• Zalo

Đề xuất cầu Long Biên trở thành cầu đi bộ đẹp nhất thế giới

Thời sựThứ Ba, 28/10/2014 03:22:00 +07:00Google News

(VTC News) - Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính đề xuất bảo tồn, tu sửa cầu Long Biên để trở thành cầu đi bộ phục vụ người dân thủ đô.

(VTC News) - Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính đề xuất bảo tồn, tu sửa cầu Long Biên để trở thành cầu đi bộ phục vụ người dân thủ đô.

Tại hội thảo về phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên) sáng nay (28/10), Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đề xuất bảo tồn, tu sửa cầu Long Biên để trở thành cầu đi bộ phục vụ người dân thủ đô.
Xét về yếu tốc lịch sử và nhu cầu phục vụ giao thông đi lại, KTS Chính đăt câu hỏi: "Tại sao chúng ta không biến cầu Long Biên thành thành cầu đi bộ đẹp nhất của Việt Nam và thế giới".
Theo phân tích của KTS Trần Ngọc Chính, hiện nay ở Hà Nội, chưa có cây cầu nào bắc qua sông Hồng phục vụ việc đi bộ đúng nghĩa của người dân. 
Cũng theo KTS Chính, thủ đô của nhiều nước trên thế giới đều có những cây cầu đi bộ rất đẹp, là biểu tượng của cả thành phố. Ông Chính nêu dẫn chứng về cây cầu đi bộ ở thủ đô Luân Đôn nước Anh.
Đề xuất cầu Long Biên thành cầu đi bộ (Ảnh: Minh Chiến) 
Đồng quan điểm, Ông Lưu Minh Trị - Chủ tịch hội di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội khẳng định: "Bảo tồn tôn tạo cầu Long Biên gắn liền phát triển để phù hợp với đương đại. 
Đây là cầu lịch sử, gắn liền văn hóa khi bảo tồn và phát triển cần phải hài hòa. Phải tính đến công năng cầu Long Biên sau này, trước mắt có thể dùng cho xe máy, xe đạp nhưng về lâu dài đây là cầu đi bộ. Bản thân nó là một di sản gắn liền với phố cổ, Hoàng thành Thăng Long".
Phát biểu tại hội thảo, GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam cho rằng, thời gian qua Hà Nội xây dựng nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng nhưng chưa có cây cầu nào đạt được cả hai mục đích: giao thông và thẩm mỹ. 
Theo GS. Lê, Hà Nội đặc trưng khi có sông Hồng chảy qua, nên việc xây những cây cầu bắc qua sông vừa đảm bảo nhu cầu giao thông, vừa đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ vì đó là bộ mặt của thủ đô. 
"Theo tôi, hiện một số cây cầu lớn ở thủ đô vừa đưa vào sử dụng như cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì hiện nay chỉ có công dụng về giao thông. Tôi hy vọng cầu Nhật Tân sắp tới sẽ là một điểm nhấn về thẩm mỹ cho công trình bắc qua sông Hồng", GS. Phan Huy Lê nói.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn