• Zalo

Đề xuất cải tiến 'giáo dục' thành 'záo zụk' vào đề văn trường chuyên Hà Nội

Giáo dụcThứ Hai, 11/12/2017 18:12:00 +07:00Google News

Đề xuất cải tiến chữ viết "Tiếq Việt" của PGS.TS Bùi Hiền được đưa vào câu hỏi của đề thi Ngữ văn lớp 12 trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội.

Mới đây, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) đưa nội dung câu hỏi liên quan đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền vào đề thi kết thúc học kỳ I dành cho học sinh lớp 12.

Cụ thể, trong phần đọc hiểu với 4 điểm, đề thi này nêu: Đọc đoạn trích sau đây trong bài "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" của Phạm Văn Đồng và thực hiện các yêu cầu:

“Trong” có nghĩa là trong trẻo, không có chất tạp, không đục; “sáng” là sáng tỏ, sáng chiếu, sáng chói, nó phát huy cái trong, nhờ đó phản ánh được tư tưởng và tình cảm của người Việt Nam ta, diễn tả trung thành và sáng tỏ những điều chúng ta muốn nói…

Phải làm gì để giữ gìn sự trong sáng của tiếng ta, giữ gìn hai đức tính rất quý của nó là giàu và đẹp, hơn thế nữa, làm sao cho nó càng thêm giàu và đẹp. Và phải chủ động, tích cực, nhạy cảm, đồng thời phải kiên trì, phấn đấu lâu dài, một cách có tổ chức, có kế hoạch, vững chắc.

De xuat cai cach 'giao duc' thanh 'zao zuk' vao de van truong chuyen hinh anh 1

Đề văn cho học sinh lớp 12 tại trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội. 

Ở đây phải chú ý ba khâu:

Một là gìn giữ và phát triển vốn chữ của tiếng ta (tôi không muốn dùng chữ “từ vựng”).

Hai là nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta (tôi muốn thay chữ “ngữ pháp”).

Ba là gìn giữ bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn nghệ, chính trị, khoa học, kĩ thuật,…). (Dẫn theo SGK Ngữ Văn 12 – NXB Giáo dục 2012).

1. Chỉ ra phong cách ngôn ngữ của đoạn trích trên?

2. Các bộ phận được gạch dưới là thành phần gì trong câu?

3. Theo tác giả tiếng Việt có những đức tính gì? Ngoài ba khâu phải chú ý trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà tác giả đưa ra, anh/chị hãy đóng góp thêm một ý kiến của riêng mình về việc đó.

4. Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về đề xuất cải tiếng bảng chữ cái “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt” của PGS.TS Bùi Hiền, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về đề xuất ấy”.

Cô Trần Phương Loan - Tổ phó tổ Văn, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, người trực tiếp ra đề thi này - cho hay đây là đề thi học kỳ I dành cho học sinh khối 12 của trường.

Nữ giáo viên khẳng định đề thi này hoàn toàn đúng với quy định của Bộ GD&ĐT về việc giúp học sinh phát huy năng lực nhận thức và kỹ năng, hoàn toàn không phải để phản đối đề xuất chuyển đổi Tiếng Việt hay có ý gì khác.

“Đây là câu nghị luận xã hội, tôi chọn vấn đề xã hội mà học sinh đang quan tâm để các con trình bày chính kiến của mình, sau khi đã sàng lọc thông tin. Khi đưa vào bài, các con phải có cách nhìn vấn đề đúng đắn và đa chiều”, cô Loan nói.

PGS.TS Bùi Hiền cho hay việc đưa đề xuất cải tiến chữ viết vào đề thi là hơi sớm và mang tính chất đánh đố học sinh. Công trình của ông chưa nghiên cứu hoàn thiện, học sinh cũng chưa được phổ biến một cách cụ thể về đề xuất mà chỉ biết qua thông tin đại chúng. Với một nghiên cứu khoa học, sự hiểu biết đó chưa tường tận. Vì vậy, cách đưa đề thi này có thể khiến học sinh không nói được quan điểm của mình.

Thầy Trịnh Quỳnh - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định - cho rằng đề thi phù hợp khi kết nối tri thức trong SGK về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt với câu chuyện thay đổi chữ viết tiếng Việt.

Tuy nhiên, đây vẫn còn là vấn đề tranh cãi, quan điểm của thầy cô có thể không đồng nhất với học sinh. Giáo viên nên cân nhắc, tránh việc đề mở nhưng đáp án lại đưa ra cố định, không chấp nhận suy nghĩ khác biệt.

Video: Trò chuyện với tác giả đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt gây xôn xao dư luận

Nguồn: Zing News
Bình luận
vtcnews.vn