim tiếp cận nhiều khán giả chứ không phải doanh số thu về. Ngân sách nhà nước là thuế của dân nên tôi cho rằng những người dân ở bất kỳ đâu cũng có quyền hưởng thụ một sản phẩm văn hoá được làm từ ngân sách. Đó là lý do chúng ta cần có một cái nhìn công bằng và thiện tâm hơn đối với khán giả.
Với Đào, phở và piano thì tôi biết hiện bộ phim đã ra khỏi bàn tay của nhà sản xuất và đạo diễn cũng không còn quyền lực nữa. Vậy nên nếu muốn đưa ra các giải pháp thì đều phải phụ thuộc vào hệ thống quản lý.
Đào, phở và piano tái hiện lại không khí trong 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 trong trận chiến bảo vệ Thủ đô.
Trong những ngày khói lửa ấy, tinh thần, cốt cách của người Hà Nội xưa vẫn được khắc họa rõ nét. Đó là mối tình mãnh liệt của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam) với cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh), là người họa sĩ già với ước mơ vẽ một bức tranh để đời, là vợ chồng người bán phở trong hoàn cảnh nguy nan vẫn mong làm được một bát phở đúng vị...Phim do đạo diễn Phi Tiến Sơn viết kịch bản, thực hiện với kinh phí 20 tỷ đồng. Đào, phở và piano từng nhận giải thưởng Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức tại Đà Lạt vào tháng 11/2023.
Bình luận