Mới đây, Bộ Công an đã hoàn thành Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở rà soát Luật Căn cước công dân (CCCD), Bộ Công an chỉ ra những bất cập và đề xuất nhiều quy định mới.
Đề xuất cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi
Theo Bộ Công an, Luật CCCD không quy định về cấp thẻ CCCD cho toàn bộ công dân Việt Nam (loại trừ người dưới 14 tuổi, người không có nơi thường trú…) và cấp số định danh cá nhân, giấy chứng nhận căn cước cho người không quốc tịch nhưng sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho công dâ, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định cấp thẻ CCCD cho công dân là trẻ em dưới 14 tuổi (hiện nay có khoảng 20 triệu người); đối với trẻ em mới sinh việc thực hiện cấp thẻ CCCD được thực hiện đồng thời trong thủ tục liên thông khi đăng ký khai sinh; bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung quy định giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ CCCD cho người không có nơi thường trú, không đầy đủ một số thông tin cá nhân khác như ngày, tháng sinh, quê quán (theo 3 cấp hành chính), có thông tin kê khai về dân tộc, tôn giáo khác không nằm trong danh mục quy định của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.
Theo Bộ Công an, đề xuất bổ sung quy định trên nhằm giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính đối với công dân dưới 14 tuổi và có cơ sở để cung cấp, giải quyết một số thủ tục hành chính liên quan đến người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (như khai báo cư trú, giải quyết chế độ, chính sách…).
Việc cấp thẻ CCCD cho công dân dưới 14 tuổi phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và các quy định pháp luật khác liên quan; đồng thời, phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới quy định về việc cấp thẻ căn cước cho cả công dân dưới 14 tuổi như: Algeria, Argentina, Bỉ, Bhutan, Brunei, Chile, Colombia, Đức, Malaysia, Monaco, Bồ Đào Nha, Thái Lan…
Đề xuất thêm dữ liệu ADN, giọng nói vào CCCD
Cũng theo Bộ Công an, để giải quyết khó khăn, vướng mắc, hướng tới thực hiện hiệu quả Quyết định số 06 của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Công an đề xuất bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Thông tin về số CMND của công dân, ngày cấp, nơi cấp; người giám hộ, người được giám hộ; thông tin về diện chính sách; thông tin về người không quốc tịch nhưng sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam; chỉnh lý Cơ sở dữ liệu CCCD thành Cơ sở dữ liệu căn cước.
Bộ này đề xuất bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước gồm: Thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói); thông tin về người không quốc tịch nhưng sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam; tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam (có hoặc không có).
Theo báo cáo Tổng kết Luật Căn cước công dân, hiện nay công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hội viên, thẻ hành nghề... Bộ Công an cho rằng, việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan có thẩm quyền cấp gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động xã hội.
Luật CCCD hiện nay cũng không có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ CCCD (bao gồm thông tin về CCCD và các thông tin trên giấy tờ khác của công dân được tích hợp vào thẻ căn cước qua chíp điện tử và mã QR code). Vì vậy, việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ CCCD vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, thống nhất; nhiều đơn vị chưa tham gia triển khai vì đây không phải là nội dung được quy định trong luật.
Các quy định của Luật CCCD về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu Căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát, chủ yếu được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật. Đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ công và tổ chức, cá nhân khác, nên cần được luật hóa.
Trong thực hiện chuyển đổi số, việc xác định, định danh công dân trên môi trường điện tử (công dân số) là rất cần thiết. Luật CCCD hiện nay mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu CCCD, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua thẻ CCCD mà chưa có quy định về việc xác định, quản lý, định danh công dân trên môi trường điện tử nên gây khó khăn trong phát triển các tiện ích, triển khai dịch vụ công, quản lý các giao dịch điện tử quan trọng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản... chưa bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của công dân trên môi trường điện tử.
Bình luận