Mới đây, đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt mà PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) trong cuốn sách vừa xuất bản gây nhiều tranh cãi.
PGS.TS Bùi Hiền cho rằng, trải qua gần một thế kỷ đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư. Theo đó, cách viết chữ tiếng Việt: "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...
Trả lời VTC News, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Đại học KHXH &NV – ĐHQG Hà Nội đã đưa ra 5 lý do để phân tích đề xuất này không khả thi trong thực tế.
- Trong Hội thảo Ngôn ngữ học Toàn quốc được tổ chức tháng 9/2017, PGS Bùi Hiền đã có bài viết “Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế” trong đó có nhiều đề xuất về cải tiến chữ viết tiếng Việt. Tuy nhiên, những đề xuất này khiến dư luận tranh cãi. Là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, ông đánh giá như thế nào về những cải tiến được nêu ra trong công trình của PGS Bùi Hiền?
PGS.TS Bùi Hiển không phải là người đầu tiên đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ mà chỉ là người gợi lại vấn đề và đưa ra một đề xuất mới với nhiều thay đổi gây tranh cãi.
Tuy nhiên, đây chỉ là một báo cáo khoa học của cá nhân chứ không phải là đề xuất của một tổ chức khoa học hay cơ quan nhà nước nào nên mọi người cũng không nên quan trọng hoá vấn đề. Ít ra đây cũng là dịp để mọi người hiểu biết hơn về chữ quốc ngữ và cách ứng xử với nó.
- PGS Bùi Hiền cho rằng trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư...Đã đến lúc phải cải tiến chữ viết tiếng Việt chưa, thưa ông?
Theo tôi, hệ thống chữ viết không chỉ liên quan đến mối quan hệ âm – chữ mà còn liên quan đến các nhân tố tâm lý, cảm thức văn hoá, thói quen…nên không thể lấy tiêu chí đúng/sai, tiết kiệm/không tiết kiệm làm cơ sở duy nhất để cải tiến. Hơn nữa, việc thay đổi chữ viết nhiều có thể đưa lại những hệ luỵ không mong muốn.
Mặc dù chưa thực sự chặt chẽ và tiết kiệm về mặt hệ thống, nhưng chữ quốc ngữ hiện nay được sử dụng bình thường và thống nhất trong cả nước, những hạn chế của nó không đến mức làm cản trở quá trình viết, đọc, hiểu tiếng Việt.
Vì vậy tôi cho rằng chưa cần đặt vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, theo nghĩa là thay đổi hệ thống chữ cái hiện hành. Vấn đề quan trọng hơn có lẽ là nên có những qui định thống nhất về cách viết hoa tên riêng tiếng Việt, cách phiên âm, chuyển từ ngữ nước ngoài vay mượn vào tiếng Việt.
Video: Tác giả đề xuất cải cách tiếng Việt 'Luật giáo dục' thành 'Luật záo zụk' nói gì khi bị lên án?
- Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của người Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Đề xuất cải tiến này dự vào tiếng nói, văn hoá của người Hà Nội thì có hợp lý không, thưa ông?
Nguyên tắc mỗi chữ chỉ ghi một âm vị là nguyên tắc lý tưởng, nó chỉ đúng với bảng ký hiệu phiên âm quốc tế, còn ít có hệ thống chữ viết nào đáp ứng được nguyên tắc này vì khác với chữ viết, ngữ âm có thể khác biệt theo phương ngữ và biến đổi thời thời gian. Điều đó đúng với mọi ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt.
Ngoài các đề xuất hợp lý về mặt ngữ âm (như thống nhất d, gi thành z; c,k, q thành k), một số đề xuất của PGS. Bùi Hiền (như dùng z để thay cho cả d, gi,r; dùng c thay cho ch, tr; dùng s thay cho cả s và x) chắc chắn sẽ không được nhiều người tán thành, kể cả các nhà ngôn ngữ học vì nó bỏ qua những đối lập âm vị học vẫn còn quan yếu trong tiếng Việt (phân biệt s và x, tr và ch).
- Theo ông, đề xuất này có khả thi trong thực tế không, tại sao?
Tôi cho rằng đề xuất này không khả thi vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, như trên đã nói mặc dù chữ viết là phương tiện ghi âm của ngôn ngữ nhưng một khi đã hình thành và phát triển thì nó không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa chữ và âm nữa mà còn liên quan đến tâm lý, cảm thức văn hoá, thói quen của người bản ngữ được định hình trong quá trình sử dụng.
Cải tiến chữ viết theo cách mà PGS. Bùi Hiền đề xuất hầu như thay đổi về cơ bản hệ thống chữ quốc ngữ hiện hành, vì vậy khó có thể được mọi người chấp nhận.
PGS Nguyễn Hồng Cổn
Cải tiến chữ viết theo cách mà PGS. Bùi Hiền đề xuất hầu như thay đổi về cơ bản hệ thống chữ quốc ngữ hiện hành, vì vậy khó có thể được mọi người chấp nhận.
Thứ hai, ngay cả khi bằng một mệnh lệnh hành chính nào đó để cải tiến chữ quốc ngữ theo cách mà PGS Bùi Hiền đề nghị thì việc thay đổi cả một hệ thống chữ viết như vậy ở phạm vi toàn xã hội thật khó mà không xảy ra tình trạng lộn xộn về chính tả vì sự xung đột giữa thói quen viết lối cũ với cách viết theo lối mới mới được đưa vào sử dụng nhưng chưa quen thuộc.
Tình trạng không thống nhất cách viết i/y trong xã hội cũng như trong các văn bản tiếng Việt hiện nay chính là hệ quả của những đề xuất được quy định vội vàng.
Thứ ba, nếu đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ này được áp dụng thì hàng loạt hệ luỵ khác sẽ kéo theo: những người đã học hệ thống chữ viết cũ phải học lại hệ thống chữ viết mới, sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo quan trọng, các văn bản pháp lý… sẽ phải biên soạn lại bằng kiểu chữ mới.
Tất cả các bảng hiệu quảng cáo, tên cơ quan, đường phố…hiện hành cũng phải trình bày lại bằng kiểu chữ mới...Như vậy, việc cải tiến chữ quốc ngữ giúp tiết kiệm đâu chưa thấy, nhưng những lãng phí về thời gian và tiền bạc mà nó mang lại chắc chắn nhiều vô kể.
Thứ tư, khi hệ thống chữ viết cải cách này được áp dụng thì toàn bộ kho sách tiếng Việt được viết và in theo chữ quốc ngữ hiện hành sẽ trở nên khó đọc và khó hiểu đối với các thế hệ sau và dần dần sẽ không còn ai muốn đọc nữa, ngoài các nhà nghiên cứu (như các văn bản Hán, Nôm cổ hiện nay) . Đấy là một sự lãng phí không hề nhỏ về tri thức và tiền bạc.
Thứ năm, cứ giả định rằng hệ thống chữ viết cải cách đáp ứng được yêu cầu thống nhất âm – chữ (một chữ chỉ ghi 1 âm vị và ngược lại) như tác giả mong muốn nhưng do sự phát triển của ngôn ngữ đến một lúc nào đó lại nảy sinh sự không tương ứng giữa âm và chữ (vì cách phát âm có thể thay đổi tự nhiên qua thời gian còn chữ viết thì ổn định), phải chăng lúc đó lại phải cải tiến chữ viết?
- Như ông đã phân tích trên thì phải chăng những bất hợp lý, bất tiện còn nhiều hơn rất nhiều so với sự tiện dụng mà PGS Bùi Hiền nêu trong công trình vừa qua?
Đúng như vậy, cân nhắc giữa mặt lợi và mặt không có lợi của việc cải tiến chữ quốc ngữ theo đề xuẩt của PGS. Bùi Hiền, tôi cho rằng hậu quả bất lợi nhiều hơn.
Nếu có thay đổi thì có lẽ chỉ thay đổi dần dần một vài ký tự (như thống nhất d, gi thành z) nhưng cũng phải cân nhắc hết sức thận trọng.
Để kết luận tôi xin nói thêm rằng đây vừa là một vấn đề khoa học vừa là một vấn đề văn hoá. Dù đồng ý hay không đồng ý với PGS Bùi Hiền, chúng ta cũng cần ghi nhận tấm lòng của ông, tôn trọng ông, và nếu tranh luận thì cũng phải tuân theo các chuẩn mực khoa học và văn hoá.
Xin cảm ơn ông!
Video: Xôn xao đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ
Bình luận