Trao đổi tại hội thảo “Xây dựng khung pháp lý cho dịch vụ công nghệ kết nối vận tải” do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN vừa tổ chức tại Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay thời gian qua, taxi truyền thống phàn nàn về việc bị cấm tại một số tuyến đường trong giờ cao điểm, trong khi Uber, Grab thì không. Bản thân ông rất chia sẻ với thực tế này và cho rằng đây là sự bất cập.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, nguyên tắc là phải chặn xe tư nhân đầu tiên, sau đó mới đến xe taxi rồi xe Uber, Grab.
“Vì sao? Nguyên nhân là phải theo độ rỗng của xe. Xe nào có độ rỗng nhiều nhất thì không được lưu thông. Còn phương tiện công cộng như taxi, Uber phải cho vào chứ không thể coi chuyện xe Uber cũng như xe tư nhân giống nhau, không phân biệt được nên quay ra ngăn chặn taxi”, ông Thành nói, đồng thời nhấn mạnh đây là điều vô lý, quyết định cấm như thế là sai lầm.
Đồng quan điểm với chuyên gia Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng để hạn chế câu chuyện không bình đẳng tại các tuyến phố giờ cao điểm thì cơ quan quản lý nên cấm xe cá nhân chứ không phải cấm xe taxi.
Bên cạnh đó, tại hội thảo, câu chuyện bất bình đẳng giữa taxi truyền thống và xe công nghệ cũng được đưa ra mổ xẻ khi xe taxi truyền thống bị cấm tại nhiều tuyến phố giờ cao điểm còn xe công nghệ (đang phát triển rầm rộ) thì không.
Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng điều bất hợp lý hiện nay đó là một số đoạn đường taxi truyền thống bị cấm trong khi taxi công nghệ lại không. Và do được hưởng lợi thế nên Uber, Grab tối ưu được hành trình, giá cước, khuyến mại nên thu hút lượng người dùng lớn.
Chuyên gia này cho rằng đã cấm thì phải cấm cả taxi truyền thống lẫn công nghệ. Do đó xe Uber, Grab cần có nhận diện thương hiệu để đảm bảo tính bình đẳng với loại hình khác.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đề xuất để giảm ùn tắc do lượng xe tham gia giao thông lớn cần rà soát và tăng biện pháp phạt cao hơn, đánh thuế nhiều hơn với những xe chạy 1 chiều, chạy rỗng như Grab, Uber.
Video: Hà Nội hạn chế xe máy vào năm 2030, tại sao khó thực hiện?
Trong thực tế, nhiều tuyến phố tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thường áp dụng cấm xe taxi theo hai khung giờ cao điểm (6h - 9h và 16h30 - 19h30) từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần. Một số tuyến phố còn áp dụng khung giờ cấm từ 6h - 9h, hoặc từ 6h-20h cả tuần.
Trước quy định cấm, nhiều hãng taxi truyền thống từng phải “than trời” vì quy định gây nhiều bất tiện cho việc chở hành khách có nhu cầu đi lại trên các tuyến phố trong giờ cao điểm.
Thời gian qua, giữa lúc hệ thống vận tải công cộng phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì nhiều chuyên gia đã đề xuất đến các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân như đánh vào kinh tế bằng việc thu phí xe cá nhân lưu thông giờ cao điểm, tăng lệ phí trước bạ xe đăng ký lần đầu...
Tuy nhiên, đến nay nhiều giải pháp vẫn không được thực th hoặc triển khai nhưng không hiệu quả, giao thông giờ cao điểm vẫn ùn tắc nghiêm trọng.
Bình luận