Đề xuất chỉ thi tốt nghiệp cho 30% học sinh kém nhất có khả thi?

Giáo dụcThứ Năm, 18/07/2019 17:19:00 +07:00

Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho rằng chỉ tổ chức thi THPT cho 30% thí sinh học lực kém, 70% còn lại Bộ GD&ĐT ủy quyền cho địa phương xét tốt nghiệp.

Tại Hội nghị công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ngày 17/7, tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT đề xuất thay đổi phương thức thi THPT Quốc gia, nhằm giảm thiểu tình trạng nhiều đơn vị và cá nhân hao tâm, tổn sức trong quá trình tổ chức; đồng thời đưa ra giải pháp  nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ thi.

Kỳ thi THPT Quốc gia hiện có ba mục tiêu: Xét tốt nghiệp THPT, hỗ trợ việc xét tuyển đại học; cung cấp số liệu đánh giá chất lượng giáo dụccho các địa phương. Gần như thông lệ, tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm luôn trên 90%, địa phương thấp cũng trên 80%.

Tiến sĩ Tùng cho rằng, chỉ tổ chức thi THPT cho 30% thí sinh học lực kém, 70% còn lại Bộ GD&ĐT ủy quyền cho địa phương xét tốt nghiệp. Theo ông, kết quả 30% là đủ để đánh giá chất lượng giáo dục địa phương.

le-truong-tung

Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT.

Trả lời VTC News về đề xuất trên tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc không tổ chức thi THPT đại trà cần nghiên cứu thật kỹ, vì nếu bỏ thi chắc chắn hệ thống giáo dục phổ thông sẽ ảnh hưởng đến học sinh từ lớp 1.

Ở Đức từng có 2-3 nghiên cứu về việc bỏ thi THPT nhưng chất lượng giáo dục tiểu học và chất lượng nguồn nhân lực sau này đều bị ảnh hưởng. Bởi khi đó, người ta sẽ không cần học, không có động lực học.

“Tôi nghĩ nên sớm hình thành những trung tâm khảo thí độc lập được nhà nước công nhận để xây dựng những bộ đề chuẩn, giao cho địa phương tổ chức thi. Bộ đề này phải theo chuẩn kiến thức, kỹ năng đầu ra đảm bảo các yêu cầu của kỳ thi, đồng thời đảm bảo độ công bằng, độ tin cậy", tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói.

Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh khoảng 98-99%, nhiều người cho rằng nên bỏ thi nhưng theo tiến sĩ Vinh, ai dám khẳng định chất lượng giáo dục sẽ tốt hơn. Thực tế, văn hóa đánh giá chất lượng của chúng ta còn nặng cảm tính và cả tham nhũng trong giáo dục nên hệ thống chưa đồng bộ.

Cho rằng đề xuất trên không phải lần đâu, một giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ không đồng tình việc bỏ thi THPT đại trà, bởi tất cả mọi người đều cần bình đẳng trong kỳ thi. Nếu đã là luật do Bộ GD&ĐT đưa ra thì mọi học sinh đều phải chấp hành, chỉ có khác cách tổ chức kỳ thi như thế nào.

“Nếu ý kiến trên được thông qua sẽ trở thành cuộc chạy đua bằng mọi giá để học sinh nằm trong nhóm 70% được miễn thi. Đối với học sinh giỏi, kỳ thi tốt nghiệp còn là cơ sở chứng minh học lực nhưng với học sinh yếu, kém có thể được coi như một sự trừng phạt”.

Giáo dục phổ thông mới: Cần quen dần với việc học lệch?

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Lịch sử là môn có tỷ lệ điểm dưới trung bình cao nhất trong 9 môn thi THPT Quốc gia 2019. Cụ thể, 399.016 em bị điểm dưới trung bình trên tổng số 569.905 thí sinh cả nước tham dự thi môn Lịch sử, chiếm tỷ lệ 70,01%.

Đây là minh chứng cho việc học sinh có xu hướng học lệch (thiên Tự nhiên hoặc thiên xã hội). Trong tương lai, khái niệm "toàn diện" trong đào tạo phổ thông sẽ mất đi.

Bình luận về vấn đề này, tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT phân tích, với chương trình giáo dục phổ thông mới, đến cấp phổ thông các em sẽ không bắt buộc phải học 13 môn như hiện nay.

Các môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và sau đó có thể chọn những môn theo hướng khoa học Tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Các em sẽ không học môn Sử. Lúc ấy, bài toán để phát triển toàn diện sẽ là giáo dục từ lớp 1 đến lớp 9".

"Trong luật giáo dục Phổ thông trong Luật giáo dục mới được Quốc hội thông qua xem chuyện đào tạo trung học phổ thông là đào tạo định hướng nghề nghiệp. Và đã là định hướng nghề nghiệp thì cần quên đi việc "toàn diện", mỗi em sẽ có định hướng của riêng mình. Khi số môn ít đi, câu hỏi theo chương trình mới sẽ không giống như chương trình giáo dục phổ thông cũ", tiến sĩ cho biết.

hoinghi1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo tại Hội nghị công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Vi phạm tuyển sinh, trường không được xác định chi tiêu trong 5 năm 

Liên quan đến quy định về tuyển sinh đại học thời gian tới, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Đại học cho biết Bộ GD&ĐT sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, thí sinh nhập học của các trường trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ. Đây là kênh thông tin để người học và xã hội giám sát, thực hiện hậu kiểm đối với các trường.

Cơ sở giáo dục nào vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Ngoài ra, hiệu trưởng hoặc chủ tịch hội đồng tuyển sinh, những người liên quan sẽ bị xử lý.

Về tuyển sinh ngành sư phạm, các trường tham mưu với UBND các tỉnh, thành nhu cầu đào tạo giáo viên, đồng thời tư vấn giúp Bộ GD&ĐT về chỉ tiêu, điểm sàn sư phạm và những giải pháp thu hút thí sinh giỏi.

Để đảm bảo công tác tuyển sinh diễn ra thành công, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tiếp tục đăng tải đầy đủ thông tin và trực giải đáp thắc mắc cho thí sinh, đặc biệt từ ngày 22 đến 31/7 khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Trước đó, ngày 14/7, Bộ GD&ĐT công bố kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Đến hôm nay (18/7), nhiều trường đại học đã công bố danh sách các thí sinh được tuyển thẳng, điểm sàn, điểm chuẩn dự kiến xét tuyển vào trường.

Hạ Vũ - Tùng Lâm - Bảo Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn