Liên quan đến việc dự án Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế đề xuất quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần, PV báo điện tử VTC News đã có cuộc phỏng vấn công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật về vấn đề này.
Trao đổi với PV, Luật gia, thạc sĩ luật Nguyễn Thị Hằng (Phó giám đốc công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật) chia sẻ: “Tôi cho rằng đề xuất mới đây của Bộ y tế liên quan đến việc bắt buộc công dân phải hiến máu một lần trên năm là không phù hợp với quy định pháp luật cũng như đạo đức xã hội”.
Theo Ths Hằng, thứ nhất, “hiến” được hiểu là cho, dâng thứ quý giá một cách tự nguyện. Nên không ai lại dùng từ “Hiến” cho một nghĩa vụ nào đó, kể cả là Hiến máu. Mặc dù không thể phụ nhận hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp nhưng việc luật hóa nó thành một nghĩa vụ của công dân sẽ trở thành một quy định vi hiến.
Bởi lẽ, máu người cũng như bộ phận cơ thể là những thứ rất đáng quý liên quan đến sức khỏe con người và quyền nhân thân. Các quyền này được bảo hộ bằng Hiến pháp và pháp luật. Không ai có quyền bắt một công dân phải cho đi những thứ liên quan đến quyền nhân thân mà người đó không muốn.
Dưới góc độ lập pháp, việc đề xuất những quy định như trên cũng dễ tạo ra những tiền lệ xấu xâm phạm đến quyền con người. Ai dám khẳng định sẽ không có thêm những đề xuất dạng như thêm các quy định bắc buộc phải hiến tạng, hiến tóc… cũng phải nhất mạnh rằng trong thế giới văn minh cũng chưa có quy định nào bắt công dân phải thực hiện nghĩa vụ hiến máu.
“Mặt khác, quy định về nghĩa vụ sẽ phải kèm theo chế tài nếu công dân không thực hiện. Mục đích của hiến máu là tạo lượng dự trữ máu quốc gia. Nhưng sẽ không thể sử dụng mệnh lệnh hành chính để bắt buộc, dẫn giải một ai đó đi hiến máu. Còn nếu chọn giải pháp xử phạt hành chính để buộc một công dân đi hiến máu thì chắc chắn sẽ không ít người sẽ chọn giải pháp nộp phạt, khi ấy mục đích việc tạo dự trữ máu cũng sẽ không đạt được. Đồng thời dễ mất đi hình ảnh đẹp đẽ, nghĩa cử cao đẹp của việc hiến máu”, Ths. Hằng cho biết.
Trước đó, trong dự án Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế đề xuất 2 giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu.
Giải pháp 1, quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu;
Giải pháp 2, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.
Qua những phân tích, Bộ Y tế cho rằng nên lựa chọn giải pháp 2 để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội.
Bên cạnh đó, do nội dung của các chính sách được xác định có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân vì vậy theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì thẩm quyền ban hành chính sách thuộc Quốc hội.
Cuối giờ chiều 9/1, theo thông PV nhận được, Bộ Y tế chọn ủng hộ phương án hai và đang xây dựng dự thảo theo phương án này.
Vì nếu theo giải pháp một, không nói về vấn đề tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi so với giải pháp 2 (sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ) mà còn gây tình trạng lãng phí, xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết là khoảng gần 28 triệu đơn vị máu.
Trong khi đó, nếu coi việc hiến máu là tự nguyện và trong điều kiện lý tưởng là có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm thì hàng năm sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ và quan trọng nhất là nguồn máu đảm bảo điều trị. Vì thế Bộ Y tế lựa chọn phương án hai để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém.
“Hiện nay Bộ Y tế xây dựng dự thảo theo giải pháp 2, “Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu” để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội”, Bộ Y tế cho biết.
Bình luận